Mặc dù Tổng thống Ukraina đã có những nhượng bộ, song Kiev vẫn phải đối mặt với nguy cơ can thiệp từ nước ngoài và sức ép từ bất ổn trong nước.

 TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}
Người biểu tình tại thủ đô Kiev dựng chướng ngại vật trên đường phố.

Tổng thống Viktor Yanukovych đã bác bỏ luật chống biểu tình gây tranh cãi vào ngày hôm qua, nhưng ông này hiện đang phải đối mặt với các lời kêu gọi từ phía quân đội nhằm có các 'biện pháp khẩn cấp' nhằm kết thúc cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi quốc gia này giành độc lập.

Ông Yanukovych đang trong thời gian nghỉ phép vì ốm kể từ hôm thứ Năm vừa qua. Ông đã bác bỏ luật chống biểu tình hà khắc được thông qua hồi đầu tháng sau khi bộ luật này biến phong trào biểu tình chống chính phủ kéo dài hai tháng trở nên quá khích hơn.

Ông cũng đồng thời ký luật ân xá cho các nhà hoạt động thuộc phe đối lập bị bắt giữ, nhưng luật này sẽ chỉ có hiệu lực nếu như những người chống đối rời khỏi các tòa nhà công mà họ đã chiếm đóng suốt 15 ngày qua.

Các động thái này diễn ra sau khi nhà hoạt động của phe đối lập là Dmyrto Bulatov biến mất hơn một tuần, sau đó xuất hiện vào đêm thứ Năm vừa qua, và cho biết là ông đã bị những người bắt cóc tra tấn, cắt tai và đóng đinh vào tay rồi ném ông vào một khu rừng.

"Họ hành xác tôi, đóng đinh, cắt tai, rạch mặt tôi" - Bulatov phát biểu trên truyền hình.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nói rằng Mỹ 'kinh hoàng' trước những gì xảy ra với ông Bulatov. Người đứng đầu cơ quan đối ngoại của Liên minh châu Âu là bà Catherine Ashton cũng nói điều tương tự.

Các lãnh đạo phong trào biểu tình tuyên bố tình trạng lạm dụng và đánh đập các nhà hoạt động rất phổ biến.

Bạo lực bùng phát trong các cuộc biểu tình gần đây đã khiến một số người bị bắn chết, và biến nhiều nơi tại thủ đô Kiev trở thành một bãi chiến trường.

Đánh giá về cuộc khủng hoảng lần này, các lực lượng vũ trang Ukraina đã kêu gọi ông Yanukovych hành động khẩn cấp để ổn định tình hình.

Trước đó, Bộ Quốc phòng nước này nói rằng họ không can thiệp vào cuộc khủng hoảng, nay cho biết việc chiếm giữ các tòa nhà chính phủ là việc không chấp nhận được, và cảnh báo 'đụng độ leo thang đe dọa tới sự toàn vẹn lãnh thổ' của Ukraina.

Người đứng đầu NATO là Anders Fogh Rasmussen nói rằng ông 'rất lo ngại trước các nỗ lực can dự của quân đội vào cuộc khủng hoảng' và kêu gọi lực lượng này 'trung lập'.

Nhà phân tích chính trị Vadym Karasyov nói rằng tuyên bố của quân đội Ukraina cho thấy họ có thể đứng về phe tổng thống.

"Đây là tín hiệu dành cho phe đối lập, rằng họ cần tìm cách thỏa hiệp và rút khỏi các tòa nhà chiếm đóng" - Karasyov nói.

Can thiệp từ bên ngoài

Lệnh ân xá mở ra khả năng những người biểu tình có thể ở lại các trại của họ tại Quảng trường Độc lập tại Kiev.

Những người ủng hộ phe đối lập từ chối rời trại, trừ khi các nhà chức trách có một loạt nhượng bộ, trong đó có việc chấp thuận đơn từ chức của Thủ tướng Mykola Azarov và toàn bộ nội các.

Trong khi đó tại Berlin, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng các biện pháp mà Tổng thống Yanukovych hứa hẹn là vẫn chưa đủ.

Các lãnh đạo phe đối lập, trong đó có cả chính trị gia xuất thân từ võ sĩ là Vitali Klitschko cũng sẽ có cuộc gặp với ông Kerry vào hôm nay. Cuộc gặp này chắc chắn sẽ làm phía Nga khó chịu, Moscow từng cảnh báo chống lại việc nước ngoài can thiệp vào Ukraina.

Hồi tháng 11, ông Yanukovych đã bác bỏ một thỏa thuận với EU, để thiên về mối quan hệ gần gũi hơn với đồng minh lâu năm là Moscow. Động thái này đã dấy lên các cuộc biểu tình lớn trong nước.

Tình trạng bất ổn leo thang, biến thành các cuộc nổi dậy đòi tổng thống từ chức.

Sau khi từ bỏ thỏa thuận với EU, ông Yanukovych đã chấp nhận một gói cứu trợ trị giá 15 tỉ USD cho Ukraina, nhưng giờ đây Moscow nói rằng họ đang chờ một chính phủ mới hình thành.

Hôm thứ Năm vừa qua, ông Yanukovych đã công kích phe đối lập 'vô trách nhiệm' khi làm bùng lên căng thẳng, nhưng cũng thừa nhận rằng các nhà chức trách đã có những sai lầm, và ông cần có trách nhiệm nhiều hơn nữa đối với tâm trạng của người dân.

Cố vấn của Tổng thống Nga Putin hôm qua cảnh báo rằng Tổng thống Ukraina có thể sẽ mất quyền lực nếu như ông không 'dẹp yên cuộc nổi loạn'.

"Tổng thống [Yanukovych] không có lựa chọn nào cả" - cố vấn kinh tế Sergei Glazyev của Kremlin nói.

"Hoặc là ông ấy bảo vệ cương vị của Ukraina và dẹp yên cuộc nổi loạn do các thế lực kinh tế và bên ngoài dấy nên, còn không thì ông sẽ có nguy cơ mất quyền lực, và tình trạng hỗn loạn gia tăng và xung đột nội bộ không lối thoát đang chờ đón Ukraina" - Sergei Glazyev bình luận.

Lê Thu (theo CNA/ Reuters)