18 triệu người dùng bị ảnh hưởng vì cuộc gọi rác

Thời gian qua, tình trạng cuộc gọi quấy rối người dùng (cuộc gọi rác), gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt hàng ngày của người dân có chiều hướng ngày càng gia tăng.

Theo thống kê sơ bộ của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), chỉ tính riêng trong tháng 3/2020, hệ thống phát hiện cuộc gọi rác đã tìm ra khoảng 49 triệu cuộc gọi nghi ngờ là cuộc gọi rác. Các cuộc gọi này phát sinh từ hơn 26.700 số điện thoại, gây ảnh hưởng đến khoảng 18 triệu khách hàng.

{keywords}
Các cuộc gọi rác đang xuất hiện với tần suất ngày một dày đặc. 

Căn cứ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cuộc gọi rác được hiểu là cuộc gọi từ số điện thoại di động, cố định trong nước và quốc tế với nội dung quảng cáo, rao bán sản phẩm, dịch vụ mà người nhận không mong muốn. 

Cuộc gọi rác cũng dùng để chỉ các cuộc gọi có nội dung, mục đích lừa đảo, quấy rối, vi phạm các nội dung bị cấm theo quy định của pháp luật.

Cuộc gọi rác tập trung nhiều nhất vào các dịch vụ như rao bán nhà đất, căn hộ, condotel, mời mua bảo hiểm, các dịch vụ tài chính, học tiếng Anh… Đặc biệt, đã xuất hiện hình thức gọi quảng cáo tự động được ghi âm sẵn (Robocall). 

Thực trạng này khiến việc quản lý, kiểm soát cuộc gọi rác đang ngày càng trở nên khó khăn, phức tạp. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp có liên quan đang tìm cách để giải quyết dứt điểm tình trạng này. 

Xử lý cuộc gọi rác từ 1/7

Mới đây, Cục Viễn thông đã ra văn bản gửi các nhà mạng về việc thực hiện ngăn chặn cuộc gọi rác. Trong văn bản này, Cục đã thống nhất với các nhà mạng về cách hiểu thế nào là cuộc gọi rác. Bên cạnh đó, Cục đã chỉ rõ trách nhiệm của nhà mạng đối với việc ngăn chặn hành vi phát tán cuộc gọi rác, bảo vệ người tiêu dùng.

Trong trường hợp không thực hiện ngăn chặn cuộc gọi rác, nhà mạng có thể bị xem xét xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 66 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

{keywords}
Nhà mạng sẽ chặn cuộc gọi rác từ 1/7.

Tại cuộc họp ngày 12/6/2020, các nhà mạng đã nhất trí sẽ ngăn chặn cuộc gọi rác bằng cách triển khai các biện pháp kỹ thuật. Việc chặn lọc cuộc gọi rác sẽ căn cứ theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Theo đó, các nhà mạng sẽ áp dụng thuật toán dự đoán trên hạ tầng dữ liệu lớn (Big Data) và công nghệ học máy đối với tất cả các cuộc gọi nội và ngoại mạng. 

Từ dữ liệu về hành vi, đặc điểm cuộc gọi (không bao gồm các thông tin riêng tư) và ý kiến phản hồi của người dùng, nhà mạng sẽ xác định đâu là hành vi phát tán cuộc gọi rác.  

Cụ thể, Viettel sẽ bắt đầu triển khai các biện pháp kỹ thuật để chặn cuộc gọi rác kể từ ngày 1/7/2020. Với VinaPhone và MobiFone, 2 nhà mạng này sẽ bắt đầu chặn cuộc gọi rác trước thời điểm ngày 1/8. 

Với các nhà mạng còn lại như Vietnamobile, Gtel, Đông Dương Telecom, Hà Nội Telecom,... việc chặn cuộc gọi rác sẽ được triển khai trước ngày 1/10/2020.

Việc chặn lọc cuộc gọi rác sẽ dựa trên 5 tiêu chí, bao gồm: số lượng cuộc gọi bất thường, tần suất cuộc gọi, khoảng cách giữa các cuộc gọi, độ dài cuộc gọi và phản hồi của người dùng di động đối với cuộc gọi nghi ngờ là cuộc gọi rác. 

Trong trường hợp bị xác định là cuộc gọi rác, thuê bao thực hiện hành vi phát tán cuộc gọi sẽ bị xử lý bằng cách khóa chiều gọi đi đối với thuê bao nội mạng và khóa chiều gọi đến đối với thuê bao liên mạng.

Cục Viễn thông sẽ công bố định kỳ kết quả ngăn chặn cuộc gọi rác của các nhà mạng. Đây sẽ là thông tin tham khảo để người dân có thể đánh giá hiệu quả ngăn chặn cuộc gọi rác của từng doanh nghiệp, từ đó đưa ra sự lựa chọn nhà mạng cho mình. 

Người dùng phải làm gì để chặn cuộc gọi rác?

Theo đại diện Cục Viễn thông, để việc chặn cuộc gọi rác có hiệu quả, nhà mạng rất cần đến sự phối hợp của người dùng. Điều này được thực hiện thông qua việc trả lời câu hỏi nhằm xác định đâu là cuộc gọi rác. 

Cụ thể, sau mỗi cuộc gọi từ số thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác, nhà mạng sẽ gửi đi 1 câu hỏi dưới dạng tin nhắn USSD. Câu hỏi có nội dung nhờ người dùng xác định cuộc gọi vừa đến liệu có chứa nội dung quảng cáo hoặc làm phiền tới họ. 

{keywords}
Người dùng sẽ nhận được câu hỏi từ nhà mạng để xác minh cuộc gọi nghi ngờ là cuộc gọi rác. 

Đây là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng để nhà mạng xác định chính xác 1 thuê bao có phải là nguồn phát tán cuộc gọi rác hay không. Việc cung cấp thông tin trên cũng sẽ giúp hệ thống chặn lọc tự động của nhà mạng hoạt động ngày càng chuẩn xác.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ người dùng phản hồi các nội dung này thường ở mức thấp. Do vậy, để việc chặn cuộc gọi rác có hiệu quả, người dùng nên hỗ trợ nhà mạng thông qua việc phản hồi ý kiến của mình sau mỗi cuộc gọi từ "số lạ".

Trọng Đạt 

Lý do khó chặn cuộc gọi rác 'dội bom' người dùng

Lý do khó chặn cuộc gọi rác 'dội bom' người dùng

Tưởng chừng như việc xử lý các cuộc gọi rác, các cuộc gọi tự động khá dễ dàng nhưng thực tế "cuộc chiến" này mới chỉ bắt đầu.