“Một vài phi công trực thăng bị laser chĩa vào từ các tàu cá đi ngang qua. Các phi công này sau đó đã được cho ngừng công tác tạm thời vì các lí do y tế phòng ngừa”, anh Euan Graham, thuộc Viện Chính sách Chiến thuật Australia viết trong một bản báo cáo.

Anh Graham nói với hãng tin CNN rằng anh không tận mắt chứng kiến vụ việc, nhưng các phi công người Australia nói với anh rằng họ bị nhắm vào nhiều lần tia laser từ các tàu thương mại khi thực hiện các nhiệm vụ trên Biển Đông.

Graham đã có mặt trên tàu HMAS Canberra, một tàu chở trực thăng và là con tàu hàng đầu của Hải quân Hoàng gia Australia, khi nó hoạt động ở Biển Đông và Ấn Độ Dương trong một chiến dịch kéo dài 3 tháng, vừa kết thúc tuần này.

{keywords}
Tàu chở trực thăng HMAS Canberra của Hải quân Hoàng gia Australia.

Các quan chức quân đội Australia cho biết họ đang nghiên cứu báo cáo của anh Graham.

Ở ngoài biển, ngư dân đánh cá thường sử dụng laser để cảnh báo các tàu thuyền khác đi quá gần họ. 

“Trong trường hợp va chạm giữa các tàu, hành động này còn hợp lý. Nhưng rõ ràng là không có đe dọa trực tiếp nào từ các máy bay đến các tàu cá ở Biển Đông cả”, anh Graham nói. 

Anh Graham cho biết tàu Canberra và các tàu khác của Australia bị theo sát gần như liên tục bởi các tàu chiến của Trung Quốc khi hoạt động ở Biển Đông, mặc dù họ không hề tiếp cận các đảo hay các rặng được kiểm soát bởi quân đội Trung Quốc.

Các liên lạc qua radio giữa lực lượng Australia và Trung Quốc đều khá lịch sự, anh Graham cho biết.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa đưa ra bình luận chính thức về vụ việc này.

Quân đội Mỹ cho biết năm ngoái, có ít nhất 20 vụ chĩa tia laser ở phía Đông Thái Bình Dương, được nghi ngờ là từ phía Trung Quốc.

Các phi công bị chiếu laser có thể có các triệu chứng như chóng mặt, đau đầu, co giật ở vùng mắt và xuất hiện các chấm đen hay nháy sáng trong tầm nhìn. Việc mắt bị chói lóa có thể dẫn đến việc mất thị lực tạm thời, giáo sư nhãn khoa John Marshall thuộc Đại học University College London cho biết.

Anh Thư