“Các đòn tấn công của pháo binh Nga đã phá hủy 1 pháo tự hành M109A3 do Na Uy cung cấp; 2 lựu pháo M777 cỡ nòng 155mm được Mỹ sản xuất và 7 pháo cối các loại của Ukraine, trong đó có khí tài 2S7 Pion cỡ nòng 203mm”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói với hãng tin TASS.
“Những cuộc pháo kích của Nga cũng tiêu diệt 10 xe thiết giáp, 3 hệ thống pháo phóng loạt BM-21 Grad, 10 xe chuyên dụng, 3 bệ phóng tên lửa phòng không S-300 gần thành phố Kramatorsk ở miền đông Ukraine”, ông Konashenkov nói thêm.
Giới chức Ukraine chưa đưa ra phản hồi về thông cáo trên của Bộ Quốc phòng Nga.
Video: Zvezda TV
Ukraine muốn mua hệ thống Vòm Sắt
Đại sứ Ukraine tại Israel Yevgen Korniychuk cho biết, nước này muốn chính quyền Tel Aviv bán hệ thống Vòm Sắt cũng như cung cấp những loại tên lửa chống tăng. “Ukraine muốn mua hệ thống phòng không Vòm Sắt, và tôi cho rằng Mỹ sẽ không phản đối một thương vụ như vậy”, ông Korniychuk nói với hãng tin AP.
Đồng thời, Đại sứ Korniychuk cũng nhắc đến việc Israel đã bác bỏ yêu cầu của chính quyền Đức trong việc cung cấp tên lửa chống tăng Spike cho Ukraine.
“Theo những gì tôi biết, Mỹ đã cho phép Đức chuyển những tên lửa chống tăng tới Ukraine. Trong khi đó, câu trả lời của Israel về vấn đề này là ‘Không’. Israel không còn tập trung vào cuộc xung đột này nữa”, ông Korniychuk nói thêm.
Hãng tin AP nhận định, chính quyền Tel Aviv thời gian gần đây luôn lo ngại về việc nước này giúp đỡ quân sự cho Ukraine có thể khiến Nga thực hiện những động thái gây hại đến lợi ích an ninh quốc gia của Israel.
Xuất khẩu lương thực của Ukraine gặp bế tắc
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ hôm 7/6 nói rằng chính quyền nước này đang làm việc với Liên Hợp Quốc (LHQ), Nga và Ukraine nhằm dỡ bỏ phong tỏa các cảng nằm dọc Biển Đen. Cụ thể, các tàu thuyền rời khỏi cảng của Ukraine theo kế hoạch sẽ được hộ tống bởi chiến hạm Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo tờ The Guardian, kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh LHQ lên tiếng cảnh báo chiến sự ở Ukraine, một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới, đã làm tăng tình trạng thiếu lương thực trên khắp thế giới cũng như đẩy hàng triệu người rơi vào nạn đói.
Tuy nhiên giới chức Ukraine nói rằng, dù Nga có dỡ phong tỏa các cảng biển thì nước này cần nửa năm để dọn sạch hàng nghìn quả thủy lôi đang trôi nổi ngoài cảng Odessa và nhiều khu vực khác.
“Ukraine sẽ chỉ có thể xuất khẩu tối đa 2 triệu tấn lương thực/tháng, so với mức 6 triệu tấn/tháng ở thời điểm trước khi chiến sự nổ ra. Phải tới cuối năm nay thì quá trình gỡ bỏ thủy lôi mới hoàn tất. Tôi nghĩ rằng bản thân chúng tôi đã đạt tới giới hạn”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Ukraine Taras Vysotskyi nhận định.
Ở một diễn biến khác, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cùng ngày nói rằng Ukraine cần dỡ bỏ thủy lôi ở các cảng để việc xuất khẩu lương thực có thể tiếp tục.
“Phía Ukraine phải dỡ bỏ thủy lôi ở các cảng. Các tàu hàng, sau khi được quân đội chúng tôi kiểm tra, sẽ được tiến vào cảng và chất lương thực lên khoang chứa. Sau đó trong trường hợp cần thiết, các tàu chở hàng đó sẽ nhận được sự giúp đỡ của chúng tôi để tiến ra vùng biển quốc tế”, ông Peskov nói với hãng tin Al Jazeera.
Mỹ huấn luyện lính Ukraine sử dụng pháo phản lực
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Trung tá Anton Semelroth cho biết binh sĩ Ukraine đang được huấn luyện cách sử dụng pháo phản lực đa nòng M142 HIMARS tại căn cứ Grafenwoehr ở Đức, cùng nhiều nơi khác trên khắp châu Âu.
Theo hãng tin AP, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhất trí gửi bốn hệ thống pháo tầm trung M142 HIMARS tới Ukraine như một phần gói viện trợ quân sự được thông qua vào tuần trước. Dự kiến, quá trình huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng loại khí tài này sẽ mất tầm ba tuần.
Trang quân sự Military Today cho biết, loại tên lửa được HIMARS sử dụng có đường kính 227mm; trọng lượng 307kg, trong đó phần đầu đạn nặng 120kg. Tầm bắn của HIMARS khi sử dụng tên lửa thường là 40km. Tuy nhiên với những loại tên lửa thế hệ mới, tầm bắn của pháo này có thể đạt từ 60-100km.
800 dân thường Ukraine kẹt trong nhà máy ở Severodonetsk
“Khoảng 800 dân thường Ukraine đang trú ẩn trong các boong-ke của nhà máy hóa chất Azot thuộc sở hữu của Tập đoàn DF ở Severodonetsk. Trong đó, 200 người là nhân viên nhà máy, số còn lại là cư dân thành phố”, luật sư của Tập đoàn DF, ông Lanny J Davis nói với hãng tin Al Jazeera.
Theo ông Davis, các công nhân bám trụ trong nhà máy với mục đích “đảm bảo an toàn cho số hóa chất dễ cháy nổ còn chứa ở nơi đây”.
Hiện Al Jazeera và các hãng thông tấn độc lập khác chưa thể xác minh tuyên bố trên của luật sư Davis.
Tuấn Trần