Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đều đã có được đơn hàng đến hết quý II, đa dạng chuỗi cung ứng nguyên liệu, tìm kiếm các đối tác cạnh tranh về giá cả, chất lượng là việc các doanh nghiệp dệt may đang tiến hành để đảm bảo giao hàng đúng thời hạn, đúng yêu cầu của nhà sản xuất.

Tuy nhiên để có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng 10% trong năm 2021 và tận dụng được lợi ích từ các hiệp định, doanh nghiệp dệt may phải chuyển mình, thay đổi cơ cấu sản phẩm và cạnh tranh giá cả với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Cùng kỳ năm trước, khẩu trang là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Tổng công ty May 10, thế nhưng năm nay doanh nghiệp này đã có thể quay trở lại xuất khẩu những mặt hàng truyền thống. Theo chia sẻ của đại diện doanh nghiệp, họ đã có đơn hàng sơ mi đến tháng 7/2021.

{keywords}
Công ty dệt Hà Nam tìm giải pháp sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng (ảnh: Băng Dương)

"Giống như mọi năm, chúng tôi phải đối mặt với 2 khó khăn: về nguồn hàng do tính mùa vụ và khó khăn về lực lượng lao động tuyển mới. Năm nay, chúng tôi có đầy đủ nguồn hàng, thậm chí chúng tôi có lượng khách hàng đặt hàng đến hết tháng 8", ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, cho biết.

Hai tháng đầu năm 2021, xuất khẩu dệt may ghi nhận những tín hiệu tích cực với tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, xuất khẩu sợi tăng đến 41% sau 24 tháng sụt giảm. Nhiều cơ hội được mở ra với xuất khẩu dệt may Việt Nam.

"Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trên toàn cầu là tương đối tốt cộng với hình ảnh Việt Nam kiểm soát dịch tốt nên các đối tác có xu hướng chuyển dịch mua hàng Việt Nam, ưu tiên Việt Nam hơn", ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam, chia sẻ.

Với năm 2020, nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may giảm mạnh nhưng trong năm 2021 khi nền kinh tế vận hành trở lại, các đồng được ký kết cụ thể: thời gian giao hàng, trách nhiệm đối với nhà sản xuất… Do đó việc chậm, hoãn hay dừng hợp đồng do điều kiện khách quan vẫn là điều mà các doanh nghiệp dệt may lưu ý.

Bên cạnh đó, chi phí logistic khiến cho cả đầu vào và đầu ra đối với hoạt động sản xuất tăng lên đáng kể. Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng dự đoán trong thời gian tới giá nguyên liệu tăng nhưng giá thành phẩm giảm từ 15% đến 20%.

Có thể nói, xây dựng chuỗi khép kín từ nguyên liệu, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm là bài toán mà các doanh nghiệp lớn trong ngành đã tính đến, không chỉ ứng phó với tình hình nguyên liệu tăng giá hiện tại mà lâu dài để có thể tối ưu hóa lợi nhuận cũng như tận dụng nhân lực sẵn có.

Trong năm 2021, xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể tăng trưởng là 39 tỷ USD nếu thuận lợi và 38 tỷ USD trong điều kiện bình thường. 

Thu Uyên