Khi không có được sự đủ đầy đáng nhẽ phải có, sự so sánh cuộc sống của mình với người khác là không tránh khỏi, mà nhìn thấy hạnh phúc viên mãn của người khác khi xuân tới, lòng người càng dễ toang hoác trống rỗng hơn bao giờ hết.

Tết, là lúc người Việt...khiếm nhã nhất

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, bệnh viện Bạch Mai cho biết trong 9 ngày nghỉ Tết, Trung tâm Chống độc của viện cấp cứu 65 bệnh nhân. Trong đó có hơn 20 ca ngộ độc thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và thuốc diệt chuột, 7 ca ngộ độc rượu, 7 ca ngộ độc thực phẩm, 5 ca ngộ độc ma túy, 6 ca ngộ độc thuốc Tây...

Nếu có số liệu trên toàn quốc và của nhiều năm khác nhau thì sẽ rất tốt để có được nhận định chính xác. Bài viết này chỉ là một góc nhìn hẹp dựa trên khía cạnh tâm lý và những hiện tượng xã hội hiện thời.

Tết là lúc người Việt Nam đoàn tụ gia đình, nhà cửa khang trang, sạch sẽ. Đồ ăn, uống chất tràn trên bàn thờ, trong tủ lạnh; là thời gian xúng xinh quần áo đẹp, đi thăm hỏi cô dì chú bác, ra chùa lễ hưởng làn gió xuân đầu tinh khiết, tràn đầy hy vọng cho một năm mới tốt lành.

Nhưng đây cũng là thời điểm lòng người nhạy cảm nhất. Khi không có được sự đủ đầy đáng nhẽ phải có, sự so sánh cuộc sống của mình với người khác là không tránh khỏi, mà nhìn thấy hạnh phúc viên mãn của người khác khi xuân tới, lòng người càng dễ toang hoác trống rỗng hơn bao giờ hết và có thể rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Công việc kinh doanh thua lỗ, mất mát do lợn gà dịch bệnh, chồng con rượu chè nghiện ngập. Tình tan, cãi vã vợ chồng, ngân hàng réo gọi, con nợ săn đuổi…. khiến con người ta có thể tìm đến giải thoát tiêu cực.

{keywords}
Sự cô đơn dễ dẫn con người đến sự tuyệt vọng, bế tắc

Mỗi thời kỳ khác nhau, con người sẽ có những bi kịch khác nhau. Con người Việt Nam đã trải qua những tàn phá khốc liệt của chiến tranh, nhưng con người thời chiến, hay như người ta thường nói là “người xưa” lại ít rơi vào những bi kịch cá nhân như thời nay. Có lẽ bởi thời ấy, tính cộng đồng, sự chia sẻ giữa người với người ấm áp hơn.

Con người thời @ luôn được cập nhật thông tin, được “chia sẻ” thường xuyên trên mạng xã hội, đấy là điều tốt nhưng không phải ai cũng có điều kiện dùng; hoặc nếu dùng cũng chưa chắc khai thác được mặt tốt của thành quả công nghệ. Sự chia sẻ trên mạng xã hội thường chỉ trên bề mặt, không thể thay thế được sự tiếp xúc, trao đổi thân mật với giọng nói ân tình và nụ cười ấm áp.

Thực tế cho thấy, con người ta có thể đi qua được sự thiếu thốn tưởng như không thể của vật chất nhưng bi kịch tâm lý, tinh thần thì khó khăn hơn nhiều. Xã hội hiện đại có bi kịch riêng của nó.

Trong dòng chảy ồ ạt xô bồ vô tình, có những cá nhân bị tắc, bị văng ra ở một góc cô đơn, không cảm thấy hơi ấm của người thân, bạn bè. Thậm chí, nếu người thân lại là nguyên nhân của vấn đề, bạn thân lại là con nợ thì cuộc sống sẽ chỉ là sự đày đoạ triền miên. Vậy, giải pháp là ở đâu?

Ở Việt Nam, những dịch vụ về tư vấn tâm lý gặp mặt hay online còn rất sơ khai trong khi những tổ chức như hội phụ nữ, tổ dân phố, công đoàn có vai trò hạn chế.

Xã hội phát triển kéo theo những vấn đề mới. Cơ thể sống khổng lồ ấy cần nhiều phương thuốc chữa trị để được khoẻ mạnh. Có thể nhìn ra vấn đề và chuẩn bị được những liều vắc-xin hay không, phụ thuộc vào tầm nhìn của lãnh đạo và cả sự quan tâm giữa người với người.

Thêm nữa, dường như sự vô cảm lại là một căn bệnh nan y khó chữa của xã hội hiện đại. Đây là một căn bệnh vô hình, thời gian ủ bệnh có thể từ những hành động, lời nói của cha mẹ, bạn bè khi con người ta còn rất nhỏ.

Theo trí nhớ của tôi thì trong sách giáo khoa của Việt Nam thì không có phần nào dạy học sinh yêu thương loài vật, yêu thương cây cỏ. Mà hơn nữa, những gì thuộc về sự tinh tế của tâm hồn lại không thể “đóng gói” gọn gàng trong một vài lời giảng.

Tình yêu con người, tình yêu thiên nhiên, các giống loài cần được bao phủ tự nhiên trong môi trường, nó như khí thở, nguồn nước hàng ngày thấm vào bản thể con người. Chính vì vậy mà sự nỗ lực của giáo dục chỉ trong nhà trường sẽ không bao giờ là đủ, bởi cuộc sống bên ngoài mới là thực tế ngày ngày hình thành nên nhân cách.

Tết là một lễ hội lớn, khi sự giao tiếp con người trở nên đa chiều hơn, hoạt náo hơn, và đấy chính là lúc những căn bệnh xã hội tiềm ẩn dễ bị phơi bày. Lỗi không phải ở Tết, Tết luôn đẹp và thiêng liêng với người Việt Nam. Nhưng giá như không có những bi kịch muôn mặt đi kèm thì Tết sẽ còn đẹp và thiêng liêng hơn nữa.

Xã hội Việt Nam đang chuyển mình với bao nhức nhối, bài toán hiện hữu có quá phức tạp. Con đường phía trước như thế nào là phụ thuộc vào thái độ của chúng ta ngày hôm nay. Rất khó nhưng nếu bắt đầu bằng sự quan tâm mở lòng, sự suy ngẫm về vấn đề, sự coi trọng tình nghĩa, sự ấm áp giữa người với người thì đấy chắc chắn là một sự bắt đầu đúng đắn.

Đoàn Bảo Châu