- Khi mà xã hội vẫn còn hoang mang với câu hỏi học để làm gì, khi mà ngành giáo dục lúng túng để tìm ra câu trả lời cho cách dạy, cách thi thì con cháu chúng ta sẽ còn phải tiếp tục chịu đựng những kỳ thi căng thẳng, mệt mỏi chưa biết đến bao giờ.
Giáo dục có lẽ là lĩnh vực được hô hào cải cách nhiều nhất và con cháu chúng ta cũng đóng vai “thỏ thí nghiệm” nhiều nhất. Chưa nói đến kết quả của nền giáo dục nước nhà, thì điều dễ nhận thấy là các kỳ thi đang tạo ra sự căng thẳng không đáng có và kèm theo đó là lãng phí.
Cách đây 2 tuần, cả nước xôn xao cùng các thí sinh về chuyện đề thi (mà có GS.TSKH cũng phải kêu trời), thì những ngày này, cả xã hội sẽ lại nín thở chờ kết quả, rồi dán mắt vào màn hình máy tính để tham gia cuộc chạy đua “đăng ký, điều chỉnh” vào các trường đại học, không khác gì nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán.
Mệt mỏi, căng thẳng, tốn kém… là điều thấy rõ. Vì đâu nên nỗi? Tất nhiên trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan quản lý giáo dục và cũng phải thấy chính phụ huynh và xã hội, những người luôn nói đến tương lai của con trẻ, cũng không vô can. Hãy nhìn rộng ra một chút, suy ngẫm sâu hơn một chút sẽ thấy cái nguyên nhân sâu xa của nỗi thống khổ đó xuất phát từ cách chúng ta trả lời những câu hỏi căn bản nhất: Học để làm gì? Dạy như thế nào.
Học để làm gì là một câu hỏi căn cốt. Ảnh minh họa |
Học để thi cử đỗ đạt và rồi làm quan?
Không ít người trong xã hội hiện nay đã biến mục đích học tập thành chuyện thi cử, nhất mực coi con đường tiến bộ duy nhất của con em là thành đạt ở chốn công quyền. Học để thi cho trúng, để có tấm bằng đại học, rồi tìm cách (kể cả chạy chọt) vào cơ quan công quyền. Cái tâm lý “học để làm quan” bám rễ từ thời phong kiến nay vẫn còn hằn sâu trong tâm trí nhiều người Việt, với hình dung quan đồng nghĩa với ăn trắng mặc trơn, “ăn trên ngồi chốc”!
Nhưng một người tỉnh táo sẽ thấy cái ước mơ đỗ đạt, làm quan theo kiểu truyền thống xa xưa là con đường bế tắc. Vì sao vậy? Đơn giản là vì hiện nay và còn nhiều năm nữa đâu còn chỗ để giới trẻ “làm quan”. Bộ máy nhà nước của chúng ta hiện đã quá cồng kềnh, đang phải sắp xếp, tổ chức lại cho tinh gọn, thậm chí nhiều cơ quan, đơn vị phải giải thể, sáp nhập, số lượng dôi dư không hề nhỏ, tinh giản biên chế là điều bắt buộc với mọi cơ quan, tổ chức. Chẳng phải mới đây có địa phương đã tính đến cả “đòn bẩy kinh tế”, hỗ trợ cho ai đang còn tuổi đương chức về hưu sớm để nhường chỗ cho lớp trẻ đó hay sao?
Thêm nữa cũng bỏ ngay ý nghĩ làm quan để được an nhàn hưởng lộc. Cái tâm lý xưa cũ đó chỉ đúng với chế độ phong kiến, phần nào đúng với thời kỳ tranh tối tranh sáng, dễ dàng đục khoét công quỹ và bắt nạt dân thường để ăn hối lộ. Nhưng xã hội sẽ không mãi “giậm chân” như vậy, áp lực tiến bộ, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái quyết liệt sẽ không thể để chỗ cho những kẻ quen luồn lọt, kiếm chác. Nếu không ý thức được trách nhiệm công bộc của mình thì ngay cả những người đương chức trước sau cũng bị loại trừ ra khỏi bộ máy, chứ chưa nói đến những “cậu ấm, cô chiêu” được phụ huynh hay tiền bạc hỗ trợ chui lọt vào cơ quan công quyền.
Học vì danh dự, vì sĩ diện?
Cái này thường là “bệnh” của người lớn, của các bậc phụ huynh. Nào là cao giọng: “con tôi phải thi đỗ đại học vì đây là vinh dự của gia đình và dòng họ”, nào là lớn tiếng: “mày cứ học đại học xong rồi muốn làm gì thì làm, bán xôi cũng được”.
Lạy trời, sao lại bắt những đứa trẻ non nớt phải gánh vác danh dự của cả dòng họ gia đình? Sao phải khổ sở tìm mọi cách nuôi con ăn học thành ông cử bà cử cho nó oách để rồi chấp nhập về bán xôi?
