Ngân hàng Thế giới World Bank (WB) vừa đưa ra dự báo giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2016 của Việt Nam xuống còn 6,2% từ mức 6,6% trước đó.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ những tác động của lĩnh vực nông nghiệp do tác động của thiên tai như hạn hán ở Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long... và do tăng trưởng xuất khẩu sụt giảm mạnh.
Hồi cuối 2015, WB đưa ra dự báo cho rằng, mặc dù kinh tế toàn cầu vẫn còn bất ổn nhưng sự phục hồi của kinh tế Việt Nam là hết sức ấn tượng. Việt Nam vẫn chống chịu tốt giữa bối cảnh biến động bên ngoài. Khi đó, WB dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm 2016.
Trong báo cáo mới, WB dự báo lạm phát tại Việt Nam sẽ tăng nhanh từ mức 0,6% năm 2015 lên 3,5% trong năm 2016. Cán cân vãng lai thâm hụt 0,6% (GDP), cán cân tài khoá -5,9% (GDP) và nợ công sẽ tăng từ mức 62,5% GDP năm 2015 lên 63,8% GDP năm 2016. Năm 2017 nợ công sẽ tăng tăng lên 64,4% và năm 2018 sẽ là 64,7% GDP.
|
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo ở mức cao nhưng có xu hướng thấp dần. |
So với dự báo của nhiều tổ chức trong và ngoài nước khác, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam của WB có phần kém tích cực hơn. Gần đây, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2016, với mức tăng trưởng 6,7%. Các chuyên gia trên Bloomberg dự báo mức tăng là 6,6%, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Ấn Độ.
Ngân hàng ANZ gần đây cho biết, họ có thể phải hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam thay cho con số dự báo trước đó là: 6,9% cho năm 2016 và 6,5% năm 2017. Động thái của ANZ diễn ra trong bối cảnh, NH này nhận thấy tăng trưởng GDP quý I/2016 không đạt như kỳ vọng, tăng trưởng 5,5% so với cùng kỳ, do sản lượng lương thực giảm. Theo ANZ, sản xuất nông nghiệp sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng xấu do hiện tượng El Nino kéo dài.
Các tổ chức, trong đó có WB, có dự báo khá giống nhau về lạm phát, phổ biến ở mức 3-3,5%. ADB cho rằng, lãi suất sẽ chịu áp lực khi cầu tín dụng tăng, thanh khoản co hẹp trong khi lạm phát sẽ ở mức 3% năm 2016 và 4% năm 2017 do giá dịch vụ giáo dục và y tế, tăng tiền lương tối thiểu khu vực công tăng. Giá nhập khẩu cũng sẽ tăng khi tiền đồng mất giá. Bên cạnh đó, giá lương thực và nhiên liệu thế giới tăng trong năm 2017 sẽ làm cho lạm phát năm sau cao hơn.
M. Hà