Ngày 11/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội đàm với Thủ tướng Hun Manet.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chào mừng Thủ tướng Hun Manet lần đầu tiên thăm chính thức Việt Nam, cũng là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Hun Manet tới một nước ASEAN. Thủ tướng Việt Nam bày tỏ tin tưởng Chính phủ Campuchia do Thủ tướng Hun Manet đứng đầu sẽ tiếp tục giành nhiều thành tựu mới.
Chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn coi trọng và dành ưu tiên cao cho quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” Việt Nam - Campuchia.
Thủ tướng Hun Manet khẳng định chuyến thăm Việt Nam lần này nhằm kế thừa, thúc đẩy mối quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước lên tầm cao mới.
Hai lãnh đạo hài lòng trước những bước phát triển tích cực của quan Việt Nam - Campuchia thời gian qua. Quan hệ chính trị ngày càng gắn bó tin cậy, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao các kênh và các cấp.
Hợp tác an ninh - quốc phòng tiếp tục được đẩy mạnh. Thương mại hai chiều đã có bước tiến lớn, tăng trưởng trung bình hơn 20% trong giai đoạn 2015-2022 và vượt 10 tỷ USD vào năm 2022. Việt Nam tiếp tục đứng đầu ASEAN và trong tốp 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia với 205 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 2,95 tỷ USD.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, có hơn 640.000 lượt khách Việt Nam thăm Campuchia và khoảng 250.000 lượt khách Campuchia sang Việt Nam.
Hai Thủ tướng trao đổi phương hướng lớn nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Việt Nam - Campuchia trong thời gian tới. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao; phát huy hiệu quả cơ chế hợp tác; tăng cường kết nối, giao lưu giữa thanh niên và lãnh đạo trẻ.
Hai nước cùng phối hợp tổ chức hoạt động thiết thực để kỷ niệm 45 năm Ngày chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979 - 7/1/2024), theo đó Campuchia sẽ cử lãnh đạo Chính phủ sang Việt Nam dự lễ kỷ niệm ngày 7/1.
Về hợp tác quốc phòng - an ninh, hai Thủ tướng nhất trí phát huy lĩnh vực trụ cột quan trọng này nhằm góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định ở mỗi nước; kiên định nguyên tắc không cho phép bất cứ thế lực thù địch nào sử dụng lãnh thổ nước này để chống lại nước kia. Hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý biên giới, ngăn chặn, đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên biên giới và hợp tác đối phó thách thức an ninh phi truyền thống...
Phía Campuchia sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia.
Về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hai Thủ tướng nhất trí hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả. Việt Nam và Campuchia tăng cường kết nối hai nền kinh tế, cả kết nối về hạ tầng cơ sở và kết nối về thể chế chính sách; đẩy mạnh thương mại song phương, đặc biệt là thương mại biên giới.
Hai nước phấn đấu đạt mốc kim ngạch thương mại song phương 20 tỷ USD trong thời gian tới, khuyến khích và tạo điều kiện cho hợp tác đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp hai nước.
Về hợp tác biên giới, hai Thủ tướng hoan nghênh các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ nhằm duy trì, củng cố đường biên giới hoà bình, ổn định và phát triển; nhất trí tiếp tục phối hợp, thúc đẩy việc giải quyết các khu vực thuộc 16% đường biên giới chưa hoàn thành phân giới cắm mốc...
Về các lĩnh vực hợp tác khác, hai Thủ tướng nhất trí tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ của hai nước; đẩy mạnh hợp tác nguồn nhân lực; thúc đẩy tăng cường kết nối giao thông, trong đó có kết nối đường cao tốc và tăng tần suất chuyến bay thẳng.
Trao đổi vấn đề khu vực và quốc tế, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có duy trì đoàn kết, lập trường chung và vai trò trung tâm của ASEAN đối với những vấn đề an ninh, chiến lược của khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông...