Báo cáo của Ngân hàng ANZ cho biết, những căng thẳng thương mại đang diễn ra giữa Mỹ-Trung đang làm “tăng nguy cơ về sự phân tách tài chính” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Do vậy Bắc Kinh sẽ giảm thiểu rủi ro bằng biện pháp đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của nước này sang các đồng tiền khác, cũng như xây dựng các ‘khoản tích trữ ngầm’.
“Mặc dù Trung Quốc vẫn phân bổ 1 phần lớn ngoại hối của nước này cho đồng USD… Nhưng tốc độ đa dạng hóa sang những đồng tiền lưu hành khác cũng diễn ra rất nhanh chóng”, bản báo cáo của ANZ cho biết. Ngoài ra, đồng USD chiếm khoảng 59% ngoại tệ dự trữ của Trung Quốc hồi tháng 6/2019.
Và dù chưa rõ những ngoại tệ nào Trung Quốc sẽ hướng tới, nhưng đại diện ngân hàng ANZ trả lời phỏng vấn CNBC rằng, họ nghĩ Trung Quốc sẽ để mắt tới Bảng Anh, Yên Nhật hoặc Euro.
Trung Quốc vùng vẫy thoát khỏi ‘vòng kim cô’ USD Mỹ. Ảnh: THX |
Trong khi đó, Bắc Kinh cũng đang giảm mức dự trữ trái phiếu của chính phủ Mỹ nước này sở hữu. Cụ thể từ năm 2018, Trung Quốc đã giảm lượng trái phiếu trị giá 88 tỷ USD nước này đang nắm trong tay.
Dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ cho biết, Bắc Kinh hồi tháng 6/2019 đang nắm trong tay lượng trái phiếu nợ trị giá 1.100 tỷ USD. Cùng lúc đó, Bắc Kinh tiến hành thu mua vàng, và theo một số nguồn tin chính thức cho biết mức dự trữ vàng hồi tháng 10/2019 của ‘quốc gia tỷ dân’ đạt mức 1.957 tấn.
Ngoài ra những năm gần đây, Bắc Kinh cũng tăng cường đầu tư thông qua các tập đoàn quốc doanh và ngân hàng, cũng như thông qua các quỹ hợp tác với các quốc gia khác, theo phân tích của ANZ.
“Những nguồn vốn đầu tư nước ngoài, hay còn được biết với cái tên ‘những nguồn tích trữ ngầm’ của Trung Quốc cũng đạt kỷ lục về giá trị khi lên tới 1.860 tỷ USD tính tới tháng 6/2019”, bản báo cáo ANZ cho biết. Và tính tới tháng 7 vừa qua, tổng cộng tất cả nguồn dự trữ ngoại hối của ‘quốc gia tỷ dân’ đã lên tới hơn 3.100 tỷ USD.
CNBC trích dẫn dữ liệu từ Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, hiện đồng USD đang là đồng tiền dự trữ nhiều nhất trên toàn cầu, chiếm khoảng 58% dự trữ ngoại hối nhà nước trên toàn cầu, ngoài ra có tới 40% số nợ trên thế giới mang mẹnh giá đồng USD.
“Hệ thống tài chính toàn cầu đang có trọng tâm là đồng USD. Và các nền kinh tế lớn, như Trung Quốc và các nước thuộc khu vực dùng Euro lại đang tiến tới việc đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ", chuyên gia kinh tế Shaun Roache thuộc S&P Global Rating’s APAC trả lời phỏng vấn CNBC nói.
"Đối với Trung Quốc, điều này sẽ giúp quốc gia này giảm đi sự phụ thuộc vào những điều kiện tài chính về đồng USD, và qua thời gian, động thái này sẽ giúp đồng Nhân dân Tệ chiếm vai trò lớn hơn trên hệ thống tài chính toàn cầu”, ông Roache nói thêm.
Tuấn Trần