Bước đi này càng làm trầm trọng thêm các mối quan hệ giữa hai cường quốc vốn đã lao xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên qua.

{keywords}
Ảnh: CNN

Nhà báo Barbara Plett Usher của BBC chỉ ra các động cơ - và các hậu quả tiềm tàng - của tình trạng đối đầu căng thẳng này.

Leo thang tới mức nào?

Việc Mỹ đóng cửa một phái bộ ngoại giao nước ngoài đã từng xảy ra, nhưng quyết định mới là bước đi rất hiếm và quyết đoán, khó có thể rút lại. Đây là một tòa lãnh sự chứ không phải đại sứ quán nên không chịu trách nhiệm về chính sách, nhưng lại đóng một vai trò quan trọng trong khơi thông thương mại và sự tiếp cận.

Và ngay lập tức Bắc Kinh đã trả đũa bằng cách yêu cầu Mỹ phải đóng cửa lãnh sự quán ở Thành Đô, làm rạn vỡ thêm cơ sở hạ tầng ngoại giao trung chuyển liên lạc giữa hai nước.

Có lẽ đây là diễn biến quan trọng nhất trong tiến trình lao đáy của mối quan hệ Mỹ - Trung trong những tháng vừa qua, tiếp sau những hạn chế về thị thực, quy định mới về các chuyến đi ngoại giao và trục xuất phóng viên. Cả hai đã có những đòn ăn miếng trả miếng lẫn nhau, nhưng chủ yếu phía Mỹ "cầm lái" vòng xoáy đối đầu mới nhất này.

Tình hình thực tế ra sao?

Các quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Donald Trump mô tả lãnh sự quán ở Houston là một trong các nơi có dính dáng tới hoạt động gây ảnh hưởng và do thám kinh tế.

Một số phái bộ nước ngoài hoạt động gián điệp là điều có thể đoán được, nhưng giới chức Mỹ cho rằng hoạt động ở Texas diễn ra quá các giới hạn có thể chấp nhận, và họ muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng điều này sẽ không được dung thứ.

Quyết định hành động quyết đoán hơn nhằm chống lại Trung Quốc và "phá vỡ" các hoạt động của nước này được đưa ra cùng thời điểm với một bài phát biểu của Giám đốc FBI Christopher Wray. Ông nhấn mạnh mối đe dọa của Bắc Kinh đối với các lợi ích Mỹ tăng vọt trong thập niên vừa qua, và cứ 10 giờ đồng hồ là ông lại mở một cuộc điều tra phản gián mới liên quan đến Trung Quốc.

Bắc Kinh thường xuyên bác bỏ những cáo buộc như vậy, và trong vụ việc ở Houston, họ dùng cụm từ "vu khống thâm hiểm" lên án Mỹ.

Những người chỉ trích cách tiếp cận của chính quyền Trump tỏ ra hoài nghi về ý nghĩa của việc đóng cửa tòa lãnh sự và thời điểm hành động. Danny Russel, từng là quan chức hàng đầu về châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ thời Tổng thống Barack Obama, cho rằng ít nhất đó là một phần nỗ lực nhằm chuyển hướng dư luận khỏi những khó khăn về chính trị mà ông Trump đang phải đối mặt trước thềm cuộc bầu cử tháng 11.

Quyết định liên quan đến bầu cử?

Đúng và không phải vậy.

"Đúng", bởi vì ông Trump mãi gần đây mới công khai chiến dịch chống Trung Quốc mà các nhà chiến lược của ông cảm thấy sẽ tranh thủ được cử tri Mỹ. Nó dựa trên các điểm mà ông đã đề cập năm 2016 về việc phải cứng rắn với một Trung Quốc "đã xé toạc nước Mỹ".

Nhưng nó tăng thêm liều lượng cho những cáo buộc về cách thức Bắc Kinh xử lý đại dịch Covid-19, trong khi tín nhiệm dành cho ông Trump trong ứng phó với dịch bệnh sụt giảm. Thông điệp là Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về sự hỗn loạn Covid-19 ở Mỹ, chứ không phải ông.

"Không", bởi vì những người cứng rắn trong chính quyền như Ngoại trưởng Mike Pompeo đã có lúc bức xúc yêu cầu hành động cứng rắn hơn nhằm vào Bắc Kinh và đã dọn nền móng cho một cách tiếp cận như vậy. Tổng thống Trump do dự giữa lời khuyên này với khát vọng của chính ông muốn theo đuổi một thỏa thuận thương mại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Việc đóng cửa sứ quán cho thấy các nhân vật diều hâu chống Trung Quốc đang chiếm thế thượng phong, được tiếp sức bởi tâm trạng tức giận thực sự ở Washington về một loại virus đang gieo rắc tai ương khắp toàn cầu.

