Không phá giá, tạo sự ổn định

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có buổi báo cáo về kết quả điều hành hoạt động ngân hàng quý III/2019. Theo đó, các chính sách tiền tệ được đánh giá là chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Theo NHNN, trong 9 tháng đầu năm, mặt bằng lãi suất duy trì ổn định, tỷ giá tương đối ổn định, thanh khoản thị trường được đảm bảo, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. NHNN mua ròng ngoại tệ, bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Điểm nổi bật trong chính sách tiền tệ 9 tháng đầu năm là quyết định điều chỉnh giảm các lãi suất điều hành 25 điểm phần trăm. Cụ thể, từ 16/9, NHNN điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,25% xuống 6%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,25% xuống 4%/năm và lãi suất cho vay qua đêm từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm.

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho hay việc giảm lãi suất trong thời điểm này mang đến thông điệp sẵn sàng tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong những tháng cuối năm. 

{keywords}
NHNN có các chính sách thận trọng nhưng vẫn đảm bảo hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Tú, Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia đánh giá chính sách tỷ giá hiện nay là hợp lý.

Trên thực tế, cũng có những ý kiến bên ngoài cho rằng, mức độ giảm lãi suất của NHNN là khá thấp trong bối cảnh trên thế giới các nước đang dồn dập cắt giảm mạnh lãi suất. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã có 2 lần cắt giảm lãi suất cơ bản trong quý 3, với tổng mức cắt giảm lên tới 50 điểm phần trăm.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hôm 12/9 đã giảm lãi suất điều hành 10 điểm cơ bản xuống 0,5%, đồng thời tung ra chương trình mua trái phiếu mới trong một nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Ngân hàng trung ương Úc hôm 1/10 cắt giảm lãi suất 25 điểm xuống mức thấp kỷ lục 0,75%/năm, đồng thời lần đầu tiên đưa lãi suất cho vay qua đêm xuống dưới mức 1%. Đây là lần cắt giảm lãi suất thứ ba của nước Úc kể từ tháng 6 đến nay.

Trước đó, rất nhiều quốc gia đã cắt giảm lãi suất. Nhiều nơi lãi suất xuống mức kỷ lục, bao gồm cả lãi suất ở mức 0%.

Ông Đào Minh Tú nhận xét, việc phá giá hay tăng giá ở Việt Nam còn phải tính đến vấn đề chung trong tổng thể nền kinh tế, cân đối giữa xuất nhập khẩu, nợ nước ngoài, tài khoản vãng lai... để điều hành hợp lý tạo sự ổn định và lợi ích cao nhất cho quốc gia,  đảm bảo yếu tố ổn định tâm lý cho thị trường.

Đại diện NHNN cho biết, xuất khẩu gần đây chậm lại đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó chịu tác động chủ yếu bởi diễn biến thị trường thế giới khi xuất khẩu nhiều nền kinh tế lớn cũng giảm tốc. Và không thể chỉ nghĩ đến việc phá giá tiền đồng để hỗ trợ xuất khẩu mà không tính đến tác động lên nhập khẩu bởi nhập khẩu của Việt Nam hiện nay cũng khá lớn. 

{keywords}
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam cao nhất khu vực.

Việt Nam duy trì tăng trưởng cao

Tăng trưởng GDP Việt Nam trong quý 3/2019 đạt mức 7,31%, cao nhất trong 9 năm qua bất chấp tình hình thế giới có nhiều biến động, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung lên cao chưa từng có và có thể còn kéo dài. Thâm hụt thương mại với Trung Quốc và Hàn Quốc lớn.

Một số tổ chức gần đây nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2019. Fitch Solutions nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 6,5% lên 6,9% trong năm 2019. Maybank Kim Eng Research nâng dự báo từ 6,8% lên 7%. United Overseas nâng từ 6,7% lên 6,8%, trong khi Capital Economics giữ nguyên dự đoán ở mức 7%. ICAEW dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6,7%, còn ADB ở mức 6,8%.

Các dự báo từ mức 6,7%-7% và đều là các con số vượt trội so với tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế còn lại trong khu vực. Việt Nam vẫn là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á.

{keywords}
Thế giới đang dõi theo chính sách tiền tệ của Mỹ.

Cũng theo đại diện NHNN, tính đến 24/9, tăng trưởng tín dụng trong hệ thống ngân hàng đạt 8,64% so với cuối năm 2018. Định hướng cho cả năm mức tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Ông Đào Minh Tú khẳng định, tốc độ tăng trưởng tín dụng như trên là hợp lý và góp phần giúp đạt mục tiêu tăng trưởng GDP đã đề ra. Tuy nhiên, NHNN không áp đặt cứng nhắc mà vẫn sẽ dựa trên tình hình thực tế để điều chỉnh tín dụng cho các ngân hàng và vào những lĩnh vực cần thiết. Hạn mức tín dụng đối với từng ngân hàng là công cụ để Nhà nước quản lý và điều phối một cách tốt nhất. 

Về nợ xấu, việc triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã đạt được một số kết quả tích cực. Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 6/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 224,7 ngàn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 6/2019 là 1,9%.

Lĩnh vực thanh toán tiếp tục có tăng trưởng tích cực. Trong 7 tháng đầu năm 2019, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet đạt 226 triệu giao dịch với giá trị giao dịch khoảng 10,9 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 51,8% và 18,3% so với cùng kỳ năm 2018); số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt gần 202 triệu giao dịch với giá trị giao dịch hơn 2,09 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 104,9% và 155,3% so với cùng kỳ năm 2018).

M. Hà