Cách đây 2 tuần, Ngoại trưởng Vương Nghị yêu cầu Mỹ lùi xa bờ vực và tìm cách làm việc cùng nhau. Vài ngày sau, ông than phiền với người đồng cấp Nga rằng Mỹ "mất trí, mất đạo đức và uy tín", theo New York Times.

{keywords}
Một màn hình hiện hình ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hồi tháng 5. Ảnh: Reuters

Câu hỏi ở đây là Trung Quốc có thể làm được những gì về điều này?

New York Times chỉ ra rằng, trước cuộc tấn công của chính quyền Tổng thống Donald Trump trên nhiều mặt trận, Bắc Kinh có rất ít lựa chọn hành động để làm sao không phá vỡ hoàn toàn mối quan hệ giữa hai nước. Trong trường hợp xấu nhất xảy ra, Trung Quốc sẽ càng bị cô lập hơn, ở một thời điểm mà nước này cũng xung đột Ấn Độ, Anh, Canada, Australia cùng nhiều quốc gia khác. Nó cũng khiến nền kinh tế của cường quốc châu Á chịu thương tổn khi đang chật vật khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 và tình trạng suy giảm toàn cầu.

Chính quyền Tổng thống Trump hôm 21/7 yêu cầu Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán ở Houton trong thời hạn 72 giờ là hành động mới nhất chọc giận giới chức ở Bắc Kinh. Trong thời gian qua Bắc Kinh đã hứng chịu chiến dịch ngày càng quyết liệt tẩy chay công nghệ 5G, trừng phạt những quan chức giám sát Hong Kong và Tân Cương, và các cáo buộc Trung Quốc phái người của quân đội dùng vỏ bọc sang Mỹ đánh cắp các bí mật thương mại, quân sự và kể cả y học.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố ngày 23/7 rằng nước này sẽ ra đòn giáng trả. Ông mô tả những cáo buộc của Mỹ là "sự bôi nhọ thâm hiểm". Dư luận chống Mỹ bên trong Trung Quốc dâng cao và nhiều ý kiến thúc giục chính phủ hành động mạnh hơn nữa để "ăn miếng trả miếng", thậm chí đề nghị đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Hong Kong.

"Cứ để cho họ vã mồ hôi", New York Times dẫn lời Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), Tổng biên tập tờ Hoàn cầu Thời báo, viết về các nhà ngoại giao Mỹ ở đại sứ quán và 6 lãnh sự quán. Ông tuyên bố phái bộ ở Hong Kong "rõ ràng" là một trung tâm tình báo.

Vị này sau đó đề cập phản ứng gay gắt trước việc đóng cửa lãnh sự quán ở Houston, nơi một số người được nhìn thấy đang đốt tài liệu trong các thùng kim loại trong sân. "Mỗi một lãnh sự quán cần có một kế hoạch khẩn cấp, đóng gói hết hồ sơ và sẵn sàng đốt".

Nhưng ở hậu trường, các quan chức cấp cao của Trung Quốc dường như có rất ít mong muốn leo thang căng thẳng thêm nữa, lo ngại bất kỳ động thái nào cũng có thể có lợi cho Tổng thống Trump khi ông đẩy mạnh chiến dịch tái tranh cử. Một màn thể hiện mạnh mẽ với Trung Quốc càng khiến cho người Mỹ phân tán chú ý khỏi cách thức ông đối phó Covid-19 và giúp ông củng cố hình ảnh một nhà lãnh đạo đang bảo vệ đất nước mình trước một cường quốc bên ngoài.

"Đây là một chiến thuật điển hình, tìm cách phân tâm ra bên ngoài và huy động những người đứng sau tổng thống", New York Times dẫn lời Lau Siu-kai, một cố vấn cấp cao của Bắc Kinh về vấn đề Hong Kong.

Nhưng cùng lúc, Bắc Kinh không thể tỏ ra yếu ớt trước loạt hành động của Mỹ, lòng tự hào dân tộc dâng cao đòi hỏi các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đứng vững trước thách thức từ bên ngoài.

"Trung Quốc cần phải bảo vệ chủ quyền và danh dự của mình", Shen Dingli - một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Fudan ở Thượng Hải - nhấn mạnh.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin tuyên bố rõ ràng tại cuộc họp báo của bộ này ngày 23/7 rằng các nhà chức trách nhận thức sâu sắc về tình thế khó khăn của mình.

"Chúng tôi không quan tâm can thiệp vào bầu cử Mỹ; vì vậy chúng tôi hy vọng phía Mỹ cũng sẽ không chơi tấm thẻ Trung Quốc trong bầu cử", ông nói và cảnh báo chính quyền ông Trump: "Chúng tôi khuyên Mỹ không phạm sai lầm hết lần này đến lần khác, nếu không Trung Quốc chắc chắn sẽ có phản ứng cần thiết và hợp pháp".

Căng thẳng gia tăng với Mỹ cũng để lộ ra những chia rẽ ở Bắc Kinh, về cách thức phản ứng trước một cuộc đối đầu đang trở nên rộng khắp hơn và mạnh mẽ hơn so với những gì giới chức Trung Quốc nghĩ vài tuần trước. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo - khi có bài phát biểu ngày 23/7 tại Thư viện Tổng thống Richard Nixon ở California - thậm chí khẳng định chính quyền Trump sẽ kiên trì thách thức Trung Quốc trên toàn cầu.

