Theo Defense Express, trong ngày 11/12, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định đặt mua 26 tiêm kích Dassault Rafale M của Pháp cho chương trình "Máy bay chiến đấu đa nhiệm trên tàu sân bay" (MRCBF) của hải quân nước này.

Đại diện hải quân Ấn Độ cho biết, 2 ứng viên chính