Theo hãng tin Reuters, Transdniestria là khu vực ly khai được Nga hậu thuẫn, giáp với biên giới Ukraine và là nơi Nga duy trì lực lượng hòa bình. Việc thu hồi sắc lệnh năm 2012 được công bố trên website của Kremlin. Moscow cho biết, quyết định trên được đưa ra nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia của Nga khi những thay đổi sâu sắc đang diễn ra trong quan hệ quốc tế.
Đây là một phần trong các động thái chống phương Tây mà Tổng thống Putin đề cập vào hôm qua (21/2).
Trong sắc lệnh năm 2012, Nga cam kết tìm ra cách giải quyết các vấn đề ly khai dựa trên sự tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và sự trung lập của Moldova khi xác định vị thế đặc biệt của Transdniestria.
Những người nói tiếng Nga ở vùng Transdniestria đã rời khỏi Moldova vào năm 1990, vì lo ngại Moldova sẽ hợp nhất với Romania - quốc gia có chung ngôn ngữ và văn hóa.
Alexandru Flenchea, Chủ tịch Ủy ban kiểm soát chung của khu vực an ninh xung quanh Transdniestra nói, việc hủy bỏ sắc lệnh không có nghĩa là ông Putin từ bỏ khái niệm về chủ quyền của Moldova. "Sắc lệnh là một tài liệu chính sách vốn thực thi khái niệm về chính sách đối ngoại của Nga. Moldova và Nga có một thỏa thuận chính trị cơ bản, quy định hai bên tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của nhau", quan chức trên nói.
Kremlin cho hay, quan hệ của Nga và Moldova rất căng thẳng. Nga cáo buộc Moldova theo đuổi chương trình nghị sự chống Nga.
Nằm giữa Romania và Nga, Moldova - một trong các quốc gia nghèo nhất châu Âu, kể từ năm 2020 nằm dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Maia Sandu và nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU). Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp bà Sandu hôm 21/2 tại Ba Lan và tái khẳng định sự ủng hộ của ông với Moldova.
Năm 1992, một cuộc chiến ngắn đã nổ ra giữa Moldova mới độc lập với lực lượng ly khai. Tuy nhiên, trong 30 năm qua, bạo lực hầu như không xảy ra ở quốc gia này. Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga vẫn hiện diện ở Transdniestria.