Một bên của chia rẽ đó là các quan chức thuộc các cơ quan an ninh và quân đội Trung Quốc, không muốn một lập trường hòa giải mà có thể bị Mỹ hiểu là sự yếu kém, theo một số nguồn tin giấu tên liên quan giới hoạch định chính sách Trung Quốc.

Bên kia là các quan chức - chủ yếu muốn tập trung vào kinh tế - muốn tìm kiếm một phản ứng chừng mực hơn để giữ nguyên "lệnh ngừng bắn" về thương mại. Kể cả sau khi đóng cửa lãnh sự quán ở Houston, Trung Quốc vẫn cam kết tuân thủ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã ký với Mỹ ngày 15/1, theo một số nguồn tin.

{keywords}
Mỹ và Trung Quốc ký một thỏa thuận thương mại giới hạn hồi tháng 1. Ảnh: New York Times

Nếu Trung Quốc muốn ông Trump hứng tổn thất trong chiến dịch tái tranh cử, Bắc Kinh có thể ngừng các thương vụ khủng mua thực phẩm của Mỹ như một phần thỏa thuận đã được thương lượng trước khi đại dịch nổ ra. Hành động như vậy sẽ khiến nông dân Mỹ phải "chịu trận" mà họ lại là khối cử tri quan trọng ở nhiều bang.

Đến nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục mua số lượng lớn ngô, lúa mỳ, thịt lợn của Mỹ, theo Darin Friedrichs, một chuyên gia về hàng hóa nông nghiệp ở văn phòng INTL FCStone (một hãng thương mại Chicago) ở Thượng Hải. Chưa đầy 2 tuần trước, Trung Quốc thực hiện một hợp đồng đơn lẻ lớn nhất mua ngô Mỹ , chỉ 4 ngày sau một giao dịch lớn khác.

Chủ tịch Tập Cận Bình là trọng tài cuối cùng quyết định tranh luận chính sách ở Bắc Kinh, nhưng ông vẫn chưa lên tiếng về sự xói mòn quan hệ với Mỹ. Hôm 22/7, khi yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán được công bố, ông đang thị sát tỉnh Cát Lâm và dường như không bị xáo trộn bởi diễn biến này. Ngày 23/7, ông thăm Đại học Hàng không của Không quân Trung Quốc, nói về lễ kỷ niệm quân đội vào tháng 8 tới.

Trong khi đó, người Trung Quốc dường như bất ngờ bởi quan hệ với Mỹ xấu đi quá nhanh.

Trong bài phát biểu ngày 9/7, Ngoại trưởng Vương Nghị dường như còn vạch ra một lộ trình về ổn định quan hệ. "Chủ tịch Tập Cận Bình nhiều lần nhấn mạnh rằng chúng ta có hàng nghìn lý do để tạo dựng quan hệ Mỹ - Trung thành công, và không gì có thể phá vỡ nó. Chừng nào cả hai bên có thiện chí để cải thiện và vun đắp mối quan hệ này, chúng ta sẽ tìm ra cách thức để đưa mối quan hệ này vượt qua những khó khăn, đưa nó trở lại đúng hướng", ông nói.

Nhưng trái lại, Trung Quốc lại đang chịu cảnh đối đầu trên nhiều mặt trận mới. Trong yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán ở Houston, chính quyền Trump cáo buộc các nhà ngoại giao Trung Quốc hỗ trợ gián điệp kinh tế và mưu đồ đánh cắp nghiên cứu khoa học trong nhiều trường hợp khắp nước Mỹ.

Giới chức Trung Quốc tức giận lên án quyết định của Mỹ, gọi đó là sự khiêu khích mà sẽ càng làm xói mòn mối quan hệ vốn đã sóng gió giữa hai bên. Cai Wei, nhà ngoại giao cao cấp của Mỹ ở Houston, cho rằng hành động chống lại tòa lãnh sự đầu tiên mà Bác Kinh mở ở Mỹ sau khi tái lập quan hệ năm 1979, là "rất tai hại".

Trong những giây phút căng thẳng trước đó, hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Tập Cận Bình thỉnh thoảng xoa dịu những bất đồng bằng một cuộc điện đàm hoặc gặp mặt. Nhưng đó là trước kia, khi các cuộc đấu thương mại kéo căng và trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Còn bây giờ, ngữ điệu ở Washington càng gay gắt hơn, và Tổng thống Trump dường như không còn quan tâm xuống thang căng thẳng. Cách chính sách cứng rắn và các tuyên bố thẳng thừng cho thấy Mỹ đang hành động cương quyết hơn.

Theo New York Times, với quy mô hành động của chính quyền Trump cùng sự ủng hộ ngày càng lớn của lưỡng đảng tại Mỹ, chưa rõ Trung Quốc có thể hy vọng về một sự cải thiện hay không, kể cả nếu ứng viên dân chủ Joe Biden thắng cử vào tháng 11 tới.

Thanh Hảo

'Ăn miếng trả miếng', Trung Quốc lệnh đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô

'Ăn miếng trả miếng', Trung Quốc lệnh đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô

Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, động thái nhằm trả đũa việc Washington bắt đóng cửa văn phòng ngoại giao của Bắc Kinh ở Houston, Texas.

Ông Trump tuyên bố 'rắn' về thỏa thuận thương mại với Trung Quốc

Ông Trump tuyên bố 'rắn' về thỏa thuận thương mại với Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hiện không còn coi trọng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc như trước kia, bất chấp việc Bắc Kinh tăng mua nông sản Mỹ vài tuần trở lại đây.