Thấy gì về quan hệ Mỹ - Trung?

Quan hệ giữa hai siêu cường thế giới hiện nay đang rất tồi tệ - ở điểm thấp nhất kể từ khi Tổng thống Richard Nixon tiến tới bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 1972. Và cả hai đều là nguồn cơn.

Xu hướng này diễn ra mạnh kể từ năm 2013. Mâu thuẫn giữa hai bên càng trở nên phức tạp bởi một thế giới quan ý thức hệ được truyền tải trong bài phát biểu về Trung Quốc của Ngoại trưởng Pompeo tuần vừa qua.

Trong những ngôn từ gợi tưởng đến Chiến tranh Lạnh, ông cáo buộc các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh tìm cách thống trị toàn cầu, và đóng khung cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc.

Nhiều người trong chính quyền Bắc Kinh tin rằng mục tiêu của Washington là ngăn Trung Quốc bắt kịp sức mạnh kinh tế của Mỹ. Họ đặc biệt tức giận trước quyết định cắt đứt tiếp cận với công nghệ viễn thông của nước này.

Nhưng một số người bày tỏ lo ngại về tình trạng liên tiếp ra đòn trừng phạt. Ngoại trưởng Vương Nghị mới đây kêu gọi Mỹ lùi khỏi bờ vực và tìm kiếm những lĩnh vực mà cả hai nước có thể hợp tác cùng nhau.

Mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ đi đến đâu?

Về ngắn hạn, trạng thái căng thẳng có thể đoán được sẽ tăng cao trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.

Trung Quốc dường như không muốn leo thang tình hình và giới phân tích cũng cho rằng, Tổng thống Trump không muốn đối đầu đến mức trầm trọng, càng chắc chắn không muốn một cuộc đối đầu quân sự.

Tuy nhiên Danny Russel, hiện là Phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á, cảnh báo về một cuộc xung đột ngoài ý muốn. "Vùng đệm chặn giữa quan hệ Trung - Mỹ, giả định mục tiêu là để xuống thang căng thẳng và giải quyết vấn đề... đã bị tước bỏ", ông nói.

Về dài hạn sẽ phụ thuộc vào ai giành chiến thắng vào tháng 11 tới. Nhưng kể cả ứng viên Dân chủ Joe Biden có khuynh hướng hồi sinh các con đường hợp tác thì ông cũng đang vận động tranh cử dựa trên thông điệp cứng rắn - với - Trung Quốc. Đây là một chủ đề quen thuộc phản ánh sự đồng thuận lưỡng đảng hiếm hoi vượt xa quyền hạn của người giành được Nhà Trắng.

Jim Carafano, một chuyên gia về an ninh quốc gia tại tổ chức tư vấn The Heritage Foundation, cho rằng thách thức hành vi của Trung Quốc là con đường dẫn đến sự ổn định, chứ không phải leo thang căng thẳng. "Trước đây, chúng ta chưa làm rõ Trung Quốc vi phạm lợi ích của chúng ta ở những đâu và họ được đà hành động", ông Carafano bình luận với BBC.

Nhưng William Cohen, một chính trị gia Cộng hòa từng làm Bộ trưởng Quốc phòng thời Tổng thống Bill Clinton, nhận định các hoạt động mở rộng quân sự, kinh tế và công nghệ của Bắc Kinh đã khiến Mỹ buộc phải thốt lên "Chúng tôi không thể kinh doanh theo cách mình từng kinh doanh".

"Nhưng chúng ta vẫn cứ phải kinh doanh", Cohen nhấn mạnh.

Thanh Hảo

Chuyên gia Trung Quốc cảnh báo xung đột Mỹ-Trung trên Biển Đông

Chuyên gia Trung Quốc cảnh báo xung đột Mỹ-Trung trên Biển Đông

Biển Đông hiện là một trong những vấn đề căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Mới đây, Washington đã bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại khu vực này.

Trung Quốc sẽ đáp trả tới mức nào trước loạt đòn của Mỹ?

Trung Quốc sẽ đáp trả tới mức nào trước loạt đòn của Mỹ?

Sau yêu cầu của Mỹ đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, giới chức ở Bắc Kinh đang cố gắng hành động sao cho không gây tổn hại kinh tế và không để đất nước bị cô lập thêm.