- “Điều quan trọng là tinh thần quyết tâm hướng tới sự công bằng và Bộ GD&ĐT phải có thái độ rõ ràng, không thỏa hiệp, quyết tâm xóa bỏ gian lận.”

LTS: Xung quanh câu chuyện gian lận thi cử, Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với PGS. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. 

{keywords}
PGS. TS Nguyễn Đức Thành. Ảnh: VietNamNet

“Vô cùng nghiêm trọng”

Vụ gian lận thi cử ở Hà Giang, và có thể cả một số địa phương khác, khiến dư luận vô cùng bức xúc và đổ vỡ niềm tin. Là một người dành nhiều thời gian quan tâm và theo dõi các vấn đề giáo dục, ông nhìn nhận câu chuyện này thế nào?

Cá nhân tôi cho rằng hành động sửa điểm lên đến hàng trăm bài là quy mô rất lớn và vô cùng nghiêm trọng, cho dù nó chỉ do một cá nhân xâm nhập hệ thống máy tính hay do một tổ chức cấu kết thực hiện.

Tính nghiêm trọng của một hành động nằm ở mức độ biến đổi hành vi con người theo hướng bất lợi cho xã hội. Pháp luật được sinh ra để giảm thiểu sự méo mó này. Thậm chí, trong xã hội xưa, hành động này bị trừng phạt nặng hơn buôn ma túy, bởi triều đình lo ngại nó có thể bóp méo hành vi con người, đẩy xã hội vào rối loạn.

Có thể nhiều người nghĩ tôi quá nặng nề, nhưng hãy thử nhìn toàn bộ đời sống của đa số gia đình Việt Nam hiện nay, bao nhiêu công sức và nguồn lực đều dồn vào đầu tư cho con người, tức là cho con cái họ. Ai cũng hình dung được quá trình đó tốn kém thế nào, kéo dài suốt nhiều năm ra sao... Các bậc phụ huynh đầu tư 12 năm trời trông ngóng đến cái đích là con cái đỗ vào đại học.

Mặc dù cách các gia đình “sùng bái” thi cử không hẳn đã là đúng, nhưng xã hội vẫn đang vận hành như vậy. Thế mà giờ đây, một cá nhân hay tổ chức có thể bằng cách nào đó sửa được điểm ở quy mô lớn để những học sinh điểm thấp thì đỗ, còn những học sinh mất bao công sức học hành có thể lại trượt. Một nhóm những người không phải đầu tư, không phải bỏ nguồn lực mà lại chiếm mất cơ hội của nhóm những người đã đầu tư và hy sinh nguồn lực trong suốt thời gian dài. Đó là bất công, là ăn cắp nỗ lực của hàng trăm gia đình.

Xung quanh vụ việc này, có người đặt ra câu hỏi nếu là người phát hiện việc rút bài sửa điểm thì sẽ làm gì, có tố cáo không? Trong khi nhẽ ra đó là việc đương nhiên cần làm. Liệu đó có phải một chỉ báo xã hội về sự thỏa hiệp và kém đấu tranh không, thưa ông?

Về nguyên tắc, với một kỳ thi thế này, kết quả cần phản ánh đúng năng lực của thí sinh. Ai giải được 2 câu thì phải được biết là giải được 2 câu. Đứa trẻ học kém, hay chẳng may đen đủi, thì điểm số phản ánh việc đó. Vì thế người ta mới sinh ra các cuộc thi. Cũng có các hệ thống đánh giá khác, như dựa trên nhận xét, thư giới thiệu, nhưng nếu ta đã lựa chọn cách phân loại dựa trên bài thi thì phải tuân thủ luật chơi, dù nó có thể chưa hoàn thiện.

Vậy nhưng trước một việc sai trái rõ rành, mà còn băn khoăn nên tố cáo hay không thì nó cho thấy cảm xúc về công lý, khả năng đề kháng với cái xấu của các thành viên xã hội đó đã bị xói mòn đi rất nhiều. Có lẽ cũng là bởi người ta chứng kiến việc công lý bị xâm phạm đã không còn là “hy hữu”.

