Theo đại diện VKS, về việc kê biên tài sản, tại toà đã xuất hiện bên liên quan là Công ty Cổ phần Bất động sản (BĐS) AIC. Công ty này cho rằng, khu đất diện tích 4.065 m2 ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đang bị kê biên trong vụ AIC không phải của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cũng không thuộc sở hữu của Công ty AIC.

Vì phát sinh vướng mắc liên quan đến tài sản bị kê biên, đại diện VKS thay đổi đề nghị xử lý đối với phần dân sự như sau:

Đề nghị tiếp tục kê biên để đảm bảo thi hành án đối với các bất động sản là 6 căn hộ tại chung cư Pacific Place, số 83B phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội và 1 biệt thự, diện tích 453m2 tại địa chỉ số 21 phố Nguyễn Huy Tự, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội đều đứng tên bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Đại diện VKS đề nghị chuyển lại tài sản và bất động sản sau để CQĐT tiếp tục xác minh gồm: hơn 107 tỷ đồng là số dư 4 tài khoản của Công ty AIC tại ngân hàng đã bị phong toả; Căn biệt thự diện tích 357m2 tại số 99 phố Trần Hưng Đạo, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội của Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhờ bố đẻ đứng tên; 2 thửa đất diện tích 4.065 m2 tại địa chỉ lô F1 và F2, thuộc Dự án đấu giá quyền sử dụng đất phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp cho Công ty Cổ phần BĐS AIC.

Phiên toà xét xử vụ AIC. Ảnh: Ảnh: TTXVN

Theo đại diện VKS, Công ty cổ phần BĐS AIC cho rằng, 2 thửa đất diện tích 4.065 m2 tại địa chỉ lô F1 và F2, thuộc Dự án đấu giá quyền sử dụng đất phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã được chuyển nhượng, nhưng CQĐT chưa xác minh làm rõ được. Đại diện VKS đề nghị CQĐT tiếp tục xác minh làm rõ về chủ sở hữu đối với các tài sản nêu trên.

Đối với nội dung liên quan đến nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, theo đại diện VKS, đây là vụ án hình sự nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải thuộc về những người gây ra thiệt hại.

Vì vậy, đại diện VKS đề nghị buộc bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn phải chịu trách nhiệm với 2/3 tổng số thiệt hại. Các bị cáo Trần Mạnh Hà và Hoàng Thị Thúy Nga (đều là Phó TGĐ Công ty AIC) chịu trách nhiệm với 1/3 số thiệt hại còn lại. 

Đối với số tiền hơn 107 tỷ đồng là số dư 4 tài khoản của Công ty AIC tại ngân hàng đã bị phong toả, đại diện VKS cho hay, trong số 107 tỷ đồng, có 102 tỷ đồng thuộc đơn vị khác. “Công ty AIC nhận trách nhiệm bồi thường, nhưng không có gì đảm bảo. Về nguyên tắc đảm bảo thi hành án, bị cáo gây thiệt hại thì bị cáo phải chịu trách nhiệm bồi thường”, lời đại diện VKS. 

Trước khi đại diện VKS đối đáp nội dung trên, đại diện Công ty AIC trình bày: Thiệt hại trong vụ án này là của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai nên Công ty AIC bồi thường cho Bệnh viện chứ không bồi thường cho UBND tỉnh Đồng Nai.

“16 hợp đồng mà Công ty AIC ký là ký với Chủ đầu tư là Bệnh viện Đồng Nai chứ không ký với UBND tỉnh. Do vậy, thiệt hại là của bệnh viện. Đối tượng Công ty AIC phải bồi thường là bệnh viện”, lời người đại diện Công ty AIC.

Vẫn theo người đại diện của Công ty AIC: “Chúng tôi là bị đơn thì đương nhiên là bồi thường, gây thiệt hại bao nhiêu bồi thường chừng đấy, theo hợp đồng. Hiện 107 tỷ đồng nằm ở tài khoản ngân hàng có thể tiếp tục phong tỏa để đảm bảo bồi thường”.