Như ông nói, cuộc tìm kiếm bàn tay vô hình lần 2 cần minh bạch, niềm tin và cảm hứng từ đồng đội. Nhưng tôi cảm thấy hiện nay khu vực công thiếu cả 3 yếu tố này, đặc biệt là niềm tin. Vậy phải bắt đầu như thế nào để gây dựng? 

PGS.TS Vũ Minh Khương: Chúng ta thiếu nhiều về lòng tin (trust) chứ không phải niềm tin (belief). Chúng ta đã mất lòng tin vào nhiều việc cụ thể; nhưng niềm tin thì vẫn canh cánh, tin là dân tộc này không thể đói nghèo, không thể tầm thường mãi được.

Chúng ta có vấn đề với “trust”, chuyện đó tôi công nhận. Đó sẽ là cản trở rất lớn, đặc biệt trong xây dựng bộ máy hệ thống công quyền ưu tú. Nhưng niềm tin dân tộc vẫn có, mọi người vẫn tin một ngày nào đó đất nước này sẽ ngẩng đầu. 

Điều đáng đặt ra, phải hiểu chúng ta mất đi lòng tin vào người cán bộ. Theo tôi, cái gốc là từ thiếu minh bạch. Nếu không có ánh sáng mặt trời, tôi luôn phải giả định xấu: trên đường có ma tà, có rắn rết. Đó là bản năng của con người. Còn nếu dưới thanh thiên, mọi thứ đều rõ ràng, ta không thể giả định xấu được.

Trong môi trường chưa lành mạnh, chưa sáng rõ, chúng ta cũng nên biết đến hiệu ứng con gián. Nếu nhìn thấy chỗ này có một con gián thì người ta sẽ nghĩ rằng có rất nhiều gián. Mà cũng đúng thôi. Không thể có một con gián đơn lẻ được. Cái gì đó, môi trường đã tạo nên một con gián thì cũng sẽ dung dưỡng ra nhiều con gián như thế.

{keywords}
Ảnh: TL

Nếu bạn nhìn thấy trong cơ quan mình những người vào hệ thống bằng cách không minh bạch thì bạn sẽ nghĩ có rất nhiều người khác như vậy. Bạn bắt đầu bằng cách dọn dẹp các ngóc ngách, để mọi thứ sạch sẽ, sáng tỏ lên, thì lòng tin và cảm hứng sẽ trở lại.

Theo ông, với bộ máy hiện có của Việt Nam, nếu bắt tay vào sửa, sẽ phải sửa từ đâu?

Phải bắt đầu từ những thách thức, chứ không thể đập tất cả ra sửa ngay một lúc. Nếu chúng ta bắt đầu từ việc phải tăng lương cho cả hệ thống hơn 2 triệu công chức, viên chức để tăng động lực, rồi thế thì ngân sách lấy ở đâu... thì sẽ lạc trong mê cung mà ta giăng ra.

Cũng giống như thời chiến tranh giải phóng. Chúng ta không thể cùng một lúc trang bị vũ khí và hỏa lực tốt cho mọi cánh quân. Thế nhưng, chúng ta có thể tập trung cho những mặt trận chính yếu, có tính quyết chiến chiến lược.

Ví dụ, vấn đề hiện nay là giải ngân đầu tư công quá chậm, trì kéo cả tăng trưởng của đất nước, thì nỗ lực cải cách tập trung đột phá để giải ngay bài toán đó. Chúng ta lập nên một trang web của chính phủ theo dõi tất cả các dự án đầu tư công và PPP. Ai chịu trách nhiệm, ai là người tham gia, tiến độ và chất lượng công trình được cập nhận định kỳ.

Khi có vướng mắc, ủy ban giám sát thúc đẩy đầu tư công có quyết sách ngay. Nếu luật chưa phù hợp mà thấy có lợi cho nền kinh tế, lòng tin của dân, và nền tảng cho công cuộc phát triển thì kiến nghị giải quyết ngay, qua mạng. Quốc hội không phải chờ đến xuân thu nhị kỳ mới họp. Phải đánh tổng lực thì Việt Nam mới tiến nhanh được.

Tương tự như vậy, cải cách tập trung vào giải quyết các bài toán khó sẽ có sức lan tỏa rất sâu rộng, cả về niềm tin và tầm nhìn. Chẳng hạn, để giảm việc các doanh nghiệp bị thanh tra quá nhiều; chính phủ có thể ra quyết định yêu cầu mọi cuộc thanh tra, dù ở cấp nào, đều phải đăng ký qua trang mạng của chính phủ, nêu rõ các nội dung, bao gồm trưởng đoàn thanh tra, nội dung thanh tra, thời gian thanh tra, và kết quả thu được.

