Sự lo lắng về tác động của dịch viêm phổi Vũ Hán tới các nhà máy vừa và nhỏ tại Trung Quốc đang lớn dần lên, nếu tình hình dịch bệnh tại ‘quốc gia tỷ dân’ không sớm được khống chế. Nhất là trong vấn đề thâm hụt người lao động, khi nhiều chính quyền địa phương đã ra lệnh hạn chế tụ tập đông người trong nỗ lực nhằm khống chế bệnh dịch.

Và nếu dịch viêm phổi không được kiểm soát trong mấy tháng tới, khi có rất nhiều khách nước ngoài đặt hàng, thì rất có thể một số doanh nghiệp sẽ buộc phải mở rộng các cơ sở sản xuất ở bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, nhất là tại vùng Đông Nam Á.

“Nhiều khách hàng nước ngoài nhất định sẽ chờ đợi và xem xét tình hình bệnh dịch ra sao, và có thể họ sẽ mua hàng tại nhiều quốc gia khác, thay vì đặt hàng tại Trung Quốc”, ông Tom Wang, chủ một nhà máy sản xuất giày dép tại thành phố Đông Hoản, Quảng Đông nói.

{keywords}
Dịch corona khiến nhiều doanh nghiệp, nhà hàng, trung tâm thương mại thất thu. Ảnh: AP

SCMP cho biết, nhiều cửa hàng, quán ăn cùng các doanh nghiệp tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc chịu thiệt hại nặng nề từ các chính sách kiểm soát dịch bệnh do chính phủ ban hành, và đa số các doanh nghiệp này chỉ có thể cầm cự được khoảng 2-3 tháng trước khi họ buộc phải đóng cửa.

Việc virus corona đã khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng chục ngàn người khác nhiễm bệnh tại ‘quốc gia tỷ dân’, đã buộc các cơ quan chức năng nước này phải ra lệnh đóng cửa nhiều nhà máy, khu mua sắm, các tour du lịch cũng như hạn chế việc đi lại. Thậm chí nhiều địa phương tại Trung Quốc buộc phải kéo dài đợt nghỉ Tết, khi có lệnh bắt buộc các xí nghiệp không được mở cửa hoạt động cho tới ngày 10/2.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ tại tỉnh Quảng Đông, một trong những trung tâm công nghiệp lớn tại Trung Quốc, vốn đã phải vật lộn với vấn đề chi phí tăng cao và tác động tiêu cực từ thương chiến Mỹ-Trung, hiện đang chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc suy thoái nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục xấu đi.

“Số lượng công nhân quay lại làm việc ở các nhà máy thuộc thành phố Đông Hoản nhất định sẽ chịu ảnh hưởng trong vài tháng tới, cả về hoạt động vận chuyển lẫn chuỗi cung ứng. Trong quý 1/2020, việc các đơn hàng giảm sút chắc chắn sẽ xảy ra, và hầu hết các doanh nghiệp trong thành phố sẽ thiếu đội ngũ lao động. Chúng tôi rất sợ dịch bệnh bùng phát tại xí nghiệp của mình, nên chúng tôi sẽ không dám nhận các đơn hàng lớn trong quý 1”, ông Wang nói thêm.

Người đứng đầu Viện Nghiên cứu và Quan sát đương đại Liu Kaiming cho biết, viện này đã theo dõi tình hình lao động sản xuất của hàng trăm nhà máy trên khắp Trung Quốc. Và ông này nhận định, chính sự không chắc chắn được tạo ra bởi virus corona có thể sẽ là ‘đòn chí mạng’ với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc.

“Nếu dịch bệnh được kiểm soát vào cuối tháng Hai, thì tác động tới ngành công nghiệp sản xuất sẽ có thể kiểm soát được. Nếu tới đầu tháng Ba mà tình hình dịch bệnh vẫn không được kiểm soát, thì các khách hàng nước ngoài sẽ đặt đơn hàng tại nhiều quốc gia khác. Và nếu tình hình không dịu đi trong tháng Ba, thì chuỗi cung ứng hàng hóa của ‘công xưởng thế giới’ sẽ có thể rơi xuống ‘vực thẳm’”, ông Li nhận định.

{keywords}
Dịch bệnh khiến Vũ Hán, một trong những trung tâm công nghiệp chính của TQ điêu đứng. Ảnh: AP

Anh Jason Liang, chủ một doanh nghiệp xuất khẩu bóng đèn LED tại Quảng Đông cho biết, công ty anh đã chuyển một số dây chuyền sản xuất ra nước ngoài và nhiều doanh nghiệp khác cũng sẽ sớm theo chân họ.

“Các thiết bị đèn LED là các sản phẩm dùng quanh năm, và gần như tất cả các đơn hàng xuất khẩu của chúng tôi đã hoàn tất và được gửi đi. Đặc biệt, chúng tôi đã may mắn khi đầu tư một xưởng sản xuất tại Thái Lan vào năm ngoái, và nơi này đã bắt đầu đi vào hoạt động hồi tháng Một vừa qua. Tôi nghĩ dịch bệnh bùng phát đã thúc đẩy quá trình di dời việc sản xuất ra nước ngoài”, anh Liang nói.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Tái cơ cấu Hệ thống tỉnh Quảng Đông Peng Peng cho rằng, chính quyền địa phương nên hành động để giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ.

“Việc cộng đồng quốc tế phản ứng với dịch viêm phổi corona thiên về mặt tâm lý. Nhiều khách hàng nước ngoài không thể phân biệt được giữa hàng hóa được sản xuất tại Vũ Hán, trung tâm dịch bệnh, và hàng sản xuất tại các vùng khác ở Trung Quốc, nên về ngắn hạn tất cả các đơn hàng xuất khẩu của Trung Quốc bị hoãn hoặc hủy bỏ”, ông Peng nói.

Không chỉ ngành sản xuất, ngành dịch vụ cũng chịu ảnh hưởng. Một trong những chuỗi nhà hàng lớn nhất Trung Quốc, Xibei không thể hoạt động vì dịch bệnh bùng phát. Chủ tịch Jia Guolong của Xibei cho biết, hiện chuỗi nhà hàng này sở hữu 400 nhà hàng và 20.000 nhân viên tại 60 thành phố trên khắp Trung Quốc, và hiện gần như tất cả các nhà hàng này đang phải đóng cửa.

“Chúng tôi phải bỏ ra khoảng 22,3 triệu USD (khoảng 512 tỷ VND) mỗi tháng để trả lương cho tất cả các nhân viên. Nguồn tiền của chúng tôi chỉ có thể cầm cự trong ba tháng. Và nếu tình hình như vậy tiếp tục kéo dài tới tháng Tư, thì chúng tôi không còn cách nào khác ngoài việc cắt giảm nhân sự”, ông Jia nói.

Tuấn Trần