Theo hãng tin Tass và trang Space, phát biểu trong phiên điều trần tại Ủy ban Khoa học, Không gian và Công nghệ của Hạ viện Mỹ, ông Bill Nelson nói: "Chúng tôi sẽ đưa nó khỏi quỹ đạo vào năm 2030-2031. Trạm vũ trụ quốc tế đã cũ".
Quan chức trên cho hay, các hoạt động quỹ đạo tiếp theo sẽ do các công ty tư nhân phụ trách. "Chúng tôi đang trao hợp đồng cho một số công ty thương mại để tạo ra các trạm vũ trụ thương mại".
Trước đó, người đứng đầu NASA nói, ông hy vọng Nga và Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác trong các dự án của ISS tới năm 2030.
Đầu tuần này, Tổng giám đốc Roscosmos của Nga, ông Yury Borisov đã gửi thư tới những người đứng đầu cơ quan vũ trụ của các quốc gia đối tác, thông báo rằng Nga quyết định tiếp tục có mặt trên ISS tới hết năm 2028. Năm ngoái, các quan chức hàng không vũ trụ Nga cho biết, từ sau 2024, nước này sẽ không tiếp tục có mặt trên ISS để tập trung xây dựng căn cứ riêng ở quỹ đạo thấp của Trái đất.
Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) đi vào quỹ đạo từ ngày 20/11/1998. Nó bao gồm một số mô-đun và nặng khoảng 435 tấn, thậm chí lên tới 470 tấn khi tàu vũ trụ được gắn vào. Tổng cộng có 14 quốc gia đang tham gia ISS, gồm Nga, Canada, Mỹ, Nhật Bản và 10 quốc gia thành viên của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (Bỉ, Đức, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Italia, Hà Lan, Na Uy, Pháp, Thụy Điển và Thụy Sĩ).