Vì sao loại văn hóa “vô” thầy, văn hóa “vô nhân” vẫn tồn tại và ngang nhiên….biểu diễn trong đời sống cộng đồng, không hề biết hổ thẹn?

Giữa lúc dư luận xã hội đang tập trung quan tâm theo dõi cuộc tranh luận công khai đầy hấp dẫn trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ đầy kịch tính thì bất ngờ, trên các trang mạng XH, và tiếp đó, báo chí chính thức đăng tải một cuộc đấu khẩu khác trong XH. Ở đây là tại một học viện đào tạo mang tên Học Viện Kinh tế Sáng tạo (Số 01, N7A, đường Nguyễn Thị Thập, phường Nhân Chính, t/p Hà Nội).

Thầy chửi…

Đó là cuộc đấu khẩu giữa ông P.V. H, tự xưng là Giáo sư, Tiến sĩ, Hiệu trưởng của viện này với một học viên.

Hãy nghe trích đoạn clip về cuộc đấu khẩu của ông ta:

Mày nói giúp, dm*...tao đã giúp rồi, mày có mù không, có mù chữ không.

Vị khách: Nhưng thầy bảo một tháng, nhưng một tháng rồi.

Dm* mày một tháng hay một năm tao đã bảo với mày rồi, nó tùy thuộc vào thái độ của mày.

Đến lúc này, mày đ* lấy được lại, tao đ*. ký cho mày đó, mày phải hiểu cỡ của tao chứ, số tiền đó tao cần đ*. động vào, thái độ mày thằng mất dạy cần gì tao phải giúp mày.

Vị khách: Thầy đứng trên bàn, tại sao không thể nói chuyện đàng hoàng được.

Dmm* nhà tao, thì tao làm gì quyền của tao, mày làm được thế nào...” (GDVN, ngày 06/11)

{keywords}

Chống nạng, đứng trên bàn với tư thế vừa kênh kiệu, vừa lỗ mãng, tự cao tự đại rất khó coi. Ảnh cắt từ clip.

Quả là nếu nhìn vào bức ảnh cắt từ clip ra, ông Gs, Ts, hiệu trưởng nọ không chỉ nói tục nhiều lần, mà cách đứng của ông cũng khó được coi là ….thanh: Chống nạng, đứng trên bàn với tư thế vừa kênh kiệu, vừa lỗ mãng, tự cao tự đại rất khó coi.

Người đọc thấy sững sờ vì những ngôn từ văn hóa rất… “vô” thầy này của ông ta. Bởi xưa nay, như một nguyên tắc bất di bất dịch, đã làm “thầy” thiên hạ thì phải đáng mặt thầy, bộc lộ từ lời ăn tiếng nói, không thể “văng” đủ thứ như một kẻ du thủ du thực. Nhất là trước học viên của mình.

Câu chuyện rất đơn giản:  Anh Nguyễn Văn Thắng, học viên của viện đến đòi lại số tiền đã đóng theo thỏa thuận với học viện, do không được đáp ứng yêu cầu. Và đó là đối thoại của một người tự xưng là thầy.

Khi được đưa ra công an, cả hai bên đã hòa giải. Được biết sau 15 ngày xảy ra cuộc “đấu khẩu” thầy- trò, anh học viên này đã nhận được tiền hoàn trả của nhà trường, cũng như của phía Hàn Quốc

Tuy nhiên, từ văn hóa rất “vô” thầy này của ông P.V H, báo chí, truyền thông vào cuộc. Mới hay, ông P.V H có đủ bằng cấp, học vị. Đọc trên trang website của học viện nơi được cho là chỗ làm việc của P. V. H người viết bài…  thất kinh vì nhiều lĩnh vực quá, nhiều bằng cấp quá.

Ví dụ: Gs, Ts P. V. H, Hiệu trưởng Học viện Kinh tế Sáng tạo, Ts Kinh doanh, cử nhân Hàn Quốc học. Lĩnh vực nghiên cứu: Kinh tế học, Kinh tế thị trường, Kinh doanh học, Phát triển sản phẩm mới, Ngôn ngữ, Văn hóa, Lịch sử Hàn Quốc. Nơi đăng các công trình nghiên cứu: Hiệp hội thương mại Hàn Quốc, Phòng nghiên cứu kinh doanh ĐH Soongsil, Seoul, Hàn Quốc.

Nơi công tác hiện tại: Hiệu trưởng Học viện Kinh tế Sáng tạo, Gs danh dự ĐH Southwest America (Hoa Kỳ), Chuyên viên nghiên cứu kinh tế thuộc ĐH Soongsil, Seoul, Hàn Quốc(GDVN, ngày 06/11)

vv… và vv…

Thế nhưng, cũng ngay lập tức, bài báo này chỉ ra, chức danh GS danh dự ĐH Southwest America (Hoa Kỳ) là chức danh “ma”, không có giá trị. Trường ĐH Southwest America từ lâu được liệt vào các trường ĐH “ma” ở nước Mỹ. Ngôi trường này, có tên trong danh mục 21 trường không được CP Mỹ công nhận là trường ĐH, từng được CP Mỹ khuyến cáo các nước tránh bị lừa vì có tình trạng mua bán bằng cấp bằng tràn lan.

