Xuất khẩu qua thương mại điện tử của Việt Nam tăng mạnh

Chia sẻ tại Hội nghị thương mại điện tử xuyên biên giới vừa được tổ chức sáng 17/10 tại Hà Nội, ông Trịnh Khắc Toàn - Giám đốc khu vực miền Bắc Amazon Global Selling Việt Nam cho hay, từ đầu năm đến nay, đã có hơn 17 triệu sản phẩm từ Việt Nam được bán trên Amazon. 

Việt Nam cũng chứng kiến sự tăng trưởng 40% về số nhà bán hàng ra toàn cầu và 50% doanh số của các nhà bán hàng. Dù chưa hết năm, nhưng có thể khẳng định năm nay là năm phát triển rất sôi động của các nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon”, ông Toàn nói. 

Theo Giám đốc khu vực miền Bắc Amazon Global Selling Việt Nam, top 5 ngành hàng có doanh thu tốt nhất của người Việt trên Amazon là nhà cửa, nhà bếp, chăm sóc sức khỏe, may mặc, làm đẹp. 

Đặc biệt, 2023 là năm chứng kiến sự chuyển dịch, sự tăng trưởng vượt bậc của ngành hàng chăm sóc sức khỏe cá nhân, đặc biệt là thực phẩm chức năng. Ngoài ra còn ngành làm đẹp. Nhiều nhà bán hàng Việt Nam đã thành công với các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp khi bán cho khách hàng toàn cầu, ví dụ như lông mi giả.

Đáng chú ý khi đây đã là năm thứ 3 liên tiếp những ngành hàng về nhà cửa, nhà bếp nằm ở top dẫn đầu. Lý giải cho điều này, ông Trịnh Khắc Toàn cho rằng, Việt Nam có thế mạnh về các sản phẩm nội thất, trang trí nhà cửa, góc làm việc, bàn ghế ngoài trời. Ngành làm đẹp cũng là ngành mà Việt Nam có nhiều ưu thế.

Do vậy, Giám đốc khu vực miền Bắc Amazon Global Selling Việt Nam cho rằng, đây là những ngành hàng mà doanh nghiệp Việt Nam nên lựa chọn khi hướng xuất khẩu ra thị trường toàn cầu qua kênh thương mại điện tử.

W-amazon-tmdt-1-1.jpg
Ông Eric Broussard, Phó Chủ tịch Amazon, Khối đối tác khách hàng quốc tế. Ảnh: Trọng Đạt

Nhận định về Việt Nam, ông Eric Broussard, Phó Chủ tịch Amazon, Khối đối tác khách hàng quốc tế cho rằng, sự phát triển của TMĐT tại Việt Nam là một điều đáng kinh ngạc. 

Theo Phó Chủ tịch Amazon, Việt Nam đang là trung tâm sản xuất mới nổi. Hàng nghìn nhà bán hàng của Việt Nam đang “go global” dựa trên nền tảng của Amazon. Các sản phẩm Việt Nam không chỉ được bán cho người dùng Mỹ mà còn ở các nước châu Âu và 22 thị trường Amazon có mặt. 

Các sản phẩm Made in Vietnam “go global” với Amazon có thể kể tới đồ gia dụng của Sunhouse, các sản phẩm xanh làm từ gạo, cỏ, bã mía của equo hay các sản phẩm phân hủy sinh học của AnEco với tốc độ tăng trưởng hàng trăm % mỗi năm.

Tại Mỹ, ngày hôm nay tôi đặt sản phẩm thì sáng mai tôi đã nhận hàng trước 11h trưa. Dù các sản phẩm này đến từ Việt Nam, thông tin về sản phẩm hoàn toàn bằng tiếng Anh, tốc độ giao hàng cũng rất nhanh, cứ như nó ở ngay nước Mỹ vậy”, ông Eric Broussard nêu dẫn chứng. 

Xuất khẩu thương mại điện tử sẽ là động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam

Trước xu hướng xuất khẩu qua thương mại điện tử đang ngày càng phát triển, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay, Việt Nam tự hào là 1 trong 3 nền thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á, cả về quy mô thị trường và tốc độ tăng trưởng.

Thị trưởng thương mại điện tử Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng 20% trong suốt  7 - 8 năm nay, bất chấp đại dịch Covi-19. Dự đoán trong năm nay, tốc độ tăng trưởng về thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ đạt 20%, với quy mô doanh thu khoảng 10 tỷ USD. 

Theo Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, về xuất khẩu trực tuyến, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử xuyên biên giới thường cao hơn gấp 2 - 3 lần so với xuất khẩu thông thường. “Việt Nam có tiềm năng lớn về xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới”, bà Lại Việt Anh đưa ra nhận định. 

W-amazon-tmdt-2-1.jpg
Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số. Ảnh: Trọng Đạt

Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao trong GDP. Nói cách khác, xuất khẩu là một trong những động lực cho kinh tế Việt Nam. 

Bà Việt Anh cho hay, Việt Nam cần làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực mới, bao gồm chuyển đổi số, hợp tác phát triển chuỗi cung ứng, từ đó nâng vị thế Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Xuất khẩu trực tuyến là yếu tố kết hợp giữa động lực tăng trưởng cũ là xuất khẩu và động lực mới là ứng dụng CNTT, chuyển đổi số thông qua việc tận dụng cơ hội mà các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới mang lại”, bà Việt Anh nói.