Chẳng hạn ngay trên ghế nhà trường thôi, trong những năm qua, đã có nhiều bất công xuất hiện. Bất công không hẳn dưới dạng một đứa trẻ nào đó bị đàn áp vô cớ, mà dưới dạng nó thấy những đứa trẻ khác có đặc quyền, bố mẹ làm to hoặc có điều kiện để “chạy chọt”, thấy cô giáo yêu bạn này ghét bạn kia tùy theo việc bố mẹ các bạn “chăm sóc” cô ra sao... Những đứa trẻ cảm thấy tổn thương vì bất công nhưng vẫn phải chấp nhận, phải làm quen, đến mức nó dần đó như một thực tế.

Bọn trẻ không vô tri, và những hiện tượng bất công truyền vào các em cảm nhận về một thế giới nơi công lý bị xâm phạm. Và đó là một thất bại của xã hội, của người lớn.

Quan trọng là quyết tâm hướng tới công bằng, liêm chính

Ông đánh giá thế nào về cách xử lý của Bộ GD&ĐT trong sự vụ lần này, cũng như quyết định rà soát lại điểm trên toàn quốc của Bộ?

Tôi thấy Bộ phản ứng như vậy là đúng. Về kỹ thuật, để tìm hiểu xem có sửa điểm hay không thì không khó. Chỉ cần sử dụng một vài kỹ thuật toán thống kê, với những chuyên gia thống kê bình thường rà lại dữ liệu điểm là có thể khoanh vùng các địa phương có vấn đề, chứ không cần phải lập đoàn hay ban bệ khảo sát gì phiền hà.

Nhưng đó chỉ là về mặt kỹ thuật. Quan trọng hơn là quan điểm và tinh thần của Bộ GD&ĐT. Chẳng hạn, Bộ phải thừa nhận có kẽ hở khiến kẻ xấu có thể thay đổi kết quả như vậy, đồng thời khẳng định dù có chuyện đó thì chúng tôi cũng đủ năng lực và quyết tâm xử lý quyết liệt ngay trong năm nay.

Bộ cần bộc lộ quyết tâm cứng rắn như đá, quyết liệt như lửa cháy: tỉnh nào có sai phạm thì chúng tôi cho rà soát hết, cần thì cho thi lại, hoặc thậm chí thi lại trên phạm vi toàn quốc, chúng tôi cũng không chùn bước.

Tôi thấy đó là những việc làm cần thiết, bởi công bằng, công lý phải được thực thi, và niềm tin của thế hệ trẻ vào công lý phải được phục hồi. Nếu Bộ có tinh thần cứng rắn và quyết đoán như vậy, cả xã hội sẽ ủng hộ, dù có mất công sức tốn kém hơn. Làm được một lần cho năm nay, những năm sau mọi thứ sẽ vào nề nếp và như vậy thì hóa ra lại không tốn kém.

Sau vụ việc gian lận thi cử lần này, có ý kiến cho rằng không nên tiếp tục kỳ thi chung, mà nên trả về cho các trường đại học tự tuyển sinh. Quan điểm của ông ra sao?

Có nhiều phương pháp khác nhau để chọn lựa thí sinh. Cá nhân tôi thấy phương pháp hiện nay có nhiều điểm ưu việt, chứ không nên bi quan mà phủ nhận nó ngay. Nếu đề thi đủ thông minh để phân loại được học sinh thì đúng là thi chung như hiện nay tiết kiệm được nguồn lực khổng lồ. Mặt khác, nó chuyển gánh nặng chi phí từ thí sinh sang hệ thống tổ chức thi, rất có lợi cho thí sinh và gia đình.

Hướng đi như vậy rõ ràng là có lợi cho số đông. Nhưng tính ưu việt đó chỉ có thể phát huy khi Bộ GD&ĐT kiểm soát được kỳ thi và đảm bảo được một loạt yếu tố quan trọng: đề thi phải phân loại được học sinh, quá trình ra đề, trông thi phải nghiêm túc, không để xảy ra lộ đề, quay cóp, gian lận, và khi chấm cũng đàng hoàng, công bằng... Với một kỳ thi trải rộng khắp cả nước, có tối gần một triệu bài thi, để làm được điều đó, Bộ GD&ĐT cần khẳng định quyết tâm, năng lực thực hiện, và làm ngay từ năm nay.

