Hôm 21/7, chính quyền Tổng thống Donald Trump yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, một bước đi làm trầm trọng thêm quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

{keywords}
Ảnh: NY Times

Washington quy trách nhiệm cho Bắc Kinh về sự lây lan của đại dịch Covid-19 và hạn chế số nhà báo Trung Quốc ở Mỹ. Lý do được đưa ra là để đáp lại những hạn chế khắt khe mà Trung Quốc áp đặt lên các nhà báo Mỹ hay vấn đề luật an ninh với Hong Kong...

Chính phủ Trung Quốc lập tức đáp trả, bác bỏ các cáo buộc về đại dịch, trục xuất một số nhà báo Mỹ và tăng sức ép lên những người còn ở lại. Bắc Kinh cũng ra đòn trừng phạt với các nhà lập pháp và ít nhất một công ty quốc phòng Mỹ.

Với viễn cảnh sẽ có thêm hành động từ Nhà Trắng, trong đó có khả năng cấm vận tài chính, và với việc Trung Quốc lại trở thành vấn đề then chốt trong chiến dịch tranh cử, vòng xoáy căng thẳng chắc chắn sẽ còn tiếp diễn.

Dưới đây là loạt diễn biến đang định hình mối quan hệ Mỹ - Trung, bắt đầu bằng mốc thời gian mới nhất mà hãng thông tấn NPR của Mỹ nêu ra:

Ngày 22/7: Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh thông báo Mỹ yêu cầu đóng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston vào ngày 24/7, và gọi đây là "sự leo thang chưa từng có tiền lệ".

Trong một tuyên bố, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus lý giải quyết định này là để "bảo vệ tài sản trí tuệ và thông tin bí mật của Mỹ".

Ngày 21/7: Bộ Tư pháp cáo buộc 2 "tin tặc" Trung Quốc nhắm đến nhiều công ty Mỹ đang nghiên cứu về Covid-19, trong những gì Washington mô tả là các nỗ lực kéo dài nhằm đánh cắp bí mật thương mại và tài sản trí tuệ Mỹ.

Ngày 20/7: Bộ Thương mại Mỹ cấm vận 11 công ty Trung Quốc.

Ngày 17/7: Các Bộ Ngoại giao và Tài chính Mỹ đưa 4 công dân và một công ty công nghệ sinh học Trung Quốc vào diện chịu đạo luật liên quan tới vấn đề ma túy, vì dính dáng đến các hoạt động buôn ma túy quốc tế.

Ngày 15/7: Mỹ áp đặt các hạn chế thị thực đối với nhân viên một số công ty công nghệ Trung Quốc, trong đó có hãng viễn thông Huawei.

Ngày 14/7: Tổng thống Trump ký Đạo luật Hong Kong, quy định các đòn trừng phạt nhằm vào các thực thể hoặc người nước ngoài góp phần làm xói mòn các quyền và tự do ở Hong Kong. Ông còn ký một sắc lệnh tước bỏ "vị thế đặc biệt" của Hong Kong trong quan hệ với Mỹ.

Ngày 14/7: Trung Quốc thông báo sẽ trừng phạt tập đoàn Lockheed Martin vì tham gia hợp đồng bán vũ khí mới nhất của Mỹ cho Đài Loan (Trung Quốc).

Ngày 13/7: Mỹ thông báo Trung Quốc không có cơ sở pháp lý cho hầu hết các yêu sách hàng hải ở Biển Đông.

Ngày 13/7: Trung Quốc áp cấm vận lên 4 nhà lập pháp Mỹ, trong đó có Thượng nghị sĩ Ted Cruz và Marco Rubio.

Ngày 9/7: Mỹ áp các giới hạn thị thực và tài sản lên một số quan chức Trung Quốc, trong đó có ông Chen Quanguo.

Ngày 7/7: Bộ Ngoại giao Mỹ áp đặt giới hạn thị thực đối với nhiều quan chức chính phủ Trung Quốc.

