Trung Quốc tham vọng lớn về tên lửa tái sử dụng
Các công ty của Trung Quốc đang tham gia vào cuộc đua chế tạo tên lửa vũ trụ tái sử dụng với tham vọng thống trị thị trường toàn cầu, cạnh tranh với SpaceX của tỷ phú Elon Musk.
Công ty khởi nghiệp mới nổi trong lĩnh vực hàng không vũ trụ Orienspace có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đã phóng thành công tên lửa dùng một lần vào tháng 1/2024 và hiện đang nghiên cứu, phát triển tên lửa Gravity-2 có thể tái sử dụng.
Ngoài nghiên cứu về tên lửa có thể tái sử dụng, Orienspace gần đây đã phóng thành công tên lửa đầu tiên từ một bệ phóng ngoài khơi.
Một công ty khác của Trung Quốc cũng đang tham vọng cạnh tranh về khả năng chế tạo tên lửa tái sử dụng là Beijing Interstellar Glory Space Technology, còn được gọi là i-Space. i-Space đã tiến hành thử nghiệm sản phẩm đầu tiên của mình vào tháng 12/2023.
Ngoài ra, một công ty con Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa Kuaizhou có thể tái sử dụng bằng công nghệ cất cánh và hạ cánh thẳng đứng.
Tên lửa tái sử dụng đang thay đổi ngành công nghiệp vũ trụ, vì chúng cho phép các công ty tái sử dụng những bộ phận tên lửa đắt tiền nhất mà không cần sửa chữa nhiều.
iPhone ‘độc chiếm’ danh sách smartphone bán chạy nhất 2023
iPhone tiếp tục thống trị danh sách 10 smartphone bán chạy nhất thế giới năm 2023. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên 7 vị trí đầu bảng đều thuộc về mẫu điện thoại của Apple.
Năm 2022, iPhone chiếm 8 vị trí nhưng “chen ngang” ở hạng 4 là Samsung Galaxy A13. Vì vậy, năm 2023 mới là năm iPhone lập thành tích vô tiền khoáng hậu.
Đứng đầu là iPhone 14, chiếm 19% doanh số iPhone, giảm từ 28% thị phần của iPhone 13 năm 2022. iPhone 14 Pro Max, iPhone 14 Pro, iPhone 13, iPhone 15 Pro Max, iPhone 15 Pro và iPhone 15 lần lượt đứng sau.
Ba đại diện của Samsung đứng từ hạng 8 đến hạng 10 là Galaxy A14 5G, Galaxy A04e và Galaxy A14 4G.
Theo hãng nghiên cứu Counterpoint, Apple và Samsung là hai hãng duy nhất có mặt trong danh sách. Thị phần gộp của cả hai trong năm ngoái cũng cao nhất lịch sử, lên mức 20% từ 19% năm 2022.
Châu Âu chính thức điều tra TikTok
Hôm 19/2, Ủy viên thị trường nội địa EU Thierry Breton thông báo EU sẽ điều tra TikTok, nền tảng chia sẻ video của ByteDance. Ông cho biết quyết định được đưa ra sau khi phân tích báo cáo đánh giá rủi ro TikTok và phản hồi của công ty đối với các yêu cầu về thông tin.
Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của EU, áp dụng cho mọi nền tảng trực tuyến từ ngày 17/2, yêu cầu các nền tảng trực tuyến và công cụ tìm kiếm quy mô đặc biệt lớn làm nhiều hơn để xử lý các nội dung bất hợp pháp và rủi ro với an ninh công cộng.
ByteDance – công ty mẹ TikTok – có thể bị phạt tối đa 6% doanh thu toàn cầu nếu TikTok bị phát hiện vi phạm quy định của DSA.
Theo EC, cuộc điều tra sẽ tập trung vào thiết kế của hệ thống TikTok, bao gồm hệ thống thuật toán có thể kích thích chứng nghiện hành vi và/hoặc tạo ra hiệu ứng “hố thỏ”. Hiệu ứng “hố thỏ” là phép ẩn dụ, nói về việc đưa ai đó cuốn sâu vào một chủ đề nào đó mà không thể thoát ra được.
Họ cũng sẽ thăm dò xem liệu TikTok có đưa ra các biện pháp phù hợp và tương xứng để đảm bảo mức độ riêng tư, an toàn và bảo mật cao cho trẻ vị thành niên hay không.
Nhật Bản đổ tỷ USD vào bán dẫn
Nhật Bản đang xây dựng nhà máy bán dẫn mới tại nơi nổi tiếng với nông nghiệp, căn cứ quân sự và sân bay Chitose.
Dự án này còn nhằm mục đích thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp chip trong nước.
Liên doanh mới có tên Rapidus muốn sản xuất hàng loạt chip logic 2nm vào năm 2027 từ con số 0. Theo tiêu chuẩn ngành, đây là thách thức lớn đối với một doanh nghiệp 18 tháng tuổi ở một quốc gia đã tụt hậu xa so với các đối thủ nước ngoài về sản xuất chất bán dẫn.
Dù vậy, chính phủ muốn quay trở lại cuộc chơi mà họ từng thống trị trong bối cảnh Mỹ - Trung cạnh tranh sâu sắc.
Trong vòng chưa đầy ba năm, Nhật Bản đã dành khoảng 4.000 tỷ yên (26,7 tỷ USD) để hồi sinh sức mạnh bán dẫn của mình.
Thủ tướng Fumio Kishida đặt mục tiêu hỗ trợ tài chính 10.000 tỷ yên cho ngành công nghiệp với sự hỗ trợ từ khu vực tư nhân. Một trong số các mục tiêu là tăng gấp ba lần doanh số bán chip sản xuất trong nước lên hơn 15 nghìn tỷ yên vào năm 2030.
Elon Musk: Bệnh nhân cấy chip não đã có thể di chuột bằng ý nghĩ
Tỷ phú sáng lập Neuralink Elon Musk cho biết, người thử nghiệm ghép chip vào não đầu tiên trên thế giới đang hồi phục hoàn toàn và có khả năng điều khiển chuột máy tính chỉ bằng ý nghĩ.
Neuralink của Elon Musk đã tiến hành thành công ca ghép chip đầu tiên lên não người vào tháng trước.
Ca phẫu thuật được tiến hành bằng robot, thực hiện trên vùng não kiểm soát ý định di chuyển của bệnh nhân. Các bác sỹ phải thực hiện cắt hộp sọ trước khi robot đưa vào thiết bị giao diện não - máy tính siêu mỏng, chứa khoảng 64 sợi khác nhau, mỗi sợi mỏng chỉ bằng 1/14 chiều rộng của sợi tóc.
“Mọi thứ đang tiến triển tốt và người thử nghiệm đang dần hồi phục hoàn toàn mà không có bất kỳ tác dụng phụ không mong muốn nào. Người thử nghiệm đã có thể di chuyển chuột quanh màn hình bằng suy nghĩ”, Elon Musk cho biết.
Thành công bước đầu của cuộc thử nghiệm là động lực để Musk tiếp tục hướng đến ứng dụng khác của việc cấy chip não, chẳng hạn như lấy lại thị lực cho người khiếm thị (dự án BlindSight).