Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Donald Trump đã mở rộng quan hệ của Washington với Bình Nhưỡng. Ban đầu, ông dọa "phá hủy hoàn toàn" quốc gia châu Á, nhưng sau đó lại là tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên gặp gỡ một nhà lãnh đạo Triều Tiên. 

{keywords}
 Tổng thống Donad Trump và Chủ tịch Kim Jong Un đã gặp nhau trực tiếp ba lần và thường gửi thư cho nhau. Ảnh: Reuters

Joe Biden, đối thủ của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11 tới, cam kết một chính sách mang tính truyền thống hơn. Tỏ tín hiệu sẽ theo đuổi một mối quan hệ đối lập hướng tới Kim Jong Un, chính trị gia đảng Dân chủ tuyên bố sẽ tăng cường cấm vận Triều Tiên và hợp tác với các đồng minh cũng như với Trung Quốc để gây sức ép với Bình Nhưỡng.

Kiên nhẫn chiến lược lần nữa?

VOA News dẫn lời nhiều chuyên gia cho biết họ đã từng nghe ông Biden nói lên quan điểm về Triều Tiên trước kia. Khi còn là Phó tổng thống, ông đã giúp giám sát chính sách "kiên nhẫn chiến lược" của Tổng thống Barack Obama. Mục đích là để gây áp lực cả về kinh tế lẫn quân sự nhằm vào Triều Tiên cho đến khi nào nước này sẵn sàng đàm phán.

Biden không sử dụng cụm từ "kiên nhẫn chiến lược" để miêu tả các kế hoạch của ông. Tuy nhiên, nếu không có hành động nào "đưa Triều Tiên trở lại đàm phán", chính quyền của ông rất có thể sẽ dùng chính sách kiểu "kiên nhẫn chiến lược mặc định", VOA News dẫn lời Jenny Town, một chuyên gia về Triều Tiên thuộc nhóm nghiên cứu Trung tâm Stimson ở Washington D.C.

Giới quan sát cho rằng, những phát biểu tranh cử của Joe Biden cho thấy ông không quan tâm chuyện sẽ sớm gặp gỡ Chủ tịch Kim Jong Un. Bản thân chính trị gia này khẳng định ông sẽ không tiếp nối chính sách ngoại giao cá nhân của Tổng thống Trump với Chủ tịch Kim, lập luận rằng làm như vậy là quá đề cao nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Thay vào đó, Biden cam kết sẽ trao nhiều quyền hơn cho các nhà đàm phán làm việc về Triều Tiên và cho rằng tương tác ngoại giao lúc đầu có thể diễn ra ở các cấp độ thấp hơn.

Thành công hạn chế của chính quyền Trump

Tổng thống Donad Trump và Chủ tịch Kim Jong Un đã gặp nhau ba lần, trong đó có cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore tháng 6/2018. Tại sự kiện này, hai bên ký kết một thỏa thuận chung cùng làm việc hướng tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán cấp làm việc bị trì hoãn và Triều Tiên đã rút lui.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều còn tiếp tục trao đổi thư từ cá nhân, kể cả sau khi Bình Nhưỡng tái khởi động các vụ thử tên lửa tầm ngắn trong năm 2019. Tổng thống Trump cho rằng, Triều Tiên không thử tên lửa tầm xa và cũng không thử hạt nhân vì quan hệ của ông với lãnh đạo Kim Jong Un.

Tuy nhiên, tình bạn của hai người không ngăn được Triều Tiên âm thầm phát triển vũ khí hạt nhân. Bình Nhưỡng ước tính có khoảng 60 quả bom hạt nhân và đang tiếp tục sản xuất thêm mỗi năm.

Tổng thống Trump tuyên bố có thể đạt tiến bộ về Triều Tiên trong nhiệm kỳ 2. Mới đây, ông quả quyết mình sẽ "rất nhanh chóng" đạt được một thỏa thuận với Bình Nhưỡng nếu được bầu lại. Nhưng giới phân tích cảnh báo chính sách Triều Tiên của ông Trump nhiều khả năng sẽ tiếp tục theo hướng khó đoán định.

Một chính sách mới sẽ thế nào?

Không có một đảm bảo nào rằng quay trở lại với sự kiên nhẫn chiến lược thời Obama sẽ mang lại kết quả.

"Kiên nhẫn chiến lược không tỏ ra hiệu quả trong việc ngăn chặn, thậm chí làm chậm tiến bộ của Triều Tiên trong phát triển hạt nhân hoặc ICBM", Bong Young-shik, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Yonsei của Seoul, đánh giá. Từ năm 2009 đến 2016, Triều Tiên đã tiến hành 4 vụ thử hạt nhân. Nước này cũng đạt tiến bộ về chương trình tên lửa đạn đạo. Năm 2017, chính quyền Kim Jong Un tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân nữa.

"Đã đến lúc bạn phải xử lý vấn đề theo đúng bản chất của nó", ông Bong Young-shik bình luận.

Một quan chức cấp cao của Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc) nhận định với VOA News rằng một sự quay trở lại với "kiên nhẫn chiến lược" không ích gì, bởi Bình Nhưỡng đã có trong tay những vũ khí hạt nhân mà nước này tìm kiếm từ lâu. Người này thậm chí đặt ra câu hỏi: "Kiên nhẫn chiến lược - chúng ta đang chờ đợi điều gì?".

Ngày càng nhiều các chuyên gia chính sách hạt nhân tin rằng Mỹ nên làm điều gì đó. Họ nói nước này nên đặt tầm quan trọng vào giảm bớt các vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và đảm bảo chúng không được sử dụng.

Triều Tiên sẽ làm gì?

Phần lớn mọi diễn biến có thể sẽ phụ thuộc vào cách thức Triều Tiên hành động.

Ngay đầu năm 2020, ông Kim Jong Un đã cảnh báo không còn cảm thấy bị giới hạn bởi lệnh dừng thử hạt nhân hoặc tên lửa tầm xa. Ông cũng tuyên bố sẽ sớm đưa ra một "vũ khí chiến lược" mới. Nhưng kể từ sau những bình luận đó, Triều Tiên phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có dịch Covid-19 và mưa lũ. Cấm vận quốc tế càng khiến kinh tế Triều Tiên khốn đốn hơn.

Tháng 7 vừa qua, Kim Yo Jong - người em quyền lực của ông Kim Jong Un - cho biết, đất nước bà "không có ý định đe dọa Mỹ... nếu họ không động đến chúng tôi và làm chúng tôi tổn thương". "Chúng tôi không nói chúng tôi sẽ không phi hạt nhân hóa. Nhưng chúng tôi không thể phi hạt nhân hóa lúc này", bà tuyên bố.

Thanh Hảo 

Kim Jong Un cảnh báo thẳng về kinh tế Triều Tiên

Kim Jong Un cảnh báo thẳng về kinh tế Triều Tiên

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un vừa đưa ra cảnh báo thẳng thừng về nền kinh tế nước này, giữa lúc có tin ông đã giao một số quyền hạn cho em gái ruột.

Ông Trump tuyên bố sẽ đạt thỏa thuận với Triều Tiên nếu tái cử

Ông Trump tuyên bố sẽ đạt thỏa thuận với Triều Tiên nếu tái cử

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, ông sẽ "rất nhanh chóng" đạt các thỏa thuận với Triều Tiên nếu tái đắc cử vào tháng 11 tới đây.