Chuyện bằng cấp, học vị, chuyện học viện của ông P.V. H rồi đây là chuyện của Bộ GD phải… lo. Nhưng trước sự bức xúc của không ít Gs, Ts về văn hóa đối thoại của ông này, dư âm của XH vẫn cho rằng, ông P.V.H là người giảng dạy, nhưng ông vẫn không phải là một người thầy, cho dù ông cố cãi: Tôi có chứng chỉ sư phạm do Sở Giáo dục & Đào tạo cấp để giảng dạy. Rồi: Ở bên Hàn Quốc người ta gọi tôi là Gs (GDVN, ngày 08/11)

Vì “thầy bà” nào mà chửi học viên như hát hay vậy? Còn ông dẫn chứng “bên Hàn Quốc” thì xét cho cùng, vẫn chỉ là tâm lý … tự phong.

Giống như cách đây ít lâu, xã hội đã ồn ào về một Ts tự phong, chỉ vì có một giấy mời của Bộ GD gửi, vô ý nhầm lẫn thế nào mà gọi ông là Ts. Từ đó mặc nhiên ông ta xưng là Ts, trong khi muốn trở thành Ts phải được đào tạo suốt 04 năm trời, có luận án bảo vệ trước một hội đồng nghiên cứu khoa học hẳn hoi. Đâu trở thành Ts chỉ “qua một đêm ngủ dậy”.

Rất bất ngờ, báo GDVN (ngày 9/11) vừa đăng thư của một số bạn đọc, nguyên là bạn học của ông P.V.H ở Hàn Quốc. Chỉ xin đăng một trong số những thông tin về vị này: Bằng của P.V.H ở ĐH Soongsil là thật, còn Gs là tự phong, Gs danh dự cũng là tự nhận.Việc P.V.H tự giới thiệu từng làm ở các tập đoàn LG, SAMSUNG…., đều là gian dối. Kiến thức anh này hơi kém khi xưng phụ trách Viện mà tự phong là Hiệu trưởng. P.VH khá nổi tiếng ở giới du học sinh tại Hàn Quốc vì thói ba hoa.

Có câu: Chiếc áo không làm nên thầy tu, thì một chứng chỉ sư phạm không đủ làm nên tư cách một ông thầy, thưa ông P.V. H!

… Và thầy bị đánh

Chưa hết chuyện “thầy chửi”, xã hội đã lại ngơ ngác chuyện thầy bị đánh, mà lại bị đánh trong tình huống đáng… ngơ ngác hơn.

Câu chuyện cũng rất đơn giản: Ts Nguyễn Kh, đã 76 tuổi, từng là cán bộ giảng dạy ở ĐH Bách Khoa, đang đi bộ, tập thể dục trên đường. Một cô gái trẻ đi xe máy trái chiều thúc ngã. Do đi trái chiều với tốc độ chậm nên cú va chạm nhẹ chỉ khiến cả Ts Nguyễn Kh và cô gái này bị xây xát.

Bất ngờ, một thanh niên đi ô tô phía sau nhảy xuống đấm túi bụi vào mặt Ts Nguyễn Kh, đến mức mồm miệng ông bị chảy máu, phải vào bệnh viện ĐH Y cấp cứu trong tình trạng bị rách phần trong khoang miệng (07 cm). Các bác sĩ ở đây đã phải khâu kín chỗ vết thương, và cho về nhà điều trị.

Té ra, cô gái đi xe máy trái chiều là vợ của vị thanh niên lái xe ô tô.

Vợ đã đi trái, chồng lại đánh người trái pháp luật. Hỏi ra, anh ta là Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm dịch vụ đối ngoại của Sở Ngoại vụ Hà Nội- cũng có tí quan chức be bé.

Một cán bộ, lại phụ trách dịch vụ đối ngoại, mà khi chưa hiểu phải trái đã xông vào đánh một người già, không hiểu anh ta làm đối ngoại kiểu gì?

Chỉ sợ, có lẽ từ nay nhiều người cứ nhìn “tấm gương” bị đấm của Ts Nguyễn Kh sẽ không dám cả đi bộ tập thể dục. Bởi sức khỏe chưa thấy đâu, đã thấy phải vào bệnh viện chữa trị?

Điều đáng suy nghĩ, sau khi xảy ra vụ việc, nhiều người thúc giục Ts Nguyễn Kh khởi kiện nhưng ông một mực từ chối, khi bảo rằng ông chỉ muốn sống yên bình chứ không muốn dây với bọn bất lương(VietNamNet, ngày 07/11).

Đúng là bất lương. Dù khoác áo cán bộ nhà nước, thuộc Sở Ngoại vụ Hà Nội.

Đương nhiên, vụ việc đánh người một cách bất lương cũng sẽ do Sở Ngoại vụ Hà Nội phải lo. Và cần xử lý nghiêm khắc thói côn đồ của ông Phó Giám đốc này.

Được biết mới đây, Bí thư Hà Nội chỉ đạo xử nghiêm vụ “cán bộ đánh tiến sĩ”. Đọc mà thấy xấu hổ quá.

Vì sao cái văn hóa làm người lại cứ tránh, cứ né “bọn bất lương”?

Vì sao loại văn hóa “vô” thầy, văn hóa “vô nhân” vẫn tồn tại và ngang nhiên….biểu diễn trong đời sống cộng đồng, không hề biết hổ thẹn?

Ai trả lời cho người viết bài này với?

Kỳ Duyên

.