Nghị định 08/2023/NĐ-CP ban hành ngày 5/3/2023 giúp tháo gỡ một số nút thắt của hai nghị định trước bằng việc bổ sung một số quy định đáng chú ý: (1) doanh nghiệp phát hành có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác; và (2) được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm.

Tất nhiên, các quy định này được đưa ra trên nền tảng “phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận”.

Thanh toán bằng tài sản khác

Trong trường hợp (1), Nghị định 08 bổ sung quy định, đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư (…), doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.

Tất nhiên, doanh nghiệp phát hành trái phiếu vẫn phải có trách nhiệm: "Thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho chủ sở hữu trái phiếu theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu", (Điều 34, Nghị định 153). 

Về quy định mới bổ sung này, có nhiều ý kiến cho rằng, nó có thể không cần thiết trong một văn bản pháp lý. Lý do là nếu trái chủ không đồng tình nhận thanh toán bằng tài sản khác của doanh nghiệp phát hành thì đó là quyền của họ. Hơn nữa, nếu hai bên tự nguyện thỏa thuận thì thanh toán bằng tài sản nào chả được, miễn nó không vi phạm những điều cấm của luật pháp. Vậy thì luật pháp can dự vào hoạt động dân sự đó là chi?

Tôi không phản đối ý kiến đó nhưng tôi cho rằng quy định mới này là cần thiết trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng hiện nay. Sự hiện diện của nó trong văn bản cấp nghị định giúp làm yên lòng cả bên trái chủ và doanh nghiệp phát hành để họ bình tĩnh để cùng ngồi lại thảo luận vì lợi ích chung. 

Quy định mới của Chính phủ là giải pháp tình thế để cả doanh nghiệp phát hành và trái chủ đàm phán lại trên cơ sở lợi ích, trách nhiệm của cả hai bên. Ảnh: Hoàng Hà

Trên thực tế, một số doanh nghiệp bất động sản đã công bố kế hoach trả nợ bằng bất động sản. Vấn đề là trái chủ cần cẩn thận kiểm tra giá cả và cơ sở pháp lý của bất động sản trước khi đồng thuận “hàng đổi hàng”. 

Về phần mình, Nhà nước cũng cần tích cực tháo gỡ khó khăn về pháp lý vì loại khó khăn này chiếm tới 70% khó khăn trên thị trường bất động sản.

Kéo dài kỳ hạn 2 năm

Nghị định 08 quy định bổ sung thêm: Trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu thì thời gian tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư. 

Có ý kiến cho rằng, phàm cái gì là nợ nần thì đều phải trả khi đến hạn. Đó là điều tự nhiên, cần gì ghi vào luật. Nếu doanh nghiệp pháp hành có thỏa thuận được với trái chủ kéo dài thêm 10 hay 15 năm thì đó là việc của họ, luật không can dự. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, trái chủ cần thu hồi càng sớm càng tốt, kẻo mất tiền, không nên đàm phán kéo dài làm gì!

Những đánh giá đó chưa đúng với hoàn cảnh hiện nay, thậm chí có phần vô trách nhiệm.

Quy định như trên, theo tôi, giúp doanh nghiệp phát hành mua thêm thời gian cho các khoản nợ đang sầm sập đến.

Thông thường, một dự bán bất động sản phải mất ít nhất 5 năm để hoàn thiện thủ tục, thiết kế, xây dựng. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu 2 năm, đến kỳ hạn trả thì họ vừa chưa thể hoàn thành công trình, vừa không thể có tiền để hoàn trả ngay số trái phiếu.

Trong khi việc phát hành mới là cực kỳ khó khăn, sản phẩm chưa hoàn thiện thì việc trả nợ đến hạn là vô phương.

Vì thế, quy định mới này là giải pháp tình thế để cả doanh nghiệp phát hành và trái chủ đàm phán lại trên cơ sở lợi ích, trách nhiệm của cả hai bên.

Tất nhiên, quy định này còn có một số điều khoản khác để đảm bảo lợi ích của trái chủ, ví dụ: Đối với người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Trường hợp có người sở hữu trái phiếu không chấp thuận phương án đàm phán thì doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người sở hữu trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) gần đây công bố danh sách 54 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu cho trái chủ trong giai đoạn từ giữa tháng/9/2022 đến cuối tháng 1/2023. Trong số đó, có một nửa là doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản.

Riêng trong năm 2023 sẽ có khoảng 309.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó có khoảng 119.000 tỷ đồng là trái phiếu bất động sản, theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam. 

Với tình thế đông cứng của của cả thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, dường như tất cả các doanh nghiệp phát hành đều rất chật vật với nợ đến hạn của trái phiếu doanh nghiệp họ đã phát hành. 

Những quy định mới nêu trên trong Nghị định 08 về bản chất tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phát hành đẩy nợ cho tương lai, và trong khoảng từ nay đến đó, họ có cơ hội hoàn thành các sản phẩm, cơ cấu lại nợ trên nền tảng đàm phán, đồng thuận của trái chủ. 

Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một chủ trương lớn và rất đúng đắn để giúp doanh nghiệp và người dân đa dạng hóa các kênh tiếp cận vốn, tránh phụ thuộc quá lớn vào ngân hàng như nhiều năm nay. Chủ trương đó cần nuôi dưỡng, bồi bổ một cách cẩn trọng, nâng niu, tránh những cú quay xe đột ngột của chính sách như vừa qua để xây dựng lòng tin thị trường.

Tư Giang

Ứng xử với trái phiếu doanh nghiệpBức tranh đó cho thấy, người mua trái phiếu doanh nghiệp không có lý gì phải quá lo lắng. Nếu tất cả đổ xô đến “đòi lại” thì không một doanh nghiệp nào có thể trụ được chứ đừng nói là phát triển.