- Chúng tôi như không thể tin vào mắt mình, khi giường trên người vợ nằm như một bộ xương khô bất động, giường dưới người chồng mù lòa, bị tâm thần gần hai chục năm nay đang mò mẫm xua đuổi từng con gián. Cả ngôi nhà cấp 4 rêu phủ ẩm thấp, cửa hư hỏng hết, trông giống như một ngôi nhà hoang giữa khối 11, thị trấn huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.

TIN BÀI KHÁC:

Người vợ tên Phạm Thị Mai, năm nay 54 tuổi. Tuổi thanh xuân bà đẹp như đóa hoa rừng miền sơn cước, theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, bà xung phong đi bộ đội, đóng quân ở Khe Lang. Gần 5 năm quân ngũ, chiến tranh biên giới kết thúc, bà phục viên về làm công nhân nông trường 20/4.

Năm 1992, trước gia cảnh khó khăn của gia đình, chồng thì bị bệnh tâm thần suốt ngày la hét ngoài đường, bà quyết định nghỉ hưu hưởng trợ cấp một lần theo chế độ 176, ra góc chợ mở quầy bán thịt lợn. Cuộc sống đắp đổi qua ngày, một thân bà chạy chợ nuôi 2 người con đang tuổi ăn, tuổi lớn và chăm sóc người chồng mất trí.

Từ ngày bị mù, người chồng tâm thần không còn chạy ra ngoài la hét nữa, chỉ ngồi một chỗ trong nhà
Đến một ngày, khi đôi tay khó điều khiển con dao thái thịt, đôi chân tê buốt không còn cảm giác, gia đình mới đưa bà đi bệnh viện thăm khám. Lúc này, bệnh viện kết luận bà bị thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm, phải mổ để cứu vãn tình hình.

Nhưng do nghèo khó, mãi đến năm 2009 mới quyết định “cắm nhà”, vay mượn hàng trăm triệu đồng ra bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để mổ. Có ai ngờ, mổ xong thì bà Mai bị liệt tứ chi, nằm bất động một chỗ. Gia đình tiếp tục đưa bà ra bệnh viện Bạch Mai, tại đây bác sỹ kết luận bà bị thoái hóa thần kinh trung ương, chuyển sang bệnh viện lão khoa để điều trị. Nhưng lúc này, các bác sỹ đều “bó tay”, gia đình đành phải đưa về nhà chăm sóc.

Từ đấy, bà Phạm Thị Mai nằm bất động một chỗ, không ăn, không nói được, cách nhận biết và biểu lộ tình cảm chỉ qua đôi mắt. 4 năm như thế, giờ đây cơ thể bà teo tóp chỉ còn da bọc xương, các khớp xương tay, chân đã cứng, nhìn như một bộ xương khô.

Người chồng tên Lê Lý Quỳ, năm nay 59 tuổi, cũng từng tham gia bộ đội chống Mỹ. Đất nước thống nhất, ông chuyển sang làm công nhân cầu đường. Được mấy năm thì phát bệnh tâm thần, nghỉ không lương, suốt ngày chạy la hét ngoài đường. Đến ngày ông không còn chạy ra ngoài đường, ngoài chợ la hét được nữa thì gia đình phát hiện ông bị mù lòa. Cách đây 1 năm thì đã mù hẳn, chỉ sinh hoạt tại chỗ trên chiếc giường cá nhân trong nhà. Thỉnh thoảng lên cơn điên, ông lại mò mẫm phá phách, đập phá hết đồ đạc trong nhà.

Bố tâm thần, mù lòa, mẹ liệt tứ chi nằm 1 chỗ, người con trai lớn tên Lê Quốc Huy, năm nay 23 tuổi đành bỏ dở con đường học hành, lăn lộn từ Bắc, vào Nam làm thuê kiếm sống, gửi tiền về cho em gái chăm sóc bố mẹ qua ngày. Người em gái tên Lê Thị Thùy Linh, đã từng bỏ dở con đường học vấn năm lên lớp 9 để ở nhà trông bố và chăm sóc mẹ, chỉ mấy năm gần đây được sự động viên của cậu, dì mới tiếp tục đi học bổ túc văn hóa, nay đang học lớp 12.

Người mẹ già 86 tuổi hàng ngày chạy qua nhà lật trở người cho chị Mai
Ngày chúng tôi đến thăm, đã không khỏi thương cảm nhìn cảnh người mẹ già của bà Mai năm nay đã 86 tuổi, đang cố gắng dùng sức tàn để lật trở cho người con gái tàn tật. Vừa xoa bóp cho con, bà vừa kể chuyện: “Từ ngày con Mai bị liệt, chồng nó bị mù, đứa cháu trai ra Hà Nội làm thuê, đứa cháu gái theo học lớp bổ túc, tôi không dám đi đâu xa, để ngày ngày ghé sang chăm sóc, lật trở cho nó đỡ mỏi. Mà tui già cả như thế này, biết còn chăm nó được bao lâu?”.

Rồi bà khóc khi kể cho chúng tôi nghe chuyện cách đây 10 ngày, bà mới đi vắng một buổi, mà ở nhà người con rể bị bệnh tâm thần, không biết làm cách gì khiến bà Mai bị ngã xuống giường, đầu đập vào nền gạch phải khâu 5 mũi.

“Lúc đó cháu Linh đi học về thấy mẹ nằm bất động dưới giường, máu đã đông cục, người bố ngồi bên cạnh cứ rờ rẫm, nói cười… May mà hắn chưa chết. Mà nhiều khi chết đi lại may!”- Người mẹ già chua chát nói.

Nhìn cảnh 2 mẹ con bà Mai cảm nhận nhau qua ánh mắt, với dòng nước ri rỉ ra từ hốc mắt sâu, chúng tôi không ai cầm được lòng mình. Càng thương cảm hơn khi được người hàng xóm cho biết, đã có lần bà Thông bị con rể lên cơn, xô ngã xuống giường. Riêng cháu Thùy Linh thì hầu như đêm nào cũng phải thức trắng để chăm sóc bố mẹ, sáng mai lại lên trường với cái bụng rỗng không… Lòng rối bời chợt nghĩ, rồi đây gia đình đáng thương này sẽ ra sao, nếu không có những tấm lòng hảo tâm, cùng nhường cơm sẽ áo?

Bùi Tiến – Duy Quang

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
1, Gửi trực tiếp cháu Lê Thị Thùy Linh, khối 11, thị trấn huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.
2. Qua Báo VietNamNet (ghi rõ ủng hộ gia đình cháu Lê Thị Thùy Linh, ở Hà Tĩnh)
Qua TK ngân hàng Vietcombank
Chuyển khoản: Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- Chuyển khoản từ nước ngoài:
- Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER
- The currency of bank account: 0011002643148
-Bank:- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
-Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam
-SWIFT code: BFTVVNVX

Qua TK ngân hàng Viettinbank
Chuyển khoản: Đơn vị thụ hưởng: Báo VietNamnet
Số tài khoản: 1020.1000.158.2330
Ngân hàng Vietinbank Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Chuyển tiền từ nước ngoài:
Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Hoan Kiem Brand
- Address:37 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Swift code:ICBVVNVX122

3.Hoặc trực tiếp báo VietNamNet:
-Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội
-Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, P6, quận 3, TP.HCM. Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881
Email: banbandoc@vietnamnet.vn