Giá trị vốn hóa thị trường của GameFi hiện nay ước tính hàng chục tỷ USD. Tuy vậy, ở chiều hướng ngược lại, cũng có nhiều người dùng đang mất dần niềm tin vào GameFi trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều hơn các dự án có dấu hiệu lừa đảo. Giờ đây câu hỏi đặt ra là chúng ta cần có cách ứng xử ra sao trong câu chuyện này? Trao đổi với VietNamNet, ông Đặng Minh Tuấn - Chủ tịch Liên minh Blockchain Việt Nam cho biết, trong 2 năm trở lại đây xuất phát từ NFT Game và “play to earn” đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế khác nhau như “move to earn”, “learn to earn”… 

Ông Đặng Minh Tuấn - Chủ tịch Liên Minh Blockchain Việt Nam.

Bên cạnh đó, có xu thế Blockchain hóa các game truyền thống, xây dựng mô hình “play to earn” ngay từ đầu, áp dụng lý truyết trò chơi và tạo động lực cho các hoạt động khác thành game. 

Theo Chủ tịch Liên minh Blockchain Việt Nam, có thể nói mô hình kinh tế GameFi là một trong các lĩnh vực cho thấy rõ nhất và hiệu quả nhất của việc ứng dụng công nghệ Blockchain, các hệ sinh thái DeFi và các nền tảng NFT, chỉ sau lĩnh vực phổ biến hàng đầu là tiền mã hóa (Cryptocurrency).

Khoảng thời gian thị trường crypto đi xuống được xem là giai đoạn thử thách mức độ kiên nhẫn của các dự án Blockchain. Đây là lúc các startup có thể tập trung tối đa phát triển sản phẩm. Trong hình là Titan Hunters - một tựa game Blockchain Việt Nam. 

Tuy vậy, theo vị chuyên gia này, bất kỳ một xu thế nào cũng có thời kỳ khởi đầu, bùng phát và thoái trào. Chưa kể, khi ở thời kỳ phát triển bùng nổ, sẽ xuất hiện nhiều dự án có mục đích tiêu cực, lừa đảo, điều đó có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của các dự án trong mảng này.

Khi toàn thị trường có dấu hiệu đi xuống, một cách gián tiếp điều này làm cho giá trị của các dự án và sản phẩm có chiều hướng đi xuống theo. Số lượng nhà đầu tư vì thế cũng sụt giảm. 

Theo ông Đặng Minh Tuấn, nếu tạo được khung pháp lý đối với tiền mã hóa và tài sản số, các dự án game Blockchain có thể thu hút được nguồn đầu tư từ nước ngoài đổ về Việt Nam. 

Không chỉ vậy, nếu Việt Nam ban hành được chính sách đầu tư và thu thuế trong mảng tiền kỹ thuật số, tài sản số, các dự án game Blockchain có thể tạo ra nguồn thu thuế lớn. Bên cạnh đó, các dự án game Blockchain phát triển sẽ đào tạo ra lực lượng lập trình viên có chất lượng tạo tiền đề cho các ứng dụng Blockchain khác.

Một lập trình viên người Việt đang kiểm thử Run Together - ứng dụng theo mô hình "move to earn". Khác với các tựa game "play to earn" trước đó, mô hình này mang đến một lợi ích bền vững hơn là tăng cường sức khỏe và thói quen tập luyện cho người dùng. 

Chủ tịch Liên minh Blockchain Việt Nam cho rằng, Việt Nam nên có cơ chế chính sách khuyến khích các dự án GameFi thực sự tạo ra giá trị cho cộng đồng và cho người chơi. 

Việt Nam cũng cần sớm ban hành các chủ trương, chính sách liên quan đến việc quản lý tài sản số, tiền mã hóa, khuyến khích đổi mới sáng tạo và làm chủ công nghệ trên tinh thần Make in Việt Nam. 

“Nên có các thí điểm trong khuôn khổ sandbox đối với những sàn giao dịch tiền mã hóa, tài sản số, có cơ chế quản lý các sàn này cũng như có cơ chế thu thuế và phí giao dịch hơp hợp lý đối với sản phẩm được phát triển bởi người Việt”, ông Đặng Minh Tuấn chia sẻ.

Thông qua những sàn giao dịch tập trung được quản lý bởi các tổ chức và cơ quan chức năng, Việt Nam có thể kiểm soát được dòng tiền vào ra, thu được thuế, đồng thời giảm thiểu rủi ro từ phía bên ngoài.

Trọng Đạt