Từng suy nghĩ nghiêm túc về một mạng xã hội riêng

Trong 1 bài đăng trên Twitter ngày 26/3, Elon Musk đã trả lời câu hỏi của người dùng về việc liệu ông có xem xét xây dựng một nền tảng mạng xã hội mới sử dụng các thuật toán mã nguồn mở, ưu tiên cho tự do ngôn luận và hạn chế truyền thông tuyên truyền hay không.

Dù thường xuyên hoạt động trên Twitter, nhưng tỷ phú người Nam Phi này nhiều lần chỉ trích nền tảng mạng xã hội này cũng như các chính sách của nó. Ông cho rằng công ty đang phá hoại nền dân chủ khi không tuân theo các nguyên tắc tự do ngôn luận.

Elon Musk từng suy nghĩ làm một mạng xã hội riêng trước khi mua Twitter

Trước đó, Elon Musk đã thực hiện một cuộc thăm dò trên Twitter hỏi người dùng liệu họ có tin nền tảng này đang tuân theo nguyên tắc tự do hay không. Kết quả có tới 70% số phiếu nói “Không”.

Việc quyết định tạo ra một nền tảng mới sẽ đưa Elon Musk gia nhập danh sách các công ty công nghệ tự định vị bản thân là những “nhà vô địch về tự do” và hy vọng điều đó sẽ thu hút những người dùng đang cảm thấy bị kìm hãm trên các nền tảng như Twitter, Facebook và YouTube.

Tuy nhiên, có vẻ như Elon Musk đã cân nhắc quyết định này, bởi để tạo ra một mạng xã hội mới cạnh tranh với Twitter hay Facebook trong thời điểm này là điều bất khả thi. Điển hình là sự èo uột mà mạng Truth Social của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump hiện ra trước mắt, khiến cho ông chủ của Tesla và SpaceX đã thực hiện bước đi táo bạo hơn là thâu tóm lại mạng xã hội ưa thích của mình.

Âm thầm mua cổ phiếu và quyết định thâu tóm luôn Twitter

Động thái đầu tiên để thực hiện ý định thâu tóm Twitter đó chính là việc Elon Musk mua 9,2% cổ phần mạng xã hội này. 

Đáng chú ý Elon Musk đã “mua chui” cổ phiếu, khi phải đến ngày 4/4, vị tỉ phú này mới tiết lộ đã mua 9,2% cổ phần Twitter, khiến giá cổ phiếu công ty tăng hơn 28% trong phiên giao dịch. 

Theo truyền thông quốc tế, hồ sơ cho thấy giao dịch diễn ra vào ngày 14/3. Trong khi đó, SEC yêu cầu bất kỳ ai mua trên 5% cổ phiếu phổ thông của một doanh nghiệp phải công bố số cổ phần nắm giữ trong vòng 10 ngày. Elon Musk “đợi” 21 ngày mới làm việc này.

Twitter chấp nhận bán mình cho Elon Musk

Tuy nhiên, mức phạt của SEC lại vô cùng khiêm tốn, thường ở mức 100.000 USD. Theo ước tính của Forbes, tài sản của tỷ phú giàu nhất thế giới là 300 tỷ USD. Như vậy, khoản phạt 100.000 USD chỉ bằng 0,00003% những gì Elon Musk đang có. Nếu quy đổi sang tài sản trung bình của một hộ gia đình tại Mỹ là 122.000 USD, khoản phạt sẽ là 3 cent.

Ngay sau đó, Giám đốc điều hành Twitter Parag Agrawal đã thông báo về thông tin này và trên dòng tweet của mình ông cho biết, đã bổ nhiệm Elon Musk vào hội đồng quản trị chính thức có hiệu lực vào ngày 4/9.Ông chủ của Tesla và SpaceX đã từ chối, nhưng theo CEO Twitter các ý kiến đóng góp của các cổ đông sẽ luôn được coi trọng dù có nằm trong hội đồng quản trị hay không.  

Nhiều ý kiến phân tích, việc Elon Musk từ chối ngồi vào ghế hội đồng quản trị là vì sẽ bị giới hạn cổ phần dưới 15%. Động thái này cho thấy ông đang có tham vọng lớn hơn là trở thành ông chủ của Twitter trong thời gian ngắn.

Và ngày 14/4, Elon Musk đã thông báo về đề xuất mua lại Twitter Inc. nhằm biến công ty này thành tư nhân, trong một báo cáo gửi lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC).

Theo đó, ông cho biết sẽ trả 54,2 USD/cổ phiếu Twitter bằng tiền mặt, cao hơn 38% so với mức giá đóng cửa hôm 1/4 - phiên giao dịch cuối cùng trước khi thông tin tỷ phú này mua cổ phần Twitter được tiết lộ. 

Khi thông báo về đề nghị nói trên, Elon Musk khẳng định ông là người có thể khai phóng “tiềm năng phi thường” của nền tảng mạng xã hội có hơn 200 triệu người dùng hàng ngày này.

Tuy nhiên, giá cổ phiếu Twitter hôm 14/4 đã giảm 1,68%, khi nhiều nhà đầu tư hoài nghi về sự thành công của thương vụ.

