Với việc lựa chọn chủ đề hoạt động là “Xung kích chuyển đổi số”, VINASA đang đặt mục tiêu và sứ mệnh dẫn dắt xây dựng lực lượng doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT đầu tư nghiên cứu phát triển nền tảng chuyển đổi số hoàn thiện dựa với những xu hướng công nghệ mới (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) |
Theo VINASA, chuyển đổi số đang là xu hướng toàn cầu, thậm chí được coi là vấn đề sống còn của các tổ chức, doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Rất nhiều chính phủ các nước trên thế giới đang đẩy mạnh xây dựng Chính phủ số, chính quyền số như: Estonia, Israel, Hàn Quốc, Australia. Hầu hết các tập đoàn lớn trên thế giới đã thành lập riêng bộ phận chuyên trách về chuyển đổi số. Các tập đoàn quốc tế đang hướng tới một doanh nghiệp được tổ chức, vận hành dựa trên định hướng dữ liệu theo thời gian thực (Real time data-driven enterprise) giúp thúc đẩy toàn diện sản xuất kinh doanh và môi trường sáng tạo.
Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số cũng đang có sự vận động mạnh mẽ đặc biệt trong một số ngành như tài chính, giao thông vận tải, nông nghiệp và du lịch…Chính phủ Việt Nam và chính quyền các cấp đang có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về tư duy, hành động xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử được thành lập do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Chủ tịch. Hơn 30 thành phố tại Việt Nam đang định hướng xây dựng Smart City với các nền tảng công nghệ mới.
Nhận thấy Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là cơ hội rất lớn cho Việt Nam, từ năm 2017, VINASA đã tiên phong đặt vấn đề Chuyển đổi số tại Diễn đàn Cấp cao CNTT Việt Nam – Vietnam ICT Summit 2017. Thông điệp Diễn đàn nêu rõ: Diễn đàn thống nhất nhận thức sâu sắc rằng CMCN 4.0 là thời cơ thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, không thể bỏ lỡ. Tương lai của Việt Nam phụ thuộc vào nhận thức, khát vọng và sự dấn thân của lãnh đạo đất nước, mỗi doanh nghiệp và mỗi người dân cho việc hiện thực hóa khát vọng này. Việt Nam phải có dũng khí và hành động quyết liệt để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức của CMCN 4.0; phải tạo được môi trường khuyến khích sáng tạo, hệ thống chính sách, pháp luật thông thoáng, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh mới phát triển.
“Trước hết Việt Nam phải sớm có chiến lược chuyển đổi số quốc gia để định hướng phát triển kinh tế - xã hội số; trên cơ sở đó xây dựng chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng cơ quan, từng doanh nghiệp, từng sản phẩm; đảm bảo tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện ba đột phá chiến lược phải được diễn ra trên cơ sở chuyển đổi số trong mọi ngành, mọi lĩnh vực và ở mọi cấp độ”, thông điệp cho hay.
Cùng với đó, Diễn đàn cũng đã nhấn mạnh, cả hệ thống chính trị, các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học và cộng đồng xã hội, trong đó sự liên kết giữa cơ quan Nhà nước - doanh nghiệp - trường đại học, viện nghiên cứu giữ vai trò nòng cốt, cùng phối hợp hành động quyết liệt và kịp thời bằng các giải pháp thiết thực, cụ thể để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực tiếp cận CMCN 4.0; tạo thuận lợi phát triển nền kinh tế số, tập trung ưu tiên các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, trước hết là công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh và du lịch thông minh, trở thành những điểm sáng nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế số thế giới...
Trên thực tế, với định hướng trên, trong 2 năm vừa qua, VINASA đã nỗ lực thực hiện các các chương trình nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và vận động sự đầu tư, chuẩn bị của các doanh nghiệp CNTT - lực lượng tiên phong trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Với việc lựa chọn chủ đề hoạt động là “Xung kích chuyển đổi số”, VINASA đang đặt mục tiêu và sứ mệnh dẫn dắt xây dựng lực lượng doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT đầu tư nghiên cứu phát triển nền tảng chuyển đổi số hoàn thiện dựa với những xu hướng công nghệ mới như: trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), thực tế ảo/ thực tế tăng cường (VR/AR), công nghệ in 3D…
Đại diện VINASA cũng cho biết thêm, hoạt động của VINASA trong năm 2019 và các năm tiếp theo sẽ tập trung vào xây dựng các mô hình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp phần mềm, làm điển hình thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong nước; tư vấn và xây dựng thành công các mô hình thành phố thông minh, chính quyền số tại các thành phố, địa phương, hướng tới xây dựng Chính phủ số.
“Điều rất đáng khích lệ trong 2 năm vừa qua, các doanh nghiệp trong ngành phần mềm Việt Nam đã tạo được dấu ấn đáng kể trong việc nghiên cứu và phát triển các phần mềm, giải pháp công nghệ mới đặc biệt là AI, Blockchain triển khai cho các đối tác nước ngoài và một lực lượng nhân sự lớn có chứng chỉ IoT của các tập đoàn lớn như General Electric, Amazon, Microsoft”, đại diện VINASA chia sẻ.