Ba nhà mạng lớn đều bị xử phạt

Ngày 26/2/3019, Thanh tra Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đã ra quyết định xử phạt số 11/QĐXPVPHC đối với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và quyết định xử phạt số 12/QĐXPVPHC đối với Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone).

Theo đó, VNPT và MobiFone bị xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi chấp nhận thông tin thuê bao do điểm cung cấp dịch vụ viễn thông không được uỷ quyền. Với vi phạm này, VNPT và MobiFone, mỗi doanh nghiệp sẽ phải nộp số tiền phạt là 100 triệu đồng.

{keywords}
Bộ TT&TT đang mạnh tay nhằm xử lý dứt điểm tình trạng đại lý SIM thẻ tự đăng ký thông tin thuê bao cho người dùng di động và doanh nghiệp ký hợp đồng sử dụng thuê bao di động số lượng lớn.

Cũng trong ngày, Thanh tra Bộ TT&TT đã ra quyết định xử phạt số 13/QĐXPVPHC đối với Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel.

Viettel đã vi phạm hành chính khi thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không đúng quy định và chấp nhận thông tin thuê bao do điểm cung cấp dịch vụ viễn thông không được uỷ quyền.

Với việc thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không đúng quy định, Viettel bị xử phạt 9 triệu đồng. Trong khi đó, hành vi chấp nhận thông tin thuê bao do điểm cung cấp dịch vụ viễn thông không được uỷ quyền bị xử phạt 100 triệu đồng.

Như vậy, tổng cả 2 hình phạt, số tiền mà Viettel phải nộp vào Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội là 109 triệu đồng.

Đại lý SIM thẻ tự đăng ký thông tin thuê bao cho người dùng di động

Trước đó, trong khoảng thời gian từ ngày 20/10/2018 đến 21/12/2018, đoàn thanh tra Bộ TT&TT đã tiến hành thanh tra tại Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel).

Kết quả thanh tra cho thấy, khi kiểm tra giấy tờ tùy thân của người sử dụng trong cơ sở dữ liệu thuê bao di động, một số thuê bao có thông tin không đúng như ảnh chứng minh nhân dân, thẻ căn cước là ảnh chụp thẻ mẫu, không phải là ảnh chụp từ giấy tờ thật hoặc thông tin trên cơ sở dữ liệu khác với thông tin trên bản chụp. Ngoài ra, một số thuê bao có ảnh chụp thiếu nghiêm túc như cởi trần, không mặc áo.

{keywords}
Thuê bao có chứng minh nhân dân, thẻ căn cước không đúng.

Kiểm tra trong cơ sở dữ liệu cho thấy, từ ngày 24/4/2017-11/2018 có 122.006 thuê bao được cập nhật thông tin vào ban đêm. Từ ngày 24/4/2017-23/7/2018 có 1.136.143 thuê bao không có ảnh chụp.

Đối với việc triển khai Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông lưu động, chi nhánh Viettel các tỉnh thành đã ký Hợp đồng cộng tác viên hợp tác với các cá nhân bên ngoài, theo nội dung hợp đồng, các cá nhân này được cấp tài khoản để thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu.

Qua kiểm tra, các cá nhân này đã thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Cụ thể là trường hợp của Bà Lê Thị Mai (tài khoản: HNI1_TTLBN_00006_DBCN) và bà Nguyễn Thị Hạnh (tài khoản: HNI1_TTSTY_00007_DB).

Trong tháng 8-9/2018, bà Mai đã đăng ký cho một chủ thuê bao là cá nhân có số CMND 011938232 sử dụng 136 SIM điện thoại còn bà Hạnh đã đăng ký cho một chủ thuê bao là cá nhân có số CMND 131382201 sử dụng 24 SIM điện thoại.

{keywords}
Các cá nhân ký hợp đồng cộng tác viên hợp tác chính là các đại lý SIM thẻ.

Việc đăng ký thông tin thuê bao được thực hiện tại địa chỉ duy nhất, do chính những người này chủ động thực hiện đăng ký thông tin thuê bao cho khách hàng, không có nhân viên Viettel hỗ trợ hoặc phối hợp.

Tại buổi làm việc ngày 7/12/2018, Chi nhánh Viettel Hà Nội cũng xác nhận các cá nhân ký hợp đồng cộng tác viên hợp tác chính là các đại lý SIM thẻ.

Chi nhánh Viettel các tỉnh thành đã ký 29.800 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông lưu động như trên. Trước tình trạng này, đoàn thanh tra của Bộ TT&TT đã yêu cầu Viettel phải chấm dứt tình trạng giao kết hợp đồng theo mẫu.

Doanh nghiệp ký hợp đồng sử dụng thuê bao di động số lượng lớn

Kết quả thanh tra tại Viettel cũng chỉ ra tình trạng nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng sử dụng thuê bao di động với số lượng lớn. Đây cũng là hiện tượng đang xảy ra ở nhiều doanh nghiệp viễn thông khác như MobiFone và VNPT.

Cách thức đăng ký thông tin của một số doanh nghiệp này như sau: Doanh nghiệp làm giấy ủy quyền cho các cá nhân (không rõ có phải là nhân viên của công ty hay không) thực hiện giao kết hợp đồng sử dụng thuê bao di động. Mỗi cá nhân này thực hiện ký hợp đồng rất nhiều lần (tần suất cách nhau một vài ba ngày) để sử dụng SIM thuê bao, số lượng mỗi lần từ 50-300 SIM.

{keywords}
Một số doanh nghiệp có giao kết hợp đồng với số lượng thuê bao lớn trong khoảng thời gian từ ngày 24/4/2017 đến nay.

Ví dụ cụ thể cho hành vi này là trường hợp của Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Mộc Hương (Đống Đa Hà Nội).

Ngày 22/7/2018, Công ty Mộc Hương ủy quyền cho Bùi Thúy Hằng thực hiện giao kết hợp đồng sử dụng 200 SIM điện thoại. Tuy nhiên, toàn bộ thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu như hợp đồng, giấy đăng ký kinh doanh, giấy ủy quyền cho nhân viên đăng ký thông tin lại là của Công ty TNHH liên kết dịch vụ nhà hàng.

Ngày 16/8/2018, Công ty Mộc Hương ủy quyền cho Đoàn Thị Tuyết thực hiện giao kết hợp đồng sử dụng 100 SIM điện thoại. Tuy nhiên, toàn bộ thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu như giấy ủy quyền, thẻ căn cước công dân lại mang tên Phạm Thị Phương Dung.

Theo thanh tra Bộ TT&TT, đây là tình trạng sử dụng giấy tờ (giấy đăng ký kinh doanh, thẻ căn cước, hợp đồng) của doanh nghiệp này để giao kết hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông cho doanh nghiệp khác.

Đây cũng là lý do dẫn đến việc cả Viettel, VNPT và MobiFone phải nộp khoản tiền phạt 100 triệu đồng do không thực hiện đúng quy định tại điểm b khoản 7 Điều 2 Nghị định số 49/2017/NĐCP.

Trọng Đạt