Trong cuộc họp với một số bộ, ngành chiều 8/12 về vấn đề người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo: “Chậm nhất trước ngày 15/12, Bộ Y tế phải ban hành hướng dẫn mới về việc cách ly, theo dõi sức khỏe đối với người nhập cảnh, trên tinh thần tương tự như người từ vùng dịch đến các địa phương ở trong nước”.

{keywords}
Việc khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế là yêu cầu của thực tiễn trong tình hình bình thường mới

Còn trong cuộc họp ngày 9/12, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, việc khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế là yêu cầu của thực tiễn trong tình hình bình thường mới, đặc biệt trước nhu cầu đi lại tăng cao trong thời điểm cuối năm.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, có kết quả xét nghiệm âm tính, chỉ cần tự cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà trong thời gian bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Đối với những người chưa tiêm vắc xin, phải có cơ sở cách ly trong nước với thời gian, điều kiện tốt, thuận lợi cho bà con.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT, ngành hàng không và các bộ, ngành liên quan tích cực báo cáo, xúc tiến công tác chuẩn bị mở lại các đường bay thương mại quốc tế, có quy trình để người Việt Nam ở nước ngoài đặt chỗ về nước.

Làn gió mát lành đem đến hi vọng

Chỉ đạo của hai Phó Thủ tướng như một làn gió mát lành, mang lại hi vọng cho biết bao công dân Việt Nam đi lao động, học tập, công tác, thăm thân nhân bị mắc kẹt ở nước ngoài và bà con kiều bào đang khát khao trở về quê hương.

“Đây là nhu cầu rất chính đáng và chúng ta phải có trách nhiệm giải quyết rất khẩn trương, nhất là trong điều kiện Tết Nguyên đán đang đến gần", ông Đam nói thêm.

Tết luôn là dịp đoàn tụ, sum vầy truyền thống của người Việt Nam. Vậy mà hàng trăm ngàn người đang mưu sinh hay mắc kẹt ở nước ngoài đang đối diện với nguy cơ trải nghiệm thêm một cái Tết thứ hai ở nơi đất khách quê người, và không có cơ hội đoàn tụ với cha mẹ, vợ chồng, hay con cái đang sốt ruột mong chờ họ suốt 2 năm qua do đại dịch.

Để chống dịch, chúng ta đã đóng cửa sớm nhất thế giới từ đầu tháng 4/2020 cho đến tận hôm nay. Trong khi các quốc gia khác đã mở cửa trở lại cho các chuyến bay quốc tế, chúng ta vẫn kiên trì đóng cửa bầu trời. Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít ỏi vài quốc gia chỉ cho bay “giải cứu” và yêu cầu công dân “cách ly tập trung”. Đã có nhiều lời phản ánh, giá vé của các chuyến bay đó lên tới 150 triệu đồng, thậm chí 240 triệu.

Không mấy người có đủ tiền để chi trả cho giá vé cắt cổ như vậy. Cũng không nhiều người có thể trở về Tổ quốc trên các chuyến bay giải cứu thưa thớt và tạo điều kiện cho cơ chế xin - cho.

Điều này cũng hạn chế các chuyên gia, kỹ sư, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài vào Việt Nam làm việc. Bằng chứng là trong 2 năm qua, chỉ có trên 200.000 chuyên gia vào được Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, các dự án của họ bị treo đó vì không có kỹ sư lành nghề.

Tất nhiên, ngành du lịch từng đón 18 triệu khách quốc tế năm 2019 là chịu tác động tiêu cực hơn cả.

Ngay từ tháng 6, Bộ Chính trị đã nhận ra sự cần thiết phải mở lại đón khách quốc tế. Trong Kết luận số 07-KL/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu cho thí điểm sử dụng hộ chiếu vắc xin với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc, Kiên Giang.

Tiếc là việc triển khai trên thực tế được thực hiện khá muộn, phải cuối tháng 11 vừa rồi Phú Quốc mới đón được 2-3 đoàn khách quốc tế.

Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa rồi, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông được đặt câu hỏi về kế hoạch mở lại đường bay thương mại quốc tế tới đây như thế nào. Ông đáp, Bộ đã xây dựng kế hoạch bay lại với 12 quốc gia, gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, trên cơ sở “đồng thuận” với các quốc gia đó và yếu tố khác như khả năng phòng chống dịch, tỉ lệ tiêm chủng cho người dân.

Đó là sự thận trọng cần thiết của các nhà quản lý.