Bởi nếu Bộ không đảm bảo làm tốt được tất cả những điều trên, thì tổn thương cho xã hội sẽ rất ghê gớm, sự bùng nhùng và gian dối sẽ diễn ra mất kiểm soát. Khi đó, nó lại quay lại vấn đề đầu tiên tôi nói, là bóp méo hành vi trên phạm vi toàn xã hội, từ phụ huynh đến học sinh.

Ông nghĩ sao nếu có quan điểm rằng chúng ta đang “làm quá” lên, chứ cũng giống như trộm cắp, ở đâu mà chẳng có gian lận thi cử, ngay kể cả đại học hàng đầu như Harvard của Mỹ?

Ở Havard vẫn có thể có gian lận, nhưng quan trọng là họ luôn đề cao và hướng tới sự công bằng, luôn tìm cách để chặt chẽ hơn, sẵn sàng trừng phạt để hướng tới liêm chính trong giáo dục và học thuật. Họ không thỏa hiệp. Đó là điểm mấu chốt.

Trên quy mô rộng lớn thì không thể chắc Bộ GD&ĐT hay rộng hơn là Việt Nam sẽ triệt tiêu được hoàn toàn gian lận. Tuy nhiên, điều quan trọng là tinh thần quyết tâm hướng tới sự công bằng và Bộ phải có thái độ rõ ràng, không thỏa hiệp, quyết tâm xóa bỏ gian lận.

Ở thời điểm này, tôi không muốn đổ lỗi, kết tội một cá nhân hay Bộ GD&ĐT. Họ là người tổ chức kỳ thi và sẽ phải làm sao để nó đúng như những gì họ đề ra, hướng tới điều mà xã hội kỳ vọng. Đó là tinh thần xây dựng liêm chính, công bằng trong giáo dục và học thuật, không thỏa hiệp với cái gian dối, bất công. Chúng ta nên đặt vào họ niềm hy vọng, để họ có cơ hội làm tốt điều đó.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

Ngữ Yên (thực hiện)

Giáo dục 'chạy' và 'phi lý Hà Giang'

Giáo dục 'chạy' và 'phi lý Hà Giang'

Thật đáng lo ngại khi căn bệnh này di căn đến một bộ phận học trò quen được bao cấp từ thứ văn hoá “chạy” mà người lớn, bậc cha mẹ ban tặng.  

Gian lận thi cử: ‘Trảm’ ông Lương này ‘mọc’ ông Lương khác nếu…

Gian lận thi cử: ‘Trảm’ ông Lương này ‘mọc’ ông Lương khác nếu…

Giáo dục và cải cách giáo dục ở Việt Nam cần phải đi vào thực chất và chỉ có cách đó mới ngăn ngừa được gian trá.     

‘Phù phép’ điểm thi ở Hà Giang và niềm tin bị đánh cắp

‘Phù phép’ điểm thi ở Hà Giang và niềm tin bị đánh cắp

Đối mặt với nhiều bất cập, có lẽ đa số người dân vẫn nuôi dưỡng niềm tin rằng, giáo dục là niềm hy vọng lớn nhất để xây dựng một xã hội văn minh hơn, tiến bộ hơn.    

Gian lận thi cử ở Hà Giang, nơi có những đứa trẻ nhịn đói đi tìm cái chữ

Gian lận thi cử ở Hà Giang, nơi có những đứa trẻ nhịn đói đi tìm cái chữ

Những đứa trẻ chỉ là nạn nhân. Bọn trẻ con từ các bản làng cheo leo vẫn nhẫn nại, nhịn đói tìm đường tới trường.

Đâu là “phi lý Hà Giang”?

Đâu là “phi lý Hà Giang”?

Không chỉ là vi phạm rất nghiêm trọng quy chế thi, mà về nhiều mặt, hành vi này là đặc biệt nghiêm trọng.

Gian lận thi cử ở Hà Giang: Sau phanh phui quyết liệt là gì?

Gian lận thi cử ở Hà Giang: Sau phanh phui quyết liệt là gì?

Muốn giáo dục đi đúng hướng thì phải triệt tiêu những nhu cầu xã hội giả tạo và hình thức.