Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định: "Bộ TT&TT sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp công nghệ nói chung, trong đó có các doanh nghiệp CNTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như trong đổi mới sáng tạo". |
Trong phát biểu tại lễ công bố và trao danh hiệu Sao Khuê 2019 được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức ngày 21/4, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhận định, sự phát triển của ngành CNTT luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ. Ngành CNTT cũng nhận được nhiều gửi gắm, kỳ vọng là sẽ tạo được sự đột phá chiến lược cho việc phát triển kinh tế xã hội và là động lực để các ngành khác phát triển.
Nhấn mạnh quan điểm phát triển CNTT-TT của Đảng, Nhà nước là nhất quán từ rất sớm, Thứ trưởng cho biết, các mục tiêu và giải pháp phát triển của ngành liên tục được cập nhật, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù của ngành. Đây là một ngành có sự phát triển rất nhanh, tính cạnh tranh quốc tế rất lớn và sự đổi mới sáng tạo là không ngừng.
“Tầm nhìn, định hướng và mục tiêu của nhà nước cùng sự tiên phong của các thế hệ đi trước đã khơi dậy những khát vọng, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ trẻ tài năng, nhiệt huyết, mong muốn chung tay xây dựng nền công nghiệp CNTT nhanh chóng làm chủ công nghệ mới hiện đại, phát triển đất nước”, Thứ trưởng nói.
Theo Thứ trưởng, trong thời kỳ mới với nhiều thách thức, ngành công nghiệp ICT đang được định vị là trung tâm, có vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi số, đảm bảo hạ tầng cho nền kinh tế số của Việt Nam, tận dụng tối đa lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chính vì vậy, Bộ TT&TT cùng các bộ, ngành liên quan đã xác định các định hướng lớn và những mục tiêu chủ yếu mà ngành công nghiệp ICT của đất nước cần vươn tới thời gian tới.
Bộ TT&TT cũng đang nghiên cứu để đề xuất nhiều cơ chế, chính sách đột phá để đảm bảo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển và ứng dụng công nghệ mới của ngành CNTT ngày càng sâu rộng. Có thể điểm qua một số định hướng mới như: xây dựng chương trình Chuyển đổi số quốc gia; đề xuất thử nghiệm các chính sách Sandbox đối với một số loại hình công nghệ và dịch vụ mới; nghiên cứu, đề xuất chính sách cho Mobile Money; xây dựng Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 hợp tác cùng Diễn đàn kinh tế thế giới WEF.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm (bên phải) cùng đại diện VINASA trao danh hiệu Sao Khuê 2019 cho các doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ CNTT xuất sắc. |
Thứ trưởng cho biết, Bộ TT&TT đánh giá cao sự đổi mới của Ban tổ chức giải thưởng Sao Khuê: “Quy mô và cơ cấu giải thưởng năm nay đã phản ánh khá toàn diện sự lớn mạnh của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, thể hiện một phần thông qua việc các doanh nghiệp đã tự tin để gửi các nhóm sản phẩm, giải pháp số lượng ngày càng tăng, chất lượng và quy mô của giải pháp ngày càng lớn, trình độ công nghệ ngày càng cao.
Đặc biệt là nhóm các sản phẩm, giải pháp ứng dụng công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 năm nay có tới 30 đề cử, điều này thể hiện các doanh nghiệp ICT Việt Nam đã bắt kịp xu hướng công nghệ thế giới, các đề cử đã chuyển dịch theo các định hướng chính sách mới của đất nước”.
Thứ trưởng Phan Tâm cũng nhấn mạnh, Bộ TT&TT mong rằng các doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ được vinh danh hôm nay sẽ tiếp tục nỗ lực, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, trong nghiên cứu phát triển, trong sản xuất kinh doanh để đem trí tuệ Việt Nam, sản phẩm, dịch vụ CNTT Việt Nam vươn cao và vươn xa hơn nữa ra thế giới.
“Bộ TT&TT sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp công nghệ nói chung, trong đó có các doanh nghiệp CNTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như trong đổi mới sáng tạo. Bộ đề nghị giải thưởng Sao Khuê các năm tiếp theo sẽ tiếp tục đồng hành cùng đất nước để hoàn thành các mục tiêu và sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước giao. Bộ TT&TT cũng mong muốn giải thưởng không chỉ gói gọn trong lĩnh vực CNTT mà sẽ vươn rộng tầm ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp công nghệ ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế đảm bảo hiện thực hóa tầm nhìn quốc gia 2045”, Thứ trưởng bày tỏ.
Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình kêu gọi các doanh nghiệp phần mềm, CNTT “Tiên phong, xung kích chuyển đổi số”, nhanh chóng nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để rút ngắn khoảng cách, đột phá về doanh thu và tăng trưởng. |
Đại diện Ban tổ chức Sao Khuê 2019 nêu rõ, bên cạnh việc đánh giá, bình chọn và công nhận danh hiệu Sao Khuê 2019 cho các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp CNTT xuất sắc, một thông điệp mà Ban tổ chức muốn truyền tải mạnh mẽ đến cộng đồng doanh nghiệp ICT Việt Nam chính là tinh thần “Xung kích Chuyển đổi số”.
Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đã bắt đầu diễn ra, đặc biệt trong một số ngành như Tài chính, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Du lịch… Chính phủ Việt Nam và chính quyền các cấp đang có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về tư duy, hành động xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử được thành lập do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Chủ tịch. Hơn 30 thành phố tại Việt Nam đang định hướng xây dựng Smart City với các nền tảng công nghệ mới…
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp CNTT – Truyền thông cần có sự tập trung cao hơn nữa trong việc đầu tư, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm phục vụ quá trình Chuyển đổi số, từ đó lan tỏa đến các lĩnh vực, các ngành kinh tế chủ chốt… tạo động lực mạnh mẽ đưa Việt Nam tiến nhanh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình, Trưởng Ban tổ chức chương trình Danh hiệu Sao Khuê cho hay, Chính phủ Việt Nam đang gấp rút xây dựng Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, dự kiến sẽ công bố vào tháng 8/2019. Chuyển đổi số quốc gia là chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế, chuyển đổi toàn bộ doanh nghiệp, chuyển đổi toàn bộ xã hội sang xã hội số nhằm mục tiêu tăng năng suất lao động, thay đổi toàn diện cơ cấu việc làm, tạo ra động lực tăng trưởng vượt bậc cho đất nước.
“Với sứ mệnh tiên phong, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phần mềm, CNTT Việt Nam phải nỗ lực sáng tạo hết mình, tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao theo những xu hướng công nghệ mới như AI, Robotics, tự động hóa, in 3D, IoT, Big Data… đóng góp tích cực vào chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Tôi kêu gọi các doanh nghiệp phần mềm, CNTT “Tiên phong, xung kích chuyển đổi số”, nhanh chóng nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để rút ngắn khoảng cách, đột phá về doanh thu và tăng trưởng”, ông Bình chia sẻ.