Nghiên cứu của trang tin tài chính DealStreetAsia (DSA) cho thấy, bất chấp tình hình huy động vốn nhìn chung ảm đạm trong năm 2023, các khoản đầu tư vào công nghệ y tế tại khu vực Đông Nam Á vẫn tăng trưởng khi các startup huy động được 580 triệu USD thông qua 60 thoả thuận.

Singapore và Indonesia, những nền kinh tế lớn trong khu vực, chiếm phần lớn khoản vốn huy động. Trong khi đó, Việt Nam xếp thứ ba với 3,9% thị phần.

https cms image bucket production ap northeast 1 a7d2s3ap northeast 1amazonawscom images 0 5 2 0 47360250 1 eng gb 79766004 s.jpg
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với 13% thị phần chăm sóc sức khoẻ y tế AI toàn cầu, đặc biệt là Đông Nam Á, mang đến tiềm năng tăng trưởng đáng kể.

Các chuyên gia cho biết, lĩnh vực công nghệ y tế của Việt Nam nhận được sự quan tâm mạnh mẽ trong những năm gần đây với kỳ vọng AI có thể thúc đẩy sự phát triển của y học chính xác.

Y học chính xác, đôi khi còn được gọi là “y học cá nhân hoá”, chẳng hạn sử dụng hồ sơ di truyền cá nhân để xây dựng các phương pháp điều trị phù hợp với từng loại bệnh như Alzheimer, tiểu đường hoặc ung thư. AI được coi là chìa khoá để giảm chi phí cho quá trình sắp xếp trình tự bộ gen người bệnh.

Dữ liệu của DSA ghi nhận Gene Solutions - công ty khởi nghiệp Việt Nam, đã huy động được 21 triệu USD trong vòng Series B của năm ngoái. Đây cũng là thương vụ lớn thứ bảy tại Đông Nam Á.

Một startup khác trong lĩnh vực này là GeneStory (VinGroup) được thành lập vào năm 2022, chuyên đánh giá rủi ro về sức khoẻ gồm thể chất và chế độ dinh dưỡng cá nhân cũng như các yếu tố di truyền để làm cơ sở xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khoẻ tuỳ chỉnh.

GeneStory đặt mục tiêu cung cấp “dịch vụ xét nghiệm di truyền nhanh chóng và toàn diện dựa trên bộ dữ liệu tiếng Việt lớn, dành riêng cho người Việt Nam”. Tuy nhiên, Nikkei Asia cho hay vào năm 2022, VinGroup đã bán một lượng cổ phần không tiết lộ trong công ty này.

Yinglan Tan, giám đốc điều hành và nhà sáng lập quỹ Insignia Ventures Partners cho biết, AI từ lâu đã ứng dụng trong chăm sóc y tế trước các lĩnh vực khác, từ khâu chiếu chụp cho đến phân tích hình ảnh. Bởi vậy, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với 13% thị trường chăm sóc sức khoẻ y tế AI toàn cầu, đặc biệt là Đông Nam Á, mang đến tiềm năng tăng trưởng đáng kể.

Báo cáo của DSA cho thấy các khoản đầu tư vào lĩnh vực công nghệ sâu liên quan đến chăm sóc y tế như gen, sinh học phân tử, AI và cảm biến sinh trắc học chiếm 46% tổng khối lượng thoả thuận và 72% tổng số vốn cổ phần mà các startup trong khu vực huy động được trong giai đoạn từ tháng 1/2020 đến tháng 9/2023.

(Theo NikkeiAsia)