Hết lo thiếu nguyên liệu

Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện nhiệm vụ rà soát, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến các ngành sản xuất trong nước.

Đầu năm 2020, nhiều doanh nghiệp đối mặt nỗi lo thiếu nguyên vật liệu khi Trung Quốc tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19.

Đến nay, theo báo cáo của Bộ Công Thương, phần lớn các doanh nghiệp trong các ngành chế biến, chế tạo tại Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động trở lại sau khi các quốc gia này đã qua đỉnh dịch (theo thông tin từ Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, đến nay đã có khoảng 72% doanh nghiệp nhỏ và vừa Trung Quốc hoạt động trở lại; trong khi đó các doanh nghiệp lớn gần như đã hoạt động bình thường).

{keywords}
Hết tắc nguyên liệu từ Trung Quốc, thêm nỗi lo khác với nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cũng công bố đã có hơn 90% lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại quốc gia này đã trở lại làm việc), do đó, nguồn cung nguyên vật liệu, linh phụ kiện nhập khẩu cho các ngành sản xuất tại Việt Nam đã được phục hồi một phần (đặc biệt, theo thông tin từ các Hiệp hội và doanh nghiệp, trong các ngành dệt may và da giày, tỷ lệ phục hồi nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu là khá cao, từ 60-80%).

Các doanh nghiệp cũng đã chủ động đa dạng hóa các phương thức vận tải nhập khẩu (đường biển hoặc đường hàng không) nhằm thay thế một phần cho vận tải đường bộ trong việc nhập khẩu các nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.

Mặc dù vậy, trong thời gian tới Bộ Công Thương lo rằng việc nhập khẩu nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào từ Trung Quốc dự kiến vẫn chưa thể thuận lợi như trước đây do cả hai quốc gia đều vẫn đang tiến hành các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu biên giới - trong khi việc vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không sẽ làm tăng chi phí và khó bảo đảm số lượng hàng hóa phục vụ cho nhu cầu sản xuất như việc vận chuyển qua đường bộ.

Trong quý I/2020, mặc dù đã gây ảnh hưởng nhất định đến các ngành công nghiệp trong nước, nhưng Bộ Công Thương đánh giá các khó khăn, vướng mắc về nguyên phụ liệu, linh phụ kiện nhập khẩu cơ bản chưa tác động quá nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất. Hầu hết các doanh nghiệp vẫn có thể cân đối từ nguồn nguyên phụ liệu dự trữ cũng như các đơn hàng sẵn có từ cuối 2019 và đầu 2020.

Đa số các ngành công nghiệp vẫn có sự tăng trưởng tuy không giữ được mức tăng trưởng như cùng kỳ các năm trước; sự sụt giảm tăng trưởng của một số ngành như sản xuất ô tô, sản xuất kim loại, sản xuất đồ uống... chủ yếu do nguyên nhân từ thị trường tiêu thụ trong nước suy giảm).

“Đến nay, với việc khôi phục sản xuất từ phía Trung Quốc và một số quốc gia khác, nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu có thể không còn là vấn đề quá nghiêm trọng cho các doanh nghiệp sản xuất trong quý II và các quý còn lại của năm 2020 như dự báo trước đây”, Bộ Công Thương nhìn nhận.

{keywords}
Nhiều ngành hàng sẽ không thoát khỏi khó khăn nếu thiếu sự hỗ trợ lúc này.

Xuất hiện nỗi lo khác nghiêm trọng hơn

Cuối tháng 3/2020, sau khi nguồn cung nguyên vật liệu từ Trung Quốc cơ bản được phục hồi, dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở châu Âu và Hoa Kỳ, khiến các nước này phải áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế đi lại, tụ tập đông người.

Theo Bộ Công Thương, việc hạn chế này cùng với tâm lý lo ngại về dịch bệnh, cắt giảm chi tiêu để lo phòng chống dịch dẫn đến nhu cầu mua sắm giảm mạnh.

Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ. Năng lực sản xuất của các ngành này được đầu tư vượt xa nhu cầu tiêu dùng nội địa, chủ yếu hướng đến thị trường ngoài nước, trong đó đặc biệt là thị trường Mỹ và châu Âu.

“Khó khăn về thị trường xuất khẩu sẽ nghiêm trọng hơn so với việc thiếu hụt nguyên phụ liệu từ Trung Quốc”, Bộ Công Thương đánh giá.

Vừa qua, dù nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc gặp khó khăn nhưng các doanh nghiệp vẫn có thể duy trì hoạt động sản xuất do cân đối lượng nguyên phụ liệu dự trữ từ trước Tết. Tuy nhiên, nếu đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ không có dòng tiền để quay vòng vốn, trang trải chi phí, trả lãi ngân hàng, khấu hao nhà xưởng, trả lương công nhân...

“Do đó sẽ không thể duy trì hoạt động”, Bộ này cảnh báo.

Nhiều khách hàng lớn của Mỹ và EU đã đề nghị các doanh nghiệp dệt may, da giày Việt Nam giãn, hoãn tiến độ giao hàng, chưa ký hợp đồng mới, có trường hợp khách hàng đề nghị hủy hợp đồng đã có. Dự kiến số lượng đơn hàng trong tháng 4, tháng 5 của 2 ngành sẽ bị giảm khoảng 70%, các đơn hàng mới từ tháng 6 trở đi sẽ chưa được đàm phán và khả năng phục hồi đơn hàng đến cuối năm 2020 sẽ rất chậm.

Trong khi đó, việc chuyển hướng xuất khẩu sang các quốc gia khác gặp nhiều khó khăn vì các thị trường này (Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản...) nhìn chung rất khó có thể bù đắp thiếu hụt từ thị trường Mỹ và châu Âu, trong khi đó, hàng dệt may và giày dép của Việt Nam có thể gặp phải sự cạnh tranh rất lớn từ hàng hóa của Trung Quốc do năng lực sản xuất của họ rất lớn và cơ bản đã được phục hồi.

Ưu tiên quan trọng nhất trong thời điểm này, theo Bộ Công Thương, là phải duy trì hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp trong nước qua giai đoạn khó khăn bởi tác động của dịch bệnh.

Bởi việc để một doanh nghiệp đóng cửa vĩnh viễn sẽ phá huỷ việc làm và tạo ra hiệu ứng lan toả tiêu cực đối với các doanh nghiệp khác dọc theo chuỗi cung ứng.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho rằng cần phải quyết liệt triển khai 03 giải pháp cơ bản sau để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động của dịch bệnh.
Một là đẩy mạnh công tác thông quan nguyên phụ liệu nhập khẩu để kịp thời cung ứng cho sản xuất trong nước. Hai là có chính sách hỗ trợ đủ mạnh, thực chất về tín dụng, tài chính và thuế để giúp các doanh nghiệp bảo đảm hoạt động sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội. Ba là đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước cho các ngành công nghiệp trọng điểm, trong đó, chủ yếu là thị trường xuất khẩu cho các ngành xuất khẩu chủ lực để giải quyết một phần năng lực sản xuất dư thừa trong nước nhằm duy trì sự tồn tại của các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.

Lương Bằng

Gom 42 tỷ USD: Tắc Mỹ và EU, mở thêm đường qua Trung Quốc, ASEAN

Gom 42 tỷ USD: Tắc Mỹ và EU, mở thêm đường qua Trung Quốc, ASEAN

Để đạt mục tiêu xuất khẩu 42 tỷ USD như kế hoạch, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc phải đạt 10%, thị trường ASEAN 9%,... mới có thể bù đắp sự sụt giảm của thị trường Mỹ, EU.