Những tín hiệu tốt lành ban đầu

Hôm qua có một tin tốt lành. Tất cả các cửa khẩu biên giới Trung Quốc - Việt Nam ở khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây đã khôi phục hoạt động hoàn toàn từ ngày 28/2 nhờ sự kiểm soát hiệu quả dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong khi đó, tin tức từ Bộ Công Thương cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu đã diễn ra tích cực hơn ở hàng loạt các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh ở Lạng Sơn và Móng Cái, Quảng Ninh. Cửa khẩu Tân Thanh đã được mở lại từ ngày 20/2. Đó là những tín hiệu tốt dù lượng hàng hóa trao đổi chưa được thông thoáng hoàn toàn như trước do cơ quan chức năng hai nước vẫn tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh, lực lượng bốc xếp của phía Trung Quốc còn mỏng.

Cùng với nỗ lực của cả nước căng mình chống chọi với dịch bệnh coronavirus, những hoạt động ở các cửa khẩu ở các tỉnh phía Bắc là những nỗ lực để đưa hoạt động kinh tế, xuất nhập khẩu trở lại quỹ đạo trong bối cảnh nhiều ngành công nghiệp, dịch vụ trong nước bị gián đoạn do những đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kể từ khi Covide-19 được phát hiện tại Việt Nam cách đây hơn một tháng, những tác động của nó mới dần được phác họa đối với một số ngành công nghiệp phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu.

Trong một báo cáo gửi Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương ông Trương Thanh Hoài cho biết, hàng loạt các ngành sản xuất chủ lực như điện – điện tử, dệt may và da giày, sản xuất lắp ráp ô tô,... đang đối diện với việc thiếu  nguyên vật liệu và có nguy cơ phải dừng sản xuất.

{keywords}
Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô đang gặp khó do chuỗi cung ứng đứt gãy.

Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô thương mại gồm ô tô tải và ô tô bus trong nước hiện nay chủ yếu nhập khẩu linh kiện từ phía Trung Quốc, trong đó có đến hơn 70% số doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô tải Việt Nam dựa vào nguồn linh kiện chính từ Trung Quốc. Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu gần 4 tỷ USD phụ tùng linh kiện ô tô, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc là 0,7 tỷ USD (17.54%), từ Hàn Quốc là 1,14 tỷ USD (28,57%), và từ Nhật Bản là 0,72 tỷ USD (18,04%). Theo báo cáo, chỉ riêng dự án sản xuất, lắp ráp ô tô Vinfast tại Hải Phòng có thể sẽ gia tăng sản lượng trong năm nay do Vinfast hầu như không nhập khẩu linh phụ kiện trực tiếp từ Trung Quốc.

Ngành điện tử chịu tác động lớn bởi thiếu hụt nguồn cung linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu phục vụ sản xuất do ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ các quốc gia đang bùng phát dịch. Các sản phẩm của ngành công nghiệp điện, điện tử bao gồm điện thoại và TV là các mặt hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hàn Quốc. Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử, trong đó nhập khẩu từ Hàn Quốc là 16,8 tỷ USD (chiếm 42%), từ Trung Quốc là 13,8 tỷ USD (chiếm 34%), từ Nhật Bản 1,7 tỷ USD (chiếm 4,2%).

Ngành dệt may hàng năm nhập khẩu khoảng 60% vải, hơn 55% xơ sợi và khoảng 45% phụ liệu từ Trung Quốc phục vụ cho sản xuất. Ngành da, giày nhập khẩu trên 60% nguyên phụ liệu, chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.