Cái tâm lý đó khiến cho ai ai cũng muốn vào đại học và đây cũng là thị trường béo bở cho những kẻ kinh doanh giáo dục nhiều cơ hội kiếm ăn. Hàng trăm trường đại học mọc lên với đủ các chuyên ngành mơ hồ, hổ lốn chính là để thỏa mãn cái ước mơ và sỹ diện hão “có con đỗ đại học” của không ít gia đình.
Người ta chỉ muốn học đại học, dù không để làm gì, chứ không chấp nhận học cao đẳng, trung cấp thực hành để có một cái nghề tử tế, để mưu sinh và có ích cho đời. Đó chính là nguyên nhân của tình trạng thừa thày thiếu thợ, của mấy mươi vạn cử nhân hàng năm tham gia vào đội quân thất nghiệp.
Chừng nào chính mỗi người, mỗi gia đình, mỗi bậc phụ huynh chưa xác định cho bản thân, cho con cái mình một mục đích học tập đúng đắn, chừng nào tâm lý “học để làm quan” chưa bị phê phán mạnh mẽ và loại trừ, chừng đó con cháu chúng ta sẽ còn khổ sở, công ăn việc làm sẽ khó khăn và tất cả chúng ta đều phải chịu hậu quả.
Thế còn câu hỏi Dạy như thế nào?
Nhìn từ khía cạnh quản lý thì trả lời câu hỏi Dạy như thế nào? cũng là một bức tranh mù mịt. Những cố gắng của ngành giáo dục hình như hay có tác dụng ngược. Giảm tải cho tiểu học lại dẫn đến cái cặp sách của các bé nặng thêm với đủ các thứ kiến thức trời ơi đất hỡi. Quyết tâm chấm dứt dạy thêm học thêm, nhưng rồi đủ kiểu hợp thức hóa vẫn tồn tại, các lò luyện càng mọc thêm khắp nơi, thậm chí và có cả lò luyện thi đầu vào tiểu học, bậc học xưa kia gọi là “vỡ lòng” của những đứa trẻ lần đầu tiên chập chững đến trường.
Rồi chương trình học luôn trong tình trạng “cải cách”. Năm thì học chương trình cũ, năm thì theo chương trình mới, năm thì cả cũ lẫn mới, chẳng biết thế nào mà lần. Và đặc biệt “loạn” là các kỳ thi chuyển cấp, thi THPT quốc gia. Cứ thỉnh thoảng ngành giáo dục lại “sáng tác” ra một kiểu thi, học trò quay như chong chóng, gần đến kỳ thi mà thày và trò vẫn ngơ ngác không biết năm nay Bộ “chơi” kiểu gì?
Ấy vậy mà quý Bộ vẫn tự hào, tự tin về những ý tưởng đổi mới cao siêu và còn muốn giáo dục nước nhà phải được “thị trường hóa ” mạnh mẽ khi đề nghị chuyển từ “học phí” sang “học giá” cho nó đồng điệu với mấy ông BOT! Chẳng phải lời qua tiếng lại về chuyện cò kè tiền “đặt cọc, đặt chỗ” vào lớp 10 ở một trường tư gây tranh cãi mấy hôm rồi là biểu hiện sinh động của cái “chợ giáo dục ” hiện nay hay sao?
Khi mà xã hội vẫn còn hoang mang với câu hỏi học để làm gì, khi mà ngành giáo dục lúng túng để tìm ra câu trả lời cho cách dạy, cách thi thì con cháu chúng ta sẽ còn phải tiếp tục chịu đựng những kỳ thi căng thẳng, mệt mỏi chưa biết đến bao giờ.
TS Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra.
Thi cử thống khổ, sao con em ta vẫn thua xa bạn bè quốc tế?
Nhu cầu tìm ra một cách tiếp cận mới cho tuyển sinh các lớp đầu cấp đã cấp thiết lắm rồi, vì hệ lụy lâu dài của nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của thế hệ trẻ.
“Mợ không có tài nên mới phải làm quan”
Cho đến hôm nay, những ngày cuối của năm 2016, rất nhiều bậc cha mẹ, ông bà vẫn khuyến khích con cháu hiếu học mà không phải là hiếu làm.
Vào Đại học Vinh sẽ ‘oách’ hơn Ngoại Thương?
Là phụ huynh học sinh, chúng tôi thực lòng mong mỏi Việt Nam sẽ có đầy đủ các bảng xếp hạng đại học chuyên nghiệp, hiệu quả.
Con tôi đã học đánh giày ở… Mỹ như thế nào?
Trường trung học của con tôi với lịch sử 112 năm luôn đào tạo được nhiều học sinh có đủ kỹ năng để tự tin sống tốt trong các hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống.
Học văn ở Mỹ, tôi thực sự thấy mình là ‘trung tâm’
Không thể phủ nhận rằng cách học văn ở Mỹ thực sự "lấy người học là trung tâm" - như câu khẩu hiệu tôi vẫn nghe quen khi còn học ở Việt Nam.
Bi kịch đất nước khi "ai cũng muốn làm quan"
Hiện nay có một thực trạng nguy hiểm là hầu hết cha mẹ làm nông vì mong muốn con được đi học đại học, cao đẳng nên không để các con động tay vào công việc lao động gì.