Nhà mạng 'cấm cửa' điện thoại 2G không hợp quy

Chia sẻ với VietNamNet, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, cho biết từ ngày 1/3, nhà mạng sẽ không cho phép nhập mạng mới với các máy điện thoại di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G không thuộc danh sách các điện thoại 2G được chứng nhận hợp quy do Bộ TT&TT công bố. 

tat song 2g.jpg
Nhà mạng có trách nhiệm truyền thông rộng rãi việc triển khai giải pháp kiểm soát thiết bị 2G chưa hợp quy, ngăn chặn kết nối vào mạng viễn thông di động tới khách hàng của mình. 

Theo danh sách của Cục Viễn thông, có 1.500 đơn vị đã được cấp hợp quy cho máy điện thoại di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G. 

Như vậy, những máy điện thoại 2G, không được chứng nhận hợp quy của Bộ TT&TT nhưng hòa mạng trước ngày 1/3 vẫn được sử dụng bình thường. 

Theo thông báo của Cục Viễn thông, từ tháng 9/2024 đến tháng 9/2026, hệ thống 2G hiện có được sử dụng cho dịch vụ thoại và nhắn tin cho thuê bao sử dụng máy điện thoại 3G và máy 4G không hỗ trợ công nghệ VoLTE. 

Như vậy, các thuê bao sử dụng máy điện thoại 2G không được sử dụng trên hệ thống 2G ở băng tần 900MHz. Từ tháng 9/2026, sẽ dừng hệ thống di động 2G và chỉ sử dụng cho 4G.

Người dân có thắc mắc và khiếu nại về máy điện thoại 2G không được kết nối mạng cần gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp di động để được hỗ trợ, hướng dẫn. 

Việt Nam vượt Ấn Độ về xuất khẩu smartphone

Số liệu từ UN Comtrade (Cơ sở dữ liệu thống kê thương mại hàng hóa của Liên Hiệp Quốc), ITC Trade Map (Cơ sở dữ liệu trực tuyến về thương mại quốc tế của Trung tâm Thương mại Quốc tế) và Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, cho thấy Việt Nam đã vượt qua cả Hàn Quốc để trở thành quốc gia xuất khẩu điện thoại lớn thứ hai thế giới.

smartphonex.jpeg

Trung Quốc dù vẫn giữ vị trí số một, nhưng thị phần đang có xu hướng giảm dần với 49,4% của năm 2022 so với mức đỉnh 53% của năm 2015. Trước đó, thị phần của nước này liên tục tăng kể từ năm 2009.

Truyền thông Ấn Độ (tờ The Hindu) nhận định, dù Trung Quốc vẫn dẫn đầu nhưng Việt Nam đã liên tục mở rộng thị phần một cách đều đặn trong những năm qua. 

Đầu năm nay, Reuters đưa tin Bộ trưởng Bộ Công nghệ Thông tin Ấn Độ đã bày tỏ lo ngại về việc nước này đang tụt lại phía sau Trung Quốc và Việt Nam do thuế suất cao đối với linh kiện di động. Mặc dù New Delhi đã giảm thuế nhập khẩu đối với các linh kiện như ống kính, pin hay nắp lưng từ 15% xuống 10%, nhưng Ấn Độ tiếp tục áp thuế 20% đối với sạc và bảng mạch.

Hồi tháng 4/2023, theo báo cáo xuất nhập khẩu năm 2022 của Bộ Công Thương, Việt Nam đã sản xuất khoảng 210,5 triệu chiếc smartphone, với thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Mỹ, EU, Hàn Quốc, UAE và Hồng Kông (Trung Quốc).

Hai yếu tố chính giúp Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất và xuất khẩu điện thoại là xu hướng giảm lệ thuộc vào Trung Quốc của các công ty smartphone và Mỹ - thị trường nhập khẩu điện thoại nhiều nhất đã tăng cường các đơn hàng từ quốc gia Đông Nam Á.

TP.HCM ra mắt phần mềm lắng nghe mạng xã hội

Ngày 27/2, tại TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã ra mắt phần mềm lắng nghe mạng xã hội Socialbeat.