Khi mọi việc sáng như ban ngày, việc xấu sẽ giảm đến 99%. 

Làm sao để mỗi công chức xông xáo như nông dân trên ruộng đồng

Vậy ý tưởng của ông về “một bộ máy chính quyền mà dân tộc này xứng đáng” là như thế nào? Liệu Việt Nam có thể học tập một mô hình như Singapore?

Singapore có rất nhiều thứ đáng học, nhưng chúng ta đương nhiên là không thể bê nguyên mô hình nào cả. Có một kinh nghiệm hay mà tôi nghĩ chúng ta nên tham khảo trong nỗ lực xây dựng bộ máy công quyền ưu tú. Đó là, vào những năm 1981, ông Lý Quang Diệu thấy bộ máy hoạt động chồng chéo thiếu sự gắn kết và tính tổng lực, ông cho đặt một nhóm chuyên gia “khám bệnh” toàn bộ máy, đâu là chỗ vướng mắc, đâu là cấu trúc cần cải tổ để tạo nên sức mạnh vượt bậc.

Các chuyên gia thoải mái tìm hiểu, phỏng vấn những người trong bộ máy để lập nên báo cáo đó, nhưng hệ thống không nhất thiết phải theo, vì đó chỉ là báo cáo của giới học thuật.

Sau khi có báo cáo, Lý Quang Diệu đưa cho các bộ nghiên cứu, tranh luận thẳng thắn, cái gì khả thi trong bối cảnh này, cái gì không, cái gì cần hiệu chỉnh. Với những thứ khẳng định khả thi, thì phải áp dụng và có thước đo thành quả ngay lập tức.

Nếu chúng ta tham khảo kinh nghiệm này, chúng ta có thể có một nền tảng tinh hoa của cả thế giới về xây dựng bộ máy công quyền ưu tú cho Việt Nam. Nó có thể được dùng như một bộ từ điển, để Đảng, Quốc hội, Chính phủ, báo chí, và công luận soi vào, đối sánh.

Chúng ta có thể không áp dụng ngay được tất cả, nhưng những gì làm được thì làm luôn. Tôi không muốn phê phán những gì đồng nghiệp mình đang làm, nhưng rõ ràng phải có ánh sáng mặt trời chiếu rọi, có một tầm nhìn để dân tộc Việt Nam phải có một bộ máy xứng đáng.

Làm sao để mỗi công chức xông xáo giống như người nông dân ra ruộng đồng, như doanh nghiệp ra thị trường. Đó là cuộc cải cách lần thứ 2 mà tôi mong đợi.

Phải mất bao lâu để hoàn thành một bộ từ điển như vậy?

Cần từ 6 đến 9 tháng và một quyết tâm chính trị rất cao. Chúng ta hiện chưa coi trọng thiết kế chiến lược và vẫn thiên lệch nhiều vào dự án hoặc qui trình cụ thể. Chúng ta cần nhận thức rõ là Đổi mới II, đặc biệt coi trọng thiết kế chiến lược vì nó không phải chỉ là quyết tâm “cởi trói, phá rào” như ở Đổi mới I.

Đổi mới I thì ta mới chỉ thức dậy ở tư duy thôi, tức là bằng người ta; Đổi mới II là trỗi dậy về tầm nhìn, tức là muốn đi thật xa, đi đầu trong dòng chảy thời đại. Tôi thấy lãnh đạo đất nước đã ý thức được việc đó. Chúng ta giờ đây không ngại ngùng khi nói rằng Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia hùng cường vào năm 2045, nghĩa là chưa đến 3 thập kỷ nữa.

Con thuyền vẫn đi đúng hướng, nhưng phải giải quyết được bàn tay vô hình, để cả đội cùng đá hết sức. Phải có phản biện, chinh phục được người dân và muốn thế phải có chất xám của hiền tài. Cần thời gian lắng nghe, chất vấn nhau để giải những bài toán khó khăn nhất. Tôi hy vọng, sẽ đến ngày nhiều nước sẽ lũ lượt đến Việt Nam học cách phát triển.

Hiện nay Đảng đang xây dựng văn kiện cho Đại hội mới cho một thời kỳ mới. Chúng ta ai cùng khát khao được đóng góp. Nếu chúng ta có thể bàn về một thiết kế cho tương lai, thì đây chính là lúc cần làm.

Xin cảm ơn ông!

Vũ Hân thực hiện