Song, đến nay, chúng ta đã đạt tỷ lệ tiêm mũi 1 là 94%, mũi 2 là 69% với người từ 18 tuổi trở lên - tỷ lệ khá cao so với thế giới. Vậy đâu là giá trị, là hiệu quả của vắc xin nếu không mở cửa bay lại để đón người nước ngoài, để đón đồng bào về nước?

Cần một giải pháp

Sau khi có nghị quyết 128 sống chung “thích ứng, an toàn” với dịch bệnh, việc di chuyển của công dân trong nước đã khác trước. Hiện nay, giữa Hà Nội và TP.HCM có hàng chục chuyến bay mỗi ngày cho hành khách nội địa đã tiêm vắc xin và có kết quả xét nghiệm âm tính, hành khách không cần xin phép di chuyển, đến nơi không phải cách ly.

Vậy tại sao người Việt Nam và người nước ngoài đã tiêm đủ vắc xin, có kết quả xét nghiệm âm tính, muốn vào Việt Nam phải xin phê duyệt và phải cách ly tập trung? Đâu là logic cho rằng họ tạo rủi ro gây lây nhiễm Covid cao hơn so với hành khách nội địa để hạn chế và phân biệt đối xử?

Vì sao đa số các quốc gia đã cho phép các chuyến bay thương mại trở lại, không bắt cách ly tập trung, mà nhờ đó người Việt Nam có thể ra nước ngoài thuận lợi?

Sự thận trọng trước đại dịch là cần thiết, nhưng việc mở cửa cũng cần thiết không kém. Mỗi ngày, số ca dương tính nhập cảnh chỉ trên đầu ngón tay trong số hàng trăm ca được ghi nhận.

Cần một giải pháp, ví dụ, cho phép các hãng hàng không hoạt động lại để chuyên chở tất cả hành khách có đủ tiêu chuẩn vào nước ta trên cơ sở đáp ứng được các yếu tố phòng chống dịch như đã tiêm đủ 2 mũi, có chứng nhận có kháng thể, có giấy xét nghiệm âm tính… Các hãng hàng không và khách sạn sẽ phải cạnh tranh giá cả để thu hút nhóm người rất đông này.

Cách đó giúp các hãng hàng không hoạt động bình đẳng vì nếu không làm thế thì các hãng của Việt Nam khó được cấp phép bay thương mại tới các nước khác theo đúng nguyên tắc đáp trả.

Tết cổ truyền đang đến dần. Sự mong mỏi, khát khao của biết bao người thuộc diện “xuất khẩu lao động” và kiều bào, những người cần mẫn, chăm chỉ lao động để gửi về hàng chục tỷ USD kiều hối mỗi năm để xây dựng đất nước, ngày càng lớn. Họ cần được trở về nhà sau hơn 2 năm ở xứ người.

Dự kiến mở lại đường bay quốc tế từ 15/12


Chiều 9/12, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp bàn về kế hoạch phôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế từ 15/12 theo đề xuất của Bộ GTVT. 

Bộ GTVT đề xuất 2 giai đoạn thí điểm khôi phục các chuyến bay này. Trong giai đoạn 1 (2 tuần từ thời điểm áp dụng, dự kiến từ 15/12), tổ chức chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và các thị trường: Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc - Đài Loan (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco hoặc Los Angeles (Hoa Kỳ). 

Các chuyến bay sẽ về Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Tần suất hoạt động 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên (dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh khoảng 14.000 người/tuần). 

Giai đoạn 2 (thực hiện trong 1 tháng, kể từ khi kết thúc giai đoạn 1) dự kiến bắt đầu từ tháng 1/2022. 

Ngoài 9 thị trường nói trên, Bộ đề xuất mở thêm các đường bay đi/đến Kuala Lumpur (Malaysia), Hong Kong (Trung Quốc), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức), Sidney (Australia), Moscow (Nga). Ngoài Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các cảng hàng không quốc tế đề xuất tiếp nhận gồm: Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Vân Đồn. 

Tần suất dự kiến tăng lên 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên (dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh 40.000 người/tuần). 

Hành khách nhập cảnh phải đáp ứng quy định về phòng chống dịch bệnh; tiêm đủ 2 mũi vắc xin, hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, có xét nghiệm PCR âm tính trong 72 giờ trước khi lên máy bay. 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp các ý kiến của các bộ, báo cáo Thủ tướng. 

Tư Giang 

Quỹ đạo bình thường hay đóng cửa cô đơn

Quỹ đạo bình thường hay đóng cửa cô đơn

Tôi rất chia sẻ với bài viết “Cánh cửa về nhà”, đã đến lúc chúng ta mở lại đường bay quốc tế để đón đồng bào Việt Nam bị kẹt lại ở nước ngoài đằng đẵng suốt 2 năm dịch bệnh.