Đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa - một phần của lãnh thổ thiêng liêng từ thời các chúa Nguyễn xác lập chủ quyền và khai thác - đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. 

Cần độc lập, tự chủ về kinh tế   

Nhắc lại sự kiện này không phải là chúng ta muốn khơi sâu nỗi đau trong nhân dân, khơi dậy mối thù hằn dân tộc làm ảnh hưởng đến đường lối đối ngoại chiến lược của Nhà nước ta với các quốc gia láng giềng. Với góc độ là giáo viên dạy sử đang trực tiếp giảng dạy cho học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước, tôi cho rằng việc nhắc lại sự kiện này có ý nghĩa: 

Thứ nhất, lịch sử cần minh định và tái khẳng định về bản chất sự kiện này không phải là “hải chiến” mà là một vụ “thảm sát” của quân đội Trung Quốc đối với một đơn vị bộ đội công binh của chúng ta đang xây dựng đảo, xác lập chủ quyền. Điều quan trọng hơn là sau vụ thảm sát này, Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép đảo Gạc Ma bất chấp sự phản đối của dư luận thế giới và pháp lý quốc tế.

{keywords}
Hình tượng “Vòng tròn bất tử” tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Cam Lâm, Khánh Hòa

Xâu chuỗi nhiều sự kiện liên quan đến cách hành xử của Trung Quốc với Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa năm 1956, 1974 và ở Trường Sa ngày 14/3/1988 cho thấy một thực tế rằng, việc Trung Quốc đánh chiếm trái phép Gạc Ma không chỉ đơn thuần là muốn “sở hữu” hòn đảo này. Đó là hành động nằm trong chiến lược độc chiếm Biển Đông, là toan tính nguy hiểm không chỉ đe dọa chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam mà còn gây ra bất ổn trong khu vực và đe dọa hòa bình thế giới. 

Thứ hai, chỉ có sự vững chắc về kinh tế mới là nhân tố tiên quyết đảm bảo sự vững bền về an ninh quốc phòng. Xét về góc độ lịch sử quan hệ quốc tế nhiều thế kỷ qua, các cường quốc luôn chi phối trật tự thế giới và ngược lại, các nước nhỏ thường vẫn hay bị lệ thuộc về kinh tế và bất lợi về những giải quyết mâu thuẫn, xung đột. 

Muốn bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia dân tộc, tất yếu chúng ta phải độc lập, tự chủ về mặt kinh tế hoặc ít ra là hạn chế đến mức thấp nhất sự lệ thuộc về thị trường, khoa học công nghệ, về vốn đầu tư từ nước ngoài. 

Thứ ba, trong bối cảnh phức tạp lịch sử lúc bấy giờ và nhiều năm sau đó, vì nhiều lý do tế nhị mà sự kiện Gạc Ma không được các cơ quan truyền thông nhắc tới. Và ngay cả sách giáo khoa lịch sử phổ thông được xuất bản, tái bản nhiều lần cũng không có dòng nào cho sự kiện này. 

Thời đại bùng nổ công nghệ thông tin trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay, chương trình và sách giáo khoa mới cần bổ sung những kiến thức cơ bản về quá trình đấu tranh xác lập, bảo vệ chủ quyền biển đảo về Hoàng Sa, Trường Sa, Gạc Ma. Chỉ cần viết đúng, viết đủ và tôn trọng sự thật khách quan của lịch sử. 

Vì quan hệ đại cục, vì sự phát triển và hợp tác kinh tế quốc tế, vì quan hệ đối ngoại, chúng ta phải tạm “gác lại” quá khứ chứ không phải “khép lại” những sự thật lịch sử đã quá rõ ràng. 

Thứ tư, từ sự kiện Gạc Ma, chúng ta cần rút ra bài học kinh nghiệm xương máu qua thực tế lịch sử của dân tộc mình khi hoạch định đường lối đối ngoại trong một thế giới hiện đại đang thay đổi từng ngày mà lợi ích các quốc gia luôn đan xen nhau cực kỳ phức tạp. 

Thứ năm, chúng ta phải khẳng định lại rằng, trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế luôn song hành với nhiệm vụ an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng ta chỉ có thể bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên cơ sở có thực lực và tiềm lực kinh tế nhất định. 

Trân quý hòa bình 

Nhắc lại sự kiện Gạc Ma để chúng ta cũng hy vọng đừng bao giờ có thêm một “Gạc Ma” nào nữa! Nhắc lại Gạc Ma để thế hệ trẻ luôn phải biết tưởng nhớ và tri ân người đi trước đã ngã xuống vì Tổ quốc, để sống có trách nhiệm hơn và yêu Tổ quốc mình hơn. 

Nhắc nhở sự thật lịch sử để chúng ta có thể rút ra những bài học lịch sử quý giá trong cuộc đấu tranh giữ vững chủ quyền biển đảo trong hiện tại và tương lai. Ghi nhớ nỗi đau để chúng ta trân quý nền hòa bình, để ký ức về Gạc Ma không bao giờ bị xóa nhòa trong lòng mỗi người con đất Việt. 

{keywords}
Vòng hoa trên biển tưởng nhớ các liệt sĩ 

Sự hy sinh của 64 người lính ngày 14/3/1988 trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền ở Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa là một khúc tráng ca bất tử. Hình ảnh các anh giữ vững ngọn cờ Tổ quốc giữa làn mưa đạn của kẻ thù đã tạo nên “Vòng tròn bất tử” trên đảo Gạc Ma. 

Sự kiện Gạc Ma đã lùi xa 33 năm, nay nhắc lại vẫn vẹn nguyên ý nghĩa thời sự. Sự hy sinh anh dũng của 64 người lính công binh là một lời nhắc nhở hơn 90 triệu đồng bào hôm nay: 

Thứ nhất, lòng tin phải luôn được đặt đúng chỗ. 

Thứ hai, mọi quốc gia cần hướng tới mục tiêu hòa bình, phát triển và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các quốc gia trong khu vực. 

Thứ ba, luôn phải quán triệt nhận thức láng giềng là vĩnh viễn và không bao giờ thay đổi. Việt Nam cần và luôn mong muốn có một mối quan hệ hữu nghị, ổn định, lâu dài với Trung Quốc. Tuy nhiên, quan hệ ấy cần được đặt trong cách hành xử tôn trọng lẫn nhau về nhiều mặt, đặc biệt là vấn đề “bất biến”: chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc.  

Độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là tài sản lớn nhất, quý giá nhất và quan trọng nhất của cả dân tộc. 

Trần Trung Hiếu

Từ bài học xương máu Gạc Ma nhìn về phía trước

Từ bài học xương máu Gạc Ma nhìn về phía trước

Những sự thật và bối cảnh lịch sử từ vụ thảm sát Gạc Ma cần được trả lại tính chất của chúng. Nhưng mục đích không phải để tạo một tâm thế định kiến trong ứng xử cho các thế hệ tiếp theo.