Đa dạng hóa và phải tự mạnh lên

Thực tế trên cho thấy tình trạng phụ thuộc quá nhiều của nhiều ngành kinh tế vào thị trường Trung Quốc và các nền kinh tế ở Đông Bắc Á ở cả đầu ra lẫn đầu vào. Chẳng có doanh nghiệp nào, quốc gia nào có thể tự mình làm từ A đến Z vì chúng ta đang sống trong một thế giới hội nhập và phụ thuộc lẫn nhau và chuỗi giá trị toàn cầu là mô thức phổ biến của các ngành công nghiệp. Chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam là một mắt khâu đang trở nên mong manh và dễ bị tổn thương.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, với tình trạng này thì khi doanh nghiệp Trung Quốc “hắt hơi”, doanh nghiệp Việt Nam không “sổ mũi” thì mới là chuyện lạ và tác động của vi rút Covid-19 chỉ là một ví dụ.

Giải pháp về dài hạn, theo ông Lộc, là phải rất coi trọng thị trường trong nước, đồng thời đa dạng hóa thị trường quốc tế, định hình lại các chuỗi giá trị thông qua tái cấu trúc nền kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào bất kỳ thị trường nào. Chúng ta ngày càng ngộ ra rằng muốn vươn ra thị trường thế giới thì phải đứng vững trên thị trường nội địa.

Với 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu bùng nổ, với một nền kinh tế đang lên, thị trường trong nước phải là điểm tựa, là tài nguyên lớn nhất cho sự phát triển quốc gia. Những diễn biến hiện nay cho thấy thị trường thế giới ngày càng trở nên bất định, khó lường.

Ông Lộc nhận xét, không ai có thể bảo đảm rằng trong tương lai không chỉ Hoa Kỳ, Trung Quốc mà ngay cả Nhật bản , Hàn quốc.., khi gặp khó khăn sẽ không tìm cách quay trở lại bảo vệ thị trường nội địa của chính mình. “Chúng ta không thể không tính tới điều này trong một chiến lược bài bản hơn, thực chất và hiệu quả hơn cho phát triển thị trường trong nước ngay từ lúc này”, ông nói.

Các cuộc vận động “Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt nam” và “Hàng Việt nam chinh phục người tiêu dùng Việt nam “cần có thêm những xung lực mới...Đồng thời cần phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết, tận dụng tối đa các thị trường mới mở ra từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng các kênh cung ứng và đa dạng hoá thị trường.

Tất nhiên, cũng có cái may: quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do xuyên Thái bình dương, xuyên Đại Tây dương như CPTPP và EVFTA... đang khơi dậy những động lực và mở ra những không gian mới cho việc đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy tăng tỉ lệ nội địa hóa và nguồn cung ứng từ các thị trường tiềm năng ngoài Trung Quốc và Đông Bắc Á. Ở đây không chỉ có vai trò của doanh nghiệp Việt Nam mà còn có cả vai trò thúc đẩy và dẫn dắt của các thương hiệu và chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam chỉ là một mắt xích.

“Tôi cho là cần những nỗ lực cải cách thể chế mạnh mẽ để Việt Nam có thể trở thành công xưởng sản xuất của thế giới”, ông Lộc nhận xét. Phải chú trọng hơn việc xây dựng và điều hành chính sách công nghiệp quốc gia, tập trung vào những ngành, những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước, lựa chọn thế hệ các nhà đầu tư FDI có khả năng tích hợp và liên kết với cộng đồng doanh nghiệp nội địa, đẩy mạnh cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, thực sự đặt doanh nghiệp nhà nước trước áp lực của thị trường. Đồng thời phải xây dựng được một nền hành chính minh bạch, mộ nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tự chủ của nền kinh tế Việt Nam.

Ông Lộc cho rằng, biện pháp cấp bách trong ngắn hạn là cần hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh , giải quyết thủ tục hành chính cũng phải khẩn trương, quyết liệt như chống dịch ,đồng thời phải cố gắng giảm được chi phí cho doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ông Lộc đang đề nghị thành lập Tổ công tác của Chính phủ trợ giúp doanh nghiệp đối phó với dịch cúm Covid-19 để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các giải pháp và đôn đốc kiểm tra, phối hợp triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của các bộ ngành địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp.

Lan Anh