SSI của ông Nguyễn Duy Hưng xuất hiện đã khiến âm mưu thâu tóm Bibica của Lotte đổ vỡ. May thay, một kết cục buồn như câu chuyện Kem đánh răng Dạ Lan, nước giải khát Tribeco,... đã không xảy ra.

Dòng vốn ngoại ồ ạt vào Việt Nam nhiều năm qua tưởng chừng sẽ lấn át hoàn toàn các doanh nghiệp nội. Một số thương hiệu nổi tiếng đã bị "nuốt chửng" như Kem đánh răng Dạ Lan, nước ngọt Tribeco,... Tuy nhiên, năm 2017 chứng kiến sự trỗi dậy ngoạn mục của nhiều doanh nghiệp Việt, bất chấp dòng vốn ngoại vẫn lớn chưa từng thấy.

Doanh nghiệp nội bùng nổ

Trong vòng 2 năm qua, cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động của ông Nguyễn Đức Tài tăng giá rất mạnh, gấp khoảng 3 lần, từ mức 40.000 đồng/cp, có lúc lên 135.000 đồng/cp.

Sức cầu đối với cổ phiếu này rất lớn, trong bối cảnh kế hoạch mở rộng thị phần của doanh nghiệp bán lẻ diện thoại di động được thực hiện khá thành công, với hàng ngàn cửa hàng được mở mới trên phạm vi toàn quốc.

MWG của ông Nguyễn Đức Tài cũng đã thâu tóm doanh bán lẻ điện máy Trần Anh và đang mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ dược phẩm với những động thái đầu tiên như tuyển nhân sự cho chuỗi cửa hàng bán lẻ mới này. 

{keywords}
 

Với khoảng 2.000 cửa hàng trên phạm vi cả nước, MWG chính thức trở thành một đế chế bán lẻ tại Việt Nam, có khả năng cạnh tranh với hàng loạt ông lớn bán lẻ nước ngoài đang tấn công vào lĩnh vực này.

Giống như MWG, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) của bà Cao Thị Ngọc Dung cũng xây dựng hệ thống bán lẻ nhanh thần tốc, góp phần vào cuộc đua giữ lại thị trường trong nước trước rất nhiều đại gia ngoại đang nhăm nhe tấn công thị trường bán lẻ Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng cửa hàng bán lẻ trang sức của PNJ cũng thuộc dạng nhanh chưa từng có. Riêng năm 2017, doanh nghiệp của bà Ngọc Dung đã mở mới khoảng 50 cửa hàng và dự kiến mở thêm từng đó cửa hàng nữa trong năm 2018, nâng tổng số cửa hàng trong chuỗi lên 500 vào năm 2020.

Trước đó, một làn sóng tập đoàn nước ngoài từ khắp nơi như Thái, Hàn, Nhật, Úc,... rầm rập đổ tiền vào chiếm thị trường bán lẻ Việt Nam, với các thương vụ điển hình như Metro, Nguyễn Kim, Big C, Lotte, AEON, AuchanSuper, 7-Eleven,...

Khi Big C về tay Tập đoàn Central Group của người Thái, không ít người lo ngại khi hàng chục cửa hàng của Thế Giới Di Động phải đóng cửa. Tuy nhiên, sự phát triển bùng nổ của MWG sau đó phần nào làm bớt nỗi lo của cộng đồng doanh nghiệp Việt.

“Mối tình tay 3” Bibica-Lotte-PAN cũng là một cuộc chiến khá căng thẳng kéo dài nhiều năm giữa đại gia ngoại và doanh nghiệp trong nước. PAN Food của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cuối cùng cũng đã trở thành cổ đông lớn nhất, nắm giữ hơn 50% Bibica.

SSI của ông Nguyễn Duy Hưng xuất hiện đã khiến âm mưu thâu tóm Bibica của Lotte đổ vỡ. Trước đó, đại diện Bibica thừa nhận đã mắc sai lầm “cõng rắn cắn gà nhà” khi mời tập đoàn Hàn Quốc này vào hợp tác. Cái "bắt tay" diễn ra không như ý muốn bởi Lotte muốn biến Bibica thành công ty con của họ, muốn Bibica làm các sản phẩm của Lotte thay vì đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới.

