Báo chí đặt câu hỏi khi giới chức Philippines thông báo đang chuẩn bị tiến hành dự án sửa chữa, nâng cấp đường băng và cơ sở hạ tầng trên đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Người phát ngôn cho biết: "Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền cũng như các quyền liên quan của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp và vô giá trị".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. |
Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, có đóng góp thiết thực, tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông cũng như tạo môi trường thuận lợi cho việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)
Về thông tin, hải quân Trung Quốc hôm 24/5 thông báo đã tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông, người phát ngôn nêu: "Duy trì hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia trên Biển Đông là mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm và nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế".
Việt Nam mong rằng các bên nỗ lực đóng góp có trách nhiệm vào vấn đề này.
Ngày 20/5, Trung Quốc tuyên bố tàu chiến Mỹ đã đi vào lãnh hải nước này ở Biển Đông một cách bất hợp pháp và bị trục xuất. Tuyên bố được đưa ra sau khi tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur (DDG 54, thuộc lớp Arleigh Burke) đã đi vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa trong ngày 20/5.
Trước thông tin trên, bà Hằng nhấn mạnh: "Một lần nữa phải khẳng định rằng Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế".
Mọi hoạt động của các quốc gia trong và ngoài khu vực cần đóng góp thiết thực cho việc duy trì môi trường hòa bình ổn định an ninh an toàn, ổn định của Biển Đông; tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển đông, và tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển 1982 (UNCLOS).
Thành Nam
Việt Nam lên tiếng việc Trung Quốc điều thêm tàu đến đá Ba Đầu
Các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát diễn biến trên Biển Đông, đảm bảo chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Trường Sa.