Phần mềm Socialbeat có khả năng thu thập dữ liệu từ một loạt các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter, Instagram, YouTube và nhiều nền tảng online khác như các báo điện tử, mạng xã hội hay trang tin tổng hợp theo thời gian thực.

lam dinh thang.jpg
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM phát biểu tại buổi ra mắt. Ảnh: Lê Mỹ

Socialbeat được tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy để phân tích dữ liệu mạng xã hội một cách thông minh và hiệu quả theo từng nhóm chủ đề, từng ngành, lĩnh vực và vùng quản lý; phát hiện xu hướng, diễn tiến thông tin đến nhận diện tâm trạng và cảm xúc của cộng đồng với các sắc thái tích cực – trung lập và tiêu cực; cung cấp những phân tích sâu sắc cho từng vấn đề muốn thu thập và phân tích giúp người dùng hiểu rõ hơn về đối tượng, nội dung thông tin mà họ quan tâm.

Ngoài ra, Socialbeat còn cho phép người dùng tạo ra các báo cáo linh hoạt và đa dạng, dựa trên dữ liệu thu thập được theo nhiều cơ chế khác nhau, từ các báo cáo nhanh, báo cáo định kỳ hoặc tổng hợp, phân tích báo cáo chuyên sâu. Từ báo cáo tổng quan đến phân tích chi tiết, người dùng có thể tùy chỉnh để đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng đơn vị khai thác, phù hợp với nhiệm vụ được giao.

Bộ Công an phát động ủng hộ sử dụng mạng Gtel Mobile

Sáng ngày 1/3, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã phát động toàn lực lượng công an ủng hộ, sử dụng mạng viễn thông di động của Công ty Gtel Mobile để thúc đẩy các nguồn nội lực, phát triển doanh nghiệp trong ngành.

mang gtel.jpeg
Bộ Công an vừa phát động cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân và người thân sử dụng mạng viễn thông di động Gtel Mobile.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, Tổng công ty Gtel đã có những bước phát triển mới, với một diện mạo mới, vươn mình trở thành một tập đoàn công nghệ, viễn thông hàng đầu của Bộ, ghi nhiều dấu ấn trên thị trường, cung cấp các sản phẩm công nghệ, phần mềm, góp phần chuyển đổi số quốc gia. 

Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu, thời gian tới, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Tổng Công ty Gtel và Công ty Gtel Mobile tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng công ty có chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp, hiệu quả, phấn đấu sớm trở thành doanh nghiệp công nghệ viễn thông phát triển mạnh, hàng đầu của đất nước, đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường, phục vụ có hiệu quả công tác thông tin liên lạc của ngành công an, cũng như tạo nguồn lực dự phòng quốc gia, phục vụ thông tin liên lạc của Đảng, Nhà nước trong trường hợp khẩn cấp.

Các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong việc khai thác, sử dụng hạ tầng viễn thông của Bộ Công an để nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng nhà trạm thu phát sóng, cửa hàng, trung tâm dữ liệu tại cơ sở nhà đất của công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc, báo cáo Bộ phê duyệt để có thêm các nguồn lực thúc đẩy phát triển cho Gtel Mobile.

AI Make in Viet Nam lọt top 4 thế giới về nhận diện khuôn mặt

Vượt qua hơn 130 công ty, viện nghiên cứu hàng đầu thế giới về công nghệ, công nghệ tìm kiếm và nhận diện khuôn mặt của Viettel AI vừa lọt top 10 thế giới tại 5 trên 8 hạng mục. Thông tin này được Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia Hoa Kỳ (NIST) công bố trong tháng 1/2024. 

Đáng chú ý, trong 5 hạng mục lọt top 10, công nghệ AI của Viettel hiện đứng top 4 thế giới, top 1 Việt Nam tại hạng mục nhận diện khuôn mặt ở góc nghiêng 90 độ (Mugshot-Profile 90o).

viettel ai.jpg
Công nghệ nhận diện khuôn mặt bằng AI của Viettel được ứng dụng nhằm xác thực Căn cước công dân gắn chip.

Thành tích này đã đánh dấu một kỷ lục mới về công nghệ tìm kiếm và nhận diện khuôn mặt tự động của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bài đánh giá có tên “FRTE 1:N Identification“ do Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia Hoa Kỳ thực hiện thường được coi là “dấu tích xanh” cho hiệu suất của các giải pháp công nghệ tìm kiếm và nhận diện khuôn mặt tự động.

Theo đại diện Viettel AI, công nghệ AI do đơn vị này phát triển giúp tăng tốc và nâng cao hiệu quả cho nghiệp vụ xác thực khuôn mặt, có thể giúp đối chiếu hình ảnh khuôn mặt trên giấy tờ tùy thân và ảnh chụp trực tiếp của khách hàng với tỷ lệ chính xác trên 99% chỉ trong vài giây.