Dồn dập ghi kỷ lục

Đóng cửa phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ ghi nhận phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp và đồng loạt lên mức cao kỷ lục mới bất chấp dịch bệnh viêm phối cấp do virus corona lan rộng và đe dọa nền kinh tế Trung Quốc.

Chỉ số chứng khoán tầm rộng S&P 500 tăng 1,1% lên mức cao kỷ lục mới: 3.334 điểm, cao hơn mức trước khi dịch bệnh do virus corona xuát hiện. Hàng loạt các cổ phiếu ngành y tế, năng lượng và tài chính của Mỹ tăng vọt.

Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng lập kỷ lục phiên thứ 2 liên tiếp với mức: 9.508,68 điểm. Chỉ số công nghệ Dow Jones tăng vọt hơn 483 điểm lên 29.290,85 điểm với cổ phiếu UnitedHealth và IBM đều tăng trên 4%.

Như vậy, các chỉ số chứng khoán của Mỹ đã tăng vọt trong 3 phiên liên tiếp và xóa sạch những lo ngại về virus corona với phiên sụt giảm đầu tiên tháng 2.

{keywords}
Chỉ số công nghệ Nasdaq Mỹ 1 năm qua.

Sự bứt phá của chứng khoán Mỹ diễn ra trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump đêm qua được tuyên bố vô tội ở cả 2 cáo buộc của Đảng Dân chủ: ''lạm quyền'' và ''cản trở quốc hội trong cuộc điều tra'', chấm dứt một phiên tòa hiếm có trong lịch sử nước Mỹ.

Chỉ có 48 thượng nghị sĩ cho rằng ông Trump lạm quyền và 47 thượng nghị sĩ cho rằng ông Trump cản trở quốc hội trong tổng cộng 100 nghị sĩ, thấp hơn khá nhiều so với con số 67 phiếu cần có tại Thượng Nghị viện Mỹ để phế truất ông Trump.

Chứng khoán Mỹ tăng còn do trước đó Trung Quốc đã dồn dập bơm 1.700 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 240 tỷ USD) trong hai ngày 3-4/2 vào thị trường thông qua các hợp đồng repo đảo ngược để kích thích kinh tế.

Tại châu Á, các thị trường chứng khoán tăng điểm. Chứng khoán Nhật, Hàn Quốc, Úc tăng mạnh sau cú bứt phá của chứng khoán Mỹ đêm qua. Theo CNBC, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,43% ngay đầu phiên giao dịch 6/2, Topix tăng 1,35% còn Kospi của Hàn Quốc tăng 109%.

Thị trường vàng cũng ổn định trở lại, không còn tăng vọt hay tụt sâu thêm nữa. Giá vàng đang xoay quanh ngưỡng 1.550 USD/ounce, so với đỉnh cao 1.620 USD/ounce ghi nhận trong tuần trước đó.

Đồng USD trong khi đó tăng lên sau khi có thêm tín hiệu tích cực về nền kinh tế Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ vẫn bứt phá bất chấp dịch bênh do virus Corona vẫn lan rộng và chưa được kiểm soát tại Trung Quốc.

 

{keywords}
Donald Trump vô tội, ghi kỷ lục chưa từng có, toàn cầu sôi sục

Trung Quốc gặp khó, kinh tế Mỹ diễn biến tích cực

Dịch bệnh vẫn đang lan rộng tại Trung Quốc và trên thế giới. Hàng loạt các dự báo cho thấy nền kinh tế Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán. Tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ tụt giảm xuống dưới mức 5%, thậm chí 4% trong quý 1 sau khi ghi nhận tốc độ tăng thấp nhất trong vòng 30% năm trong 2019, ở mức 6,1%.

Theo các chuyên gia trên Bloomberg, quy mô kinh tế Trung Quốc hiện đã lớn hơn rất nhiều so với dịch SARS năm 2003. Do vậy, Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó, nền kinh tế thế giới cũng phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc và có thể bị tác động nhiều hơn so với dịch bệnh năm 2003. Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản đều chịu tác động tiêu cực trong quý 1 vì virus Corona.

Theo Goldman Sachs (Mỹ), GDP toàn cầu sẽ giảm mức tăng trưởng ít nhất 0,1 - 0,2% trong năm 2020 và kịch bản nghiêm trọng hơn là giảm 0,3% nếu dịch bênh chưa đạt đỉnh trong quý 1. Tăng trưởng 2020 có thể là 3,25%, so với 3,1% trong 2019.

Ngay khi lên cầm quyền, ông Trump đã có những chính sách giảm thuế trong nước mạnh mẽ để hút dòng tiền đầu tư của Mỹ trên khắp thế giới (trong đó một lượng lớn tại Trung Quốc) về Mỹ, cũng như giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tại nước này.Tuy nhiên, những diễn biến trên TTCK Mỹ cho thấy, giới đầu tư đánh giá nền kinh tế lớn số 1 trên thế giới không chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch cúm Vũ Hán, không phải chỉ do nước Mỹ xa cách về mặt địa lý so với Trung Quốc mà còn do chính quyền ông Donald Trump đã có những thay đổi lớn trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Trong một báo cáo mới nhất - báo cáo việc làm quốc gia ADP trong tháng 1 cho thấy có 291.000 việc làm mới được tạo ra trong, cao hơn nhiều so với kỳ vọng tăng 150.000 việc làm. Đây là báo cáo trước cho báo cáo việc làm quan trọng hơn từ Bộ Lao động sẽ công bố vào cuối tuần.

{keywords}
Nền kinh tế Mỹ mạnh trở lại.

Trong Thông điệp liên bang lần thứ 3 hôm 5/2, ông Trump cũng đã nhấn mạnh về tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 50 năm, với 3,5 triệu người trong độ tuổi lao động tham gia vào lực lượng lao động trong vòng 3 năm. Tiền lương của công nhân đã tăng 16%...

{keywords}
 

Trên thực tế, dịch bệnh vẫn dang lan rộng và là gánh nặng cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay. Nó ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng, gây áp lực lên giá tài sản. Đây là một phép thử đối với nền kinh tế toàn cầu, đối với nền kinh tế Trung Quốc với vai trò là thị trường tiêu thụ lớn của thế giới và khả năng vươn lên của Mỹ. Tất cả vẫn còn phụ thuộc nhiều vào tính hiệu quả trong công tác khống chế tại Trung Quốc và các nước.

Dù vậy, cũng đã có thêm những tín hiệu tích cực. Giới đầu tư kỳ vọng trước những bước tiến trong một số báo cáo về việc phát triển các loại thuốc và vaccine chống loại viruco nCoV. Mỹ được cho là đang thử nghiệm vaccine trên người, trong khi một bản tin của truyền hình Trung Quốc cho biết một đội nghiên cứu ở Đại học Chiết Giang (Zhejiang University) đã tìm thấy một loại hợp thuốc có tên Abidol và Darunavir hiệu quả đối với virus Corona. Còn theo Sky News, các nhà nghiên cứu Anh đã có bước tiến trong việc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm một loại vaccine cho virus nCoV. Trong khi Nhật và Hàn Quốc đều đã phân tách thành công nCoV để các nhà khoa học sớm phát triển vaccine và thuốc điều trị.

Lịch sử cho thấy, bất cứ khi nào có đại dịch hoặc virus đe dọa thế giới, các thị trường chứng khoán sẽ lập đáy. Nhưng tín hiệu lần này dường như khả quan hơn, nhờ những biện pháp tích cực từ các nước.

M. Hà