Quân đội Mỹ vừa ký hợp đồng kéo dài ba năm với nhà thầu quốc phòng BAE Systems nhằm cải tiến hoả lực và tầm xa cho các loại đạn dẫn đường chính xác (PGM). Họ hi vọng nâng cao khả năng của đạn pháo chính xác trong môi trường gây nhiễu hoặc mất tín hiệu GPS như những gì đang xảy ra tại cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Thế nhưng, đến nay, Washington vẫn từ chối cung cấp các đầu đạn chiến thuật bắn xa cho Kiev. Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, nước này sẽ chỉ viện trợ những gì được coi là cần thiết theo tình hình hiện tại cho Ukraine.

Tầm xa, chi phí rẻ, tương thích bệ phóng sẵn có

Đầu tháng 5, Vương quốc Anh chính thức chuyển giao lực lượng vũ trang Ukraine (AFU) các tên lửa hành trình dẫn đường chính xác Storm Shadow. Đây là loại tên lửa phóng trên không tầm xa do nhà thầu quốc phòng MBDA Systems sản xuất, chủ yếu được sử dụng bởi quân đội các nước châu Âu với tên gọi SCALP-EG.

Nó được thiết kế để hoạt động trong nhiều điều kiện khác nhau, kể cả ngày lẫn đêm, đồng thời sở hữu khả năng tấn công sâu với tầm bắn hơn 250 km (155 dặm), chỉ kém hơn khoảng 30 dặm so với các đầu đạn ATACMS. Không chỉ vậy, quân đội Ukraine cũng đang sở hữu bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (SDB) có tầm bắn 90 dặm. 

Mỹ đang xem xét cung cấp đầu đạn chiến thuật ATACMS, có thể phóng từ hệ thống HIMARS cho Ukraine sau khi Storm Shadow của Anh không hiệu quả như kỳ vọng

Tuy nhiên, chính phủ Ukraine vẫn tiếp tục bày tỏ mong muốn có tên lửa do Mỹ sản xuất dù Storm Shadow có tính năng và tầm bắn không quá chênh lệch, cũng như tiềm năng tích hợp trên những máy bay chiến đấu đời cũ đang trong biên chế của Kiev.

Giới quan sát lý giải nguyên nhân do Ukraine muốn tận dụng sự tương thích của ATACMS với các Hệ thống phóng tên lửa dẫn đường đa nòng (GMLRS) được Mỹ viện trợ từ trước, đặc biệt là các hệ thống pháo phản lực HIMARS khi có thể mở ra phạm vi hiệu quả lên đến 190 dặm.

Bên cạnh đó, ATACMS có lợi thế là tên lửa đạn đạo, di chuyển ở tốc độ cao, khiến việc đánh chặn trở nên khó khăn hơn đáng kể.

Những tính năng này độc đáo, cùng với tầm bắn mở rộng và yêu cầu tác chiến cụ thể khiến ATACMS trở thành hệ thống vũ khí được chính phủ Ukraine kiên trì “xin viện trợ”.

ATACMS có tầm bắn xa, tốc độ cao, và rẻ hơn so với tên lửa Storm Shadow

Trong bài báo trước đó do EurAsianTimes xuất bản, tiết lộ rằng Mỹ bí mật sửa đổi một số yếu tố kỹ thuật của các bệ phóng tên lửa HIMARS trước khi cung cấp cho Ukraine - động thái nhằm ngăn chặn việc Kiev có thể phóng tên lửa tầm xa vào lãnh thổ nước Nga.

Ngoài ra, một lý do có thể giải thích cho “sự miễn cưỡng” của Mỹ là việc số lượng tên lửa ATACMS hạn chế trong kho vũ khí của họ. Tướng Mark Milley, chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ nói rằng, họ cần ưu tiên duy trì kho vũ khí dự trữ để phục vụ nhu cầu hoạt động.

Vijainder Thakur, chuyên gia quân sự Ấn Độ nhận định ATACMS có quỹ đạo phóng có thể dự đoán được và dễ dàng bị Nga vô hiệu hoá khi Moscow đã đạt được trình độ đánh chặn tên lửa đạn đạo một cách thành thạo. Dù vậy, các tên lửa chiến thuật này có đầu đạn nhỏ và giá thành rẻ hơn Storm Shadow sẽ là lợi thế trên chiến trường.

UAV cảm tử phóng từ tàu mặt nước không người lái

Quân đội Mỹ vừa tiết lộ thử nghiệm thành công các loại đạn bay lảng vảng (UAV) hoạt động theo “bầy đàn” phóng từ các tàu mặt nước không người lái (USV) của hải quân, trong bối cảnh các UAV/drone cảm tử đang được sử dụng rộng rãi tại cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Theo đó, lực lượng thuỷ quân lục chiến Mỹ cho hay, các tàu mặt nước không người lái tầm xa (LRUSV) của họ đã được tích hợp phóng đạn lảng vảng Hero-120. Mỹ dự định sử dụng LRUSV “chủ yếu như một nền tảng tình báo, giám sát và trinh sát với khả năng hoạt động thời gian dài, mang trên khoang các loại đạn chính xác để tiêu diệt mục tiêu trên biển hoặc đất liền”.

USV phóng UAV cảm tử sẽ là xu hướng của hải quân hiện đại

Thông số từ website nhà sản xuất Hero-120 cho biết, thiết bị có tầm bay tối đa ít nhất 37 dặm (60 km), thời gian bay khoảng 60 phút cùng đầu đạn nổ mạnh có trọng lượng 4,5 kg.

Tương tự hầu hết những hệ thống UAV cảm tử hiện nay, Hero-120 có khả năng giám sát, trinh sát thứ cấp và trở về căn cứ trong trường hợp người điều khiển huỷ lệnh tấn công. Nguồn cấp dữ liệu của thiết bị có thể được chuyển tiếp qua bộ chia sẻ dữ liệu LRUSV, chẳng hạn như liên kết dữ liệu vệ tinh.

Bên cạnh đó, vũ khí này có thể chuyển quyền kiểm soát sang các sĩ quan điều khiển gần khu vực mục tiêu hơn trên mặt đất, tàu chiến hoặc máy bay sau khi rời bệ phóng. Điều này đã được chứng minh tính khả thi bằng thử nghiệm của quân đội Mỹ vào năm ngoái, khi Hero-400 được “bàn giao” điều khiển giữa các nhân viên bãi phóng mặt đất, máy bay trực thăng UH-1Y Venom và một phương tiện dưới mặt nước.

“Các máy bay khác của thuỷ quân lục chiến như trực thăng tấn công AH-1Z Viper hay động cơ cánh quạt nghiêng MV-22 Osprey cũng có thể được sử dụng trong vai trò này”, trích bài đăng trên The Drive.

(Theo EurAsian Times)