May thay, một kết cục bi thảm như câu chuyện Kem đánh răng Dạ Lan, nước giải khát Tribeco,... đã không xảy ra.

Tham vọng của đại gia Việt

Bị đánh giá thấp hơn so với các tập đoàn nước ngoài có quy mô vốn khổng lồ và kinh nghiệm hàng chục năm, nhưng không ít doanh nghiệp nội đã có chiến thắng ngọt ngào trước ông lớn ngoại.

Cuối tháng 3/2016, công ty Anco thuộc CTCP Tập đoàn Masan (MSN) cũng bất ngờ vượt qua CJ CheilJedang của Hàn Quốc để giành được quyền mua 14% cổ phần của Vissan. Tập đoàn này buộc phải chấp nhận thất bại sát sao dù trước đó đã chi ra hàng trăm tỷ đồng để mua gần 4,2% cổ phần Vissan trong đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). 

{keywords}
 

Trong năm 2011, vụ Masan thâu tóm Vinacafé Biên Hòa - thương hiệu cà phê hòa tan có thị phần lớn nhất Việt Nam - diễn ra một cách đầy bí mật và bất ngờ. Sự nhanh chân cũng đã giúp Masan đi trước và nắm giữ cổ phần áp đảo tại Vinacafé Biên Hòa so với các quỹ đầu tư nước ngoài.

Với thương vụ thâu tóm Trần Anh, MWG của ông Nguyễn Đức Tài đã trở thành nhà bán lẻ công nghệ lớn nhất tại Việt Nam, cũng là DN có chuỗi bán lẻ hàng điện máy hàng đầu trên toàn quốc.

Gần đây, quyết định xây dựng một thương hiệu ô tô Việt mang cái tên Vinfast của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng cũng thực sự là một hành động khác biệt. Nó không chỉ thuần túy là câu chuyện kinh doanh, mà là khát vọng khẳng định mình của doanh nhân Việt sau 20 năm thất bại của ngành công nghiệp ô tô trong nước. Quyết định tham gia Triển lãm ô tô Paris cũng là một thông điệp của Tập đoàn Vingroup về tham vọng xây dựng một sản phẩm mang tầm vóc quốc tế.

Trong mảng bán lẻ, tham vọng của ông Phạm Nhật Vượng cũng rất lớn với những dự tính tỷ USD cho bán lẻ với kỳ vọng về tầm nhìn dài hạn. Vincom Retail hiện nằm trong top 10 doanh nghiệp bán lẻ lướn nhất Việt Nam, và là số ít có khả năng cạnh tranh được với các đại gia bán lẻ đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc như Big C, Metro, Aeon, Lotte,...

Chia sẻ trên trang cá nhân về câu chuyện Bibica, Lotte và PAN, ông Nguyễn Duy Hưng tiếp tục khẳng định mục tiêu đã đặt ra từ năm 2013 là: xây dựng Bibica vững mạnh và giữ gìn một thương hiệu bánh kẹo Việt Nam.

Trên thực tế, sự thắng lợi của PAN Food góp phần giúp các DN bánh kẹo nội địa giữ lại được một mảnh nhỏ trong miếng bánh thị phần - vốn đang quá lép vế trên thị trường bánh kéo có quy mô hơn tỷ USD của Việt Nam.

Vụ Masan thâu tóm Vinacafé Biên Hòa cũng giúp tập đoàn này trở thành đại diện DN Việt cạnh tranh với các đối thủ ngoại như Nescafé, Dao Heuang Group (DHG),... tránh thảm cảnh công ty FDI sống, mở rộng sản xuất còn DN cà phê nội lao đao phá sản hàng loạt.

Có thể thấy, áp lực dòng vốn ngoại và sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài ngay trên thị trường nội địa vẫn còn rất lớn. Ở hầu hết các ngành, DN Việt đều bị lép vế trong 1-2 thập kỷ qua. Tuy nhiên, vài năm gần đây, một số DN đã nổi lên khá mạnh mẽ, áp đảo cả các ông lớn ngoại.

V. Hà