Theo CNN, trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn Lam Sảnh, một hội nghị an ninh do Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức ở Bắc Kinh ngày 20/2, ông Tần nhấn mạnh: “Trung Quốc vô cùng quan ngại về sự leo thang không ngừng của cuộc xung đột và khả năng tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia liên quan ngay lập tức ngừng đổ thêm dầu vào lửa, đổ lỗi cho Trung Quốc và thổi phồng luận điệu 'hôm nay Ukraine, ngày mai Đài Loan (Trung Quốc)'”.

Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương. Ảnh: CGTN

Phát biểu của lãnh đạo Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh ông Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến công du Nga ngay trước thời điểm tròn một năm Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Kiev để khẳng định sự ủng hộ vững chắc của Washington dành cho chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Nhật báo Nga Kommersant đưa tin, chuyến công du Nga của ông Vương có mục đích chính là “tăng cường vai trò của Bắc Kinh trong việc giải quyết vấn đề Ukraine”. Tân Hoa xã hôm 20/2 cũng dẫn lời nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc nói, nước này sẵn sàng hợp tác cùng các nước khác nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn và hòa bình vĩnh viễn ở Ukraine.

Trước đó, trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức ngày 18/2, ông Vương nhắc lại lời kêu gọi đối thoại và đề nghị các nước phương Tây “bình tĩnh suy nghĩ” về cách chấm dứt cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai.

Lãnh đạo EU thừa nhận cạn kiệt mục tiêu trừng phạt Nga

Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, các cuộc tranh luận của Liên minh châu Âu (EU) về những đòn trừng phạt mới chống Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, đã trở nên khó khăn hơn khi liên minh gần như đã cạn kiệt các mục tiêu có thể áp trừng phạt.

“Việc chính đã được thực hiện vì chúng tôi đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với nhiên liệu hóa thạch… Một khi đã tiến hành các biện pháp lớn, bạn không còn nhiều thứ để áp trừng phạt nữa”, ông Michel giải thích trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Bỉ LeSoir hôm 20/2. Quan chức này nói thêm, mỗi gói trừng phạt mới của EU hiện đều nhằm “thắt chặt các kẽ hở và ngăn chặn các nỗ lực gian lận”.

Cho đến nay, EU đã áp 9 gói trừng phạt Nga. Theo đài RT, liên minh sắp công bố gói trừng phạt thứ 10, dự kiến tập trung vào việc ngăn chặn xứ sở bạch dương mua bán các mặt hàng công nghệ cao, có thể được sử dụng để phát triển vũ khí. Các lệnh trừng phạt mới được tin sẽ khiến Nga tổn thất tới 11,7 tỷ USD.