Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres và phái đoàn Liên Hợp Quốc sáng 22/10 đã đến thăm Tổng Cục Khí tượng thuỷ văn Quốc gia (Bộ TN&MT) trên phố Pháo Đài Láng - nơi cảnh báo, dự báo thiên tai khí tượng thủy văn, xu thế biến đổi khí hậu trên phạm vi cả nước và trong khu vực, trên thế giới. Đón tiếp Tổng Thư ký có Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà, lãnh đạo Bộ TN&MT, cùng cán bộ, công nhân viên thuộc Tổng Cục Khí tượng thuỷ văn Quốc gia.

GS Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho biết, chuyến thăm của Tổng Thư ký LHQ mang tính lịch sử, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của cá nhân Tổng thư ký và LHQ đến công tác phục vụ khí tượng thuỷ văn, giảm thiểu rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tổng Thư ký LHQ xem phòng truyền thống và nghe giới thiệu về lịch sử ngành khí tượng, thuỷ văn Việt Nam.

“Chuyến thăm sẽ là dấu mốc đặc biệt quan trọng, có tính lịch sử, đầy tự hào đối với ngành Khí tượng thuỷ văn Việt Nam nhằm động viên tinh thần làm việc của các thành viên Khí tượng thuỷ văn và kêu gọi sự quan tâm của các cấp chính quyền, người dân và các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu”, ông Thái cho hay. 

Ông khẳng định, đây là động lực để ngành Khí tượng thuỷ văn Việt Nam, thành viên tích cực, chủ động của Tổ chức Khí tượng thế giới trong mái nhà chung LHQ, cống hiến hết mình, phát huy trí tuệ, tinh thần hợp tác, hoàn thành nhiệm vụ dự báo, cảnh báo thiên tai, góp phần phát triển bền vững.

Tổng Thư ký LHQ viết cảm nghĩ vào sổ lưu niệm tại Tổng cục Khí tượng thuỷ văn, trân trọng và đánh giá cao những gì cán bộ, công nhân viên của ngành đã làm trong những năm qua.

Giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của ngành, Tổng Cục trưởng Trần Hồng Thái cho biết, Tổng cục không chỉ đưa những bản tin những bản tin cảnh báo, dự báo phòng chống thiên tai phục vụ cho nhân dân, phát triển KT-XH trong nước mà còn chia sẻ những thông tin dữ liệu ở khu vực Đông Nam Á cho nhiều nước.

Lãnh đạo ngành khí tượng thuỷ văn thông tin, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, ĐBSCL nơi được dự báo nước biển dâng lên tới 1 mét, có thể 85% diện tích đất đai sẽ bị mất nếu không có các biện pháp kịp thời. Nếu không hành động theo đúng khẩu hiệu của LHQ “cảnh báo sớm để hành động sớm” thì Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Nhờ sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam, Tổ chức Khí tượng thế giới và các tổ chức khí tượng các nước, hiện Việt Nam là một trong ít nước có hệ thống quan trắc radar tương đối hoàn thiện.

Lãnh đạo Tổng Cục Khí tượng thuỷ văn Quốc gia giới thiệu về công tác dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn.

Tổng Thư ký LHQ bày tỏ vui mừng khi đến thăm Tổng Cục Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, nơi có những tiến bộ về công nghệ và hiệu quả trong dự báo khí tượng, thuỷ văn ở Việt Nam.

“Trên thực tế ở nhiều nơi trên thế giới cũng không được may mắn như Việt Nam, khi hàng trăm, hàng nghìn người bị thiệt mạng do ảnh hưởng của thiên tai, đây là một điều đáng buồn”, Tổng Thư ký chia sẻ.

Tổng Thư ký LHQ chia sẻ nhiều về vấn đề mà toàn cầu đang gặp phải trong ứng phó biển đổi khí hậu.

Nhấn mạnh vai trò của công tác dự báo, cảnh báo, Tổng Thư ký cho rằng khi có hệ thống cảnh báo sớm con người sẽ biết tai hoạ xảy ra, “chúng ta sẽ có thời gian để sơ tán người dân, bảo vệ tài sản”. Nếu không có dự báo thì sẽ khó phòng tránh và hậu quả rất khó lường.

Mục tiêu mà LHQ đang cố gắng thiết lập trong 5 năm tới một hệ thống liên minh cảnh báo thiên tai ở các nước được xây dựng với mục đích chấm dứt những thảm họa ảnh hưởng đến sinh mạng, tài sản. Từ đây, Tổng Thư ký cho biết, Việt Nam với kinh nghiệm của mình có vai trò quan trọng.

“Tôi xúc động khi nhìn thấy những hình ảnh, bản đồ mà các bạn đã trình chiếu. Tôi rất ấn tượng về những gì được thấy tại đây, các cơ quan khí tượng thuỷ văn là 1 trong những yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển, bảo vệ người dân, giảm phát thải, giúp cho nhà nước hoạch định chính sách nhằm chống chọi lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”, ông nói.

Phái đoàn LHQ và lãnh đạo Bộ TN&MT, Tổng Cục Khí tượng thuỷ văn Quốc gia.
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà tặng quà cho Tổng Thư ký LHQ.

“Các bạn có thể nhìn thấy ĐBSCL đang phải ứng phó với nước biển dâng và xâm nhập mặn, rồi bị hạn hán, thiếu nước từ thượng nguồn. Đây là hiểm họa không chỉ Việt Nam mà thế giới cũng cần biết. Cách đây mấy năm tôi đã đến thăm ĐBSCL, tôi hy vọng sau này khi cháu tôi đến Việt Nam sẽ thấy đây là một khu vực xanh tươi, năng động với những hoạt động kinh tế với cuộc sống thịnh vượng”, ông chia sẻ.