Gần mười năm trước, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong một lần tiếp xúc cử tri đã nói về  nạn tham nhũng: “Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này". 

Thời gian gần đây, hàng loạt vụ tham nhũng khủng bị phanh phui, hàng trăm cán bộ “hóa củi” nhờ những nỗ lực phi thường của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Sâu tham nhũng giờ đã hóa bầy, kéo thành bè; tham nhũng theo kiểu “tập thể, đồng thuận”, “đúng quy trình”. Và càng nguy hiểm hơn khi “bầy sâu” lại nằm ngay trong lực lượng bảo vệ pháp luật, thậm chí lực lượng phòng chống tham nhũng. 

Vừa mới cuối tháng 4 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố, bắt tạm giam cả 5 thành viên của đoàn thanh tra thuộc Thanh tra tỉnh Thanh Hóa về tội nhận hối lộ. Cụ thể là trưởng đoàn Lê Mạnh Hà; phó đoàn Nguyễn Thị Cúc và 3 thành viên Nguyễn Hưng, Dương Văn Bằng, Nguyễn Qúy Diễn. 

Trước đó, ông Nguyễn Quý Diễn đã bị bắt quả tang khi đang nhận tiền của một đối tượng bị thanh tra tại huyện Thiệu Hóa. Trong quá trình thi hành nhiệm vụ, ông Diễn đã có hành vi đe dọa đối tượng và ép buộc phải đưa tiền để bỏ qua sai phạm. 

Tại hiện trường, cơ quan điều tra thu được nhiều tài liệu và tờ giấy A4 ghi chi tiết số tiền và tên các đơn vị đã đến "chung chi" cho đoàn thanh tra; khám nhà riêng và phòng làm việc của các thành viên trong đoàn thanh tra, thu giữ được nhiều phong bì chứa tiền được cho là có liên quan công tác thanh tra về ngân sách và đầu tư, xây dựng cơ bản nhiều cơ quan, doanh nghiệp tại huyện Thiệu Hóa. 

{keywords}
Lực lượng nhận trọng trách phòng chống tham nhũng lại nhận hối lộ thì hậu quả càng nghiêm trọng. Ảnh minh họa

Quả đúng là “một bầy sâu” và cực kỳ nguy hiểm là nó lại nằm trong cơ quan được cho là đáng tin cậy nhất trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Thật bi hài khi những cá nhân thuộc cơ quan được trao nhiệm vụ “thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật” (Điều 5 Luật Thanh tra) lại chính là kẻ tiêu cực, tham nhũng. 

Là cán bộ thanh tra, họ không thể không hiểu pháp luật nói chung, càng không thể không nắm vững Luật Thanh tra, đặc biệt là điều Điều 13, nghiêm cấm các hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra” và “Đưa, nhận, môi giới hối lộ”. 

Cán bộ thanh tra mà lại nhận hối lộ của đối tượng bị thanh tra, hệ quả vô cùng nguy hiểm mà nó để lại: Tham nhũng, tiêu cực mặc sức tác oai tác quái vì đã được thanh tra hợp thức hóa và gắn mác “trong sạch”; tài sản, ngân sách nhà nước, tiền thuế của dân lại tiếp tục chảy vào túi cá nhân trong nhóm lợi ích. 

Tham nhũng kiểu này không còn hoạt động nhỏ lẻ nữa mà đã thành tập thể và hẳn phải có sự thỏa thuận, có kế hoạch, có chỉ đạo? Trong vụ nhận hối lộ tập thể này, ngoài 5 cán bộ trong đoàn thanh tra, điều dư luận trông đợi là cần làm rõ có hay không sự liên can của người chỉ huy trực tiếp, người được giao nhiệm vụ giám sát đoàn. 

Cán bộ thanh tra như thế, dân còn biết tin vào ai, chính quyền còn cậy nhờ được gì trong bối cảnh công cuộc chống tham nhũng đang sục sôi? 

Sinh thời, Bác Hồ là người rất quan tâm đến hoạt động thanh tra và phẩm chất người cán bộ thanh tra. Người nói, “thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”, “cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”. 

5 vị trong đoàn thanh tra vừa bị bắt thuộc vanh vách lời răn dạy của Bác, nhưng học là một chuyện còn “hành” lại là chuyện khác. Họ đã buông “vũ khí” là “tai mắt của trên”, sẵn sàng “đầu hàng” giặc tham nhũng để gia nhập “bầy sâu” không chỉ đe dọa mà nguy hiểm hơn, làm “chết cái đất nước này”. 

Còn nhớ, năm 2016, có 7 cán bộ, lãnh đạo thanh tra giao thông thuộc Sở Giao thông vân tải Cần Thơ đã bị bắt do liên quan đến vụ án hối lộ lên đến 3,5 tỷ đồng. 

Trên truyền thông, không bao lâu lại có một vài vụ tiêu cực, tham nhũng bị phanh phui hay một số cán bộ lãnh đạo “vi phạm tới mức phải xem xét thi hành kỷ luật”. Khi những thông tin này được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận rất hoan nghênh và tin tưởng vào cuộc chiến chống tham nhũng bởi việc xử lý sai phạm không còn chuyện “tắm từ vai trở xuống”. 

Dân gian có câu, đánh rắn phải đánh dập đầu. Chống tham nhũng cũng vậy, phải truy cho đến tận cùng sào huyệt, hang ổ của những bầy sâu tham nhũng mà lôi kẻ cầm đầu ra. Đó là ước vọng của nhân dân hiện nay vì sự tồn vong của chế độ, vì tương lai của đất nước và hạnh phúc của giống nòi. 

Nguyễn Duy Xuân