Trong bài viết trên báo Nikkei Asia, Richard McGregor, thành viên cấp cao của Viện Lowy ở Sydney (Australia) cho rằng đối với Trung Quốc, nội các sắp tới của ông Biden ủng hộ quan điểm của chính quyền Donald Trump.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại Bộ Ngoại giao ngày 27/1. Ảnh: Reuters |
Tác giả chỉ ra rằng, Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan chưa có phát biểu nào lặp lại giọng điệu của những người đồng cấp của chính quyền tiền nhiệm nhưng xu hướng cho thấy rất rõ rằng Bắc Kinh sẽ chứng kiến sự tiếp nối chính sách về Trung Quốc từ Washington.
Có nhiều lý do giải thích cho điều này, đặc biệt là thực tế Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đã trở nên hùng mạnh và quyết đoán hơn về kinh tế và quân sự trong những năm gần đây. Có một yếu tố khác nữa khiến chính quyền Biden quyết tâm theo đuổi chính sách về Trung Quốc, đó là cái bóng của Nhà Trắng thời Tổng thống Barack Obama.
Sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc đã phục hồi mạnh mẽ trở lại. Những biến động ở Washington trong quá trình chuyển giao từ chính quyền Trump sang chính quyền Biden càng xác nhận quan điểm của nhiều người ở Bắc Kinh - rằng hệ thống của Trung Quốc hoạt động hiệu quả còn mô hình của Mỹ thì bị phá vỡ. Họ cho rằng một hệ thống thì đem lại sự ổn định, còn hệ thống kia gây ra hỗn loạn, bạo lực và bất ổn.
"Sự trỗi dậy của Trung Quốc cho đến nay là hòa bình, nhưng liệu sự suy giảm của Mỹ có hòa bình không?", Đại tá Zhou Bo thuộc Học viện Khoa học Quân sự của quân đội Trung Quốc đặt câu hỏi trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) số ra cuối tháng 1. Ẩn chứa trong câu hỏi này là khái niệm rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là không thể tránh khỏi và sẽ diễn ra bên cạnh sự suy tàn của Mỹ, theo tác giả Richard McGregor.
Gia nhập chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden có nhiều nhân vật từng đầu quân cho chính quyền Obama. Danh sách này bao gồm các gương mặt chủ chốt như ông Blinken, ông Sullivan và điều phối viên sắp tới về chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Kurt Campbell, cùng người sẽ phụ trách chính sách Trung Quốc tại Lầu Năm Góc Ely Ratner.
Chính quyền Obama bị chỉ trích vì không thừa nhận tầm rộng lớn của tham vọng chiến lược của Trung Quốc. Lúc đầu ông Obama miễn cưỡng cứng rắn với Trung Quốc có thể là vì ông muốn thể hiện sự khác biệt với người tiền nhiệm George W. Bush - người chủ trương đưa Mỹ vào "các cuộc chiến mãi mãi" ở Iraq và Afghanistan.
Khi lên nắm quyền, Tổng thống Obama đã thừa hưởng những hệ luỵ của một cuộc khủng hoảng tài chính tàn khốc và dành phần lớn thời gian trong năm đầu tại nhiệm để thuyết phục quốc hội về các biện pháp phục hồi tăng trưởng. Chính quyền đã "xoay trục" sang châu Á - một chính sách giành được hoan nghênh cao độ. Nhưng trên thực tế, chủ trương này đã mất đà.
Giờ đây, chính quyền của Tổng thống Biden đang đối mặt với thách thức tương tự như thời Obama ở trong nước, đó là vực dậy nền kinh tế vốn đang chao đảo vì đại dịch Covid-19. Nhưng rõ ràng ông Biden cũng muốn nhanh chóng thực hiện chính sách đối ngoại.
Các thành viên trong chính quyền mới của Mỹ đều thấy rõ ông Trump rất cứng rắn với Trung Quốc và nhờ thế đã đạt được đòn bẩy trước Bắc Kinh. Và tuyên bố hôm 23/1 của Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ rất quan trọng trong việc đặt dấu ấn về một vấn đề mà có thể sẽ định hình các mối quan hệ song phương, theo tác giả Richard McGregor.
Thanh Hảo
Ông Dương Khiết Trì lên tiếng về quan hệ Mỹ-Trung
Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì vừa kêu gọi xây dựng các mối quan hệ gắn bó hơn với Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden, và yêu cầu Washington tôn trọng quan điểm của Bắc Kinh.
Lý do cuộc thương chiến với Trung Quốc của ông Trump thất bại
Tổng thống Mỹ Joe Biden có cơ hội rút ra bài học từ những sai lầm trước đó với Bắc Kinh và tạo dựng một chính sách tốt hơn.