Người Trung Quốc đã đổ sang Lào, Campuchia thuê đất trồng dưa hấu và tái xuất trở lại. Dưa Việt Nam chắc chắn sẽ gặp khó gấp bội và đứng trước nguy cơ tắc đầu ra. Thông tin này vừa được đưa ra tại Hội nghị bàn các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ dưa hấu mùa vụ 2015/2016 do Bộ Công Thương tổ chức chiều 28/12 đã gây ra nhiều lo ngại.

Dưa hấu Trung Quốc lấn át dưa Việt

"Người Trung Quốc sang tận Lào, Campuchia thuê hàng trăm ha đất tự trồng dưa hấu, do vùng trồng trong nước hạn chế. Đương nhiên, họ sẽ ưu tiên cho dưa hấu của họ nên năm tới, dưa của Việt Nam chắc chắn tiếp tục tắc đầu ra", ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN-PTNT) chia sẻ.

Theo ông Định, áp lực cho loại quả nông sản thế mạnh của Quảng Nam, Quảng Ngãi chắc chắn sẽ gia tăng. Nếu như trước đây, dưa hấu Việt Nam chiếm tới 93-98% tổng sản lượng nhập khẩu dưa hấu của Trung Quốc thì với một chiến lược mở rộng vùng trồng này nhiều khả năng thị phần dưa Việt sẽ sụt giảm.

{keywords}
Trung Quốc sang Lào, Campuchia thuê đất trồng dưa, dưa hấu Việt sẽ gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ

Đặc biệt, điều này càng đáng lo ngại hơn khi chất lượng dưa hấu Việt Nam bị chê là còn thấp.

"Người dân của ta trồng dưa không theo một chuẩn nào. Thông thường, một dây dưa chỉ được để một quả để đảm bảo quả đều, đẹp, chất lượng tốt với khoảng cách từ gốc đến đoạn để quả là bao nhiêu cm. Tuy nhiên, hiện nay dân cứ thấy quả sai là để, có dây dưa để tới 2-3 quả liền khiến chất lượng quả kém, lộn xộn, không đều", ông Định lo lắng.

"Thương lái Trung Quốc rất tinh, chỉ cần vỗ bên ngoài quả dưa là biết quả nào ngon hay không ngon. Thông thường, họ chỉ chọn lấy những quả dưa đẹp nên mất rất nhiều thời gian và làm chậm thời gian thông quan cho các xe dưa sau", ông Định nói.

Đó cũng là lý do mà năm nào cũng vậy, dưa hấu Việt Nam vào chính vụ thì ùn tắc ở cửa khẩu, cuối vụ thì giá rớt thê thảm. Mùa dưa năm 2014, giá dưa đang từ mức 6.000-8.000 đồng/kg đã tụt xuống chỉ còn 2.000 đồng/kg, khiến nông dân khóc ròng. Cả nước đã phải vào cuộc giải cứu dưa hấu cho dân miền Trung. Và với tình hình trên liệu ế ẩm có lặp lại và cả nước lại đi giải cứu.

1.000 xe dưa dồn ứ: Không tái diễn

Thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sản lượng dưa hấu dự kiến năm tới vào khoảng 1,5 triệu tấn. Trong đó, tiêu thụ dưa hấu tại thị trường trong nước chiếm khoảng 80%, 20% còn lại là xuất khẩu. Với xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường lớn nhất chiếm 85-90%, 10% còn lại xuất khẩu sang Lào, Campuchia.

Bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thừa nhận, nỗi lo lớn nhất là việc ùn tắc xuất khẩu dưa hấu tại cửa khẩu Tân Thanh sẽ tái diễn. Tình trạng này thường xảy ra vào thời điểm cận Tết Nguyên đán và chính vụ thu hoạch Đông-Xuân, Xuân-Hè (trung tuần tháng 3 và tháng 4) gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nông dân.

"Đã có thời điểm, cùng một lúc, hơn 1.000 xe xếp hàng dài nhiều cây số trên đường vào khu vực cửa khẩu Tân Thanh. Mỗi xe phải chờ đợi khoảng 3-7 ngày mới có thể giao hàng làm dưa xuống cấp, chất lượng bị ảnh hưởng dẫn đến việc bị ép giá và phải đổ bỏ", bà Thảo cho hay.

Theo ông Trần Xuân Định, để giải quyết vấn đề trên, đối với vùng trồng dưa, chính quyền địa phương cần hướng dẫn người dân xen canh, giãn bớt vụ ra khoảng 25-30 ngày để giảm áp lực tiêu thụ. Đồng thời, phải kết nối cho doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào khâu tiêu thụ giống như vụ vải thiều vừa qua để chủ động thị trường hơn.

Bà Dương Phương Thảo bổ sung, giải pháp căn cơ nhất là vận động doanh nghiệp, địa phương xây dựng mô hình chuyên canh tập trung, ưu tiên hỗ trợ đầu tư các xưởng sơ chế, đóng gói để bảo quản dưa ngay tại vùng sản xuất.

Bà cho biết, trước mắt, dịp Tết Nguyên đán Bính Thân và thời điểm thu hoạch vụ dưa hấu năm 2016, hai Bộ Công Thương - NN-PTNT đã đề nghị tỉnh Lạng Sơn phải điều tiết tại cửa khẩu bằng nhiều giải pháp như chọn địa điểm rộng, thuận lợi về giao thông để tập kết các xe chở dưa hấu chưa đến lượt thông quan. Nếu tỉnh Lạng Sơn không có địa điểm thì tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh sẽ phải bố trị hỗ trợ địa điểm lân cận vùng cửa khẩu Tân Thanh để giảm tải lưu lượng xe.

Với giải pháp này, dự kiến, lượng xe ở cửa khẩu Tân Thanh sẽ không quá 500-600 lượt/ngày.

Đồng thời, Cục Xuất nhập khẩu cũng dự kiến sẽ đàm phán với chính quyền Trung Quốc để điều chỉnh chính sách biên mậu, mở thêm cửa khẩu, tạo thuận lợi cho nông sản Việt Nam thông quan.

Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, trong giai đoạn 2012-2014, lượng nhập khẩu dưa hấu của thị trường Trung Quốc dao động ở mức 200 ngàn tấn. Tính đến hết tháng 11/2015, lượng nhập khẩu của Trung Quốc khoảng 170 ngàn tấn, giảm 12,6% so với cùng kỳ và dự kiến nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc sẽ không có biến động lớn.

Bảo Hân