Trong khi đó, Twitter cho biết hội đồng quản trị công ty sẽ xem xét đề xuất của ông Musk và mọi phản ứng sẽ vì lợi ích cao nhất của tất cả cổ đông. Theo nguồn tin thân cận của tờ Information, hội đồng quản trị Twitter không hoan nghênh đề nghị này và có thể sẽ phản đối.

Với việc mua lại Twitter, Elon Musk không còn lo ngại về tài khoản mình bị hạn chế trên mạng xã hội này

Trong một cuộc phỏng vấn tại một hội nghị của TED ngày 14/4 ở Vancouver (Canada), ông Elon Musk nói rằng không chắc mình sẽ thành công với thương vụ này và tiết lộ rằng ông đã có kế hoạch B nếu hội đồng quản trị Twitter từ chối đề nghị.

Tuy nhiên, ngày 25/4 mọi thứ đã thay đổi, Twitter đã chấp nhận bán mình cho Elon Musk với giá 44 tỷ USD, sau khi hội đồng quản trị này đã cân nhắc kỹ và ông chủ Tesla cũng đảm bảo đủ tiền để hoàn thành thương vụ.

Phía Twitter cho biết thương vụ sẽ kết thúc vào cuối năm 2022, vì còn chờ các phê duyệt theo thủ tục quy định khác. Trong quá trình chuyển giao, cổ phiếu của Twitter sẽ bị hủy niêm yết và chuyển sang mô hình sở hữu tư nhân. Ông Elon Musk cho biết việc này sẽ cho ông toàn quyền đưa ra các thay đổi mình muốn với công ty.

Những người đứng sau và tương lai bất định của Twitter

Thực tế, CEO Tesla sẽ không cần bỏ ra quá nhiều tiền để hoàn tất thương vụ này.

Reuters đưa tin, năm ngân hàng lớn và một công ty tài chính là những đơn vị đứng sau hỗ trợ thương vụ trị giá 44 tỷ USD của Elon Musk.

Theo tuyên bố được đưa ra hôm 25/4, Goldman Sachs Group, JPMorgan Chase & Co. và ngân hàng đầu tư Allen & Co. là nhóm cố vấn cho Twitter. Trong khi đó, Morgan Stanley, Bank of America Corp. và Barclays Plc là cố vấn chính của Elon Musk.

Đồng DOGE bay theo Elon Musk

Ít nhất 9 ngân hàng khác đang giúp Morgan Stanley, Bank of America và Barclays cung cấp khoản vốn 25,5 tỷ USD cho thương vụ này, bao gồm Credit Suisse Group AG, BNP Paribas SA, Citigroup Inc. và Deutsche Bank AG.

Ngoài khoản hỗ trợ 13 tỷ USD từ các ngân hàng, Elon Musk dự kiến bổ sung thêm khoảng 21 tỷ USD tài trợ vốn cổ phần. Tuy nhiên, Elon Musk không tiết lộ nhiều về khoản tiền 21 tỷ USD trên. 

Một trong những điều rất nhiều người thắc mắc là ông chủ Tesla và SpaceX sẽ làm gì tiếp theo với Twitter.

Theo CEO Agrawal của mạng xã hội này cho biết, cho tới khi thương vụ kết thúc hiện vẫn không biết nền tảng này sẽ đi theo hướng nào. Đồng thời khẳng định không có bất kỳ kế hoạch sa thải nhân viên trong thời gian tới. 

Thỏa thuận mua lại dự kiến sẽ kéo dài trong 6 tháng. Vào thời điểm đó, nhiều khả năng CEO Parag Agrawal sẽ rời công ty.

Một số nhân viên công ty tỏ ra hào hứng với việc Twitter thuộc về sở hữu tư nhân, từ đó có cơ hội tốt hơn để cải thiện chất lượng dịch vụ thay vì một công ty đại chúng phục vụ lợi ích của các cổ đông. Họ thích ý tưởng loại bỏ các bot tự động độc hại và làm rõ ràng hơn về cách thức các thuật toán đề xuất hoạt động.

Đáng chú ý là Twitter cũng sẽ không thưởng cổ phần cho nhân viên nữa vì nó đã thuộc về sở hữu tư nhân. 

Một trong những động thái tiêu cực mà thương vụ này đưa lại đó chính là giá cổ phiếu của hãng xe điện Tesla tụt 12% trong phiên giao dịch ngày 26/4, vì giới đầu tư lo ngại việc ông chủ Elon Musk có thể bán bớt cổ phần của mình ở hãng để chi 44 tỷ USD cho thương vụ này. Vốn hoá Tesla đã bốc hơi 126 tỷ USD. 

Nhưng ngược lại ở thị trường tiền mã hoá, Dogecoin (DOGE) đồng tiền mã hoá được Elon Musk ủng hộ đã bất ngờ bật tăng mạnh.

Đồng tiền với hình ảnh tượng trưng là chú chó Shiba đã tăng lên 0,1569 USD vào đầu giờ sáng (26/4), tương ứng mức 19,77% so với 24h trước. Đây là mức tăng cao nhất của đồng tiền số này trong vòng 7 ngày.

Lê Mỹ (Tổng hợp)