Ngày 30/6: Quốc hội Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia về Hong Kong.

Ngày 29/6: Washington thông báo chấm dứt xuất khẩu thiết bị quốc phòng có xuất xứ Mỹ tới Hong Kong. Những hạn chế tương tự sẽ được áp dụng với xuất khẩu công nghệ quốc phòng và sử dụng kép.

Ngày 22/6: Bộ Ngoại giao Mỹ định rõ hoạt động tại Mỹ của Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc, China News Service, Nhân dân Nhật báo và Hoàn cầu Thời báo là "các phái bộ nước ngoài". Những thực thể này phải tuân thủ các yêu cầu hành chính cũng áp dụng cho các đại sứ quán và lãnh sự quán nước ngoài ở Mỹ.

Ngày 15/5: Bộ Thương mại Mỹ ban hành quy định mới, có hiệu lực vào tháng 9, cấm Huawei và các nhà cung cấp sử dụng công nghệ cũng như phần mềm của Mỹ.

Ngà 13/5: FBI và Bộ An ninh Nội địa Mỹ cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách đánh cắp dữ liệu và tài sản trí tuệ Mỹ liên quan nghiên cứu Covid-19.

Ngày 30/4: Tổng thống Trump nói "có niềm tin cao độ" rằng virus corona có thể bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm virus ở Vũ Hán. Ông nói đã thấy bằng chứng nhưng từ chối nêu chi tiết.

Ngày 17/5: Trung Quốc thông báo sẽ trục xuất các nhà báo của Washington Post, New York Times và Wall Street Journal là các công dân Mỹ.

Ngày 12/3: Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên viết trên Twitter: "Có thể chính quân đội Mỹ đã đưa đại dịch đến Vũ Hán".

Ngày 2/3: Chính phủ Mỹ giới hạn ở con số 100 các công dân Trung Quốc được phép làm việc ở Mỹ cho các hãng thông tấn Trung Quốc, trong đó có Tân Hoa Xã, China Global Television Network, China Radio International, China Daily Distribution Corporation và Hai Tian Development.

Ngày 19/2: Trung Quốc trục xuất 3 phóng viên của Wall Street Journal.

Ngày 2/2: Mỹ thực thi các hạn chế đối với khách du lịch từ Trung Quốc, trong nỗ lực ngăn chặn virus corona lây lan.

Ngày 27/1: Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ khuyến cáo không du lịch tới Trung Quốc.

Ngày 23/1: Trung Quốc phong tỏa Vũ Hán cùng nhiều thành phố khác ở tỉnh Hồ Bắc.

Ngày 21/1: Mỹ ghi nhận ca nhiễm Covid-19 được biết đến đầu tiên ở bang Washington.

Ngày 15/1: Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1" nhằm chấm dứt cuộc thương chiến kéo dài gần 2 năm vốn gắn với nhiều đòn ăn miếng trả miếng về thuế.

Ngày 31/12: Trung Quốc thông báo với Tổ chức Y tế thế giới rằng, nước này đang điều tra đợt bùng phát bệnh viêm phổi do virus lạ gây ra ở thành phố Vũ Hán.

Thanh Hảo

Trung Quốc sẽ thẳng tay trả đũa Mỹ vụ đóng cửa lãnh sự quán

Trung Quốc sẽ thẳng tay trả đũa Mỹ vụ đóng cửa lãnh sự quán

Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu Hồ Tích Tiến cho biết, Bắc Kinh sẽ đáp trả việc lãnh sự quán nước này ở Houston bị đóng cửa với những động thái khiến Mỹ tổn thương nhiều hơn.

Vì đâu chiến tranh lạnh Mỹ - Trung ngày càng xoáy sâu?

Vì đâu chiến tranh lạnh Mỹ - Trung ngày càng xoáy sâu?

Mâu thuẫn giữa chính quyền hai nước Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng trở nên tồi tệ ở một loạt lĩnh vực, trong đó có quốc phòng, thương mại, công nghệ, truyền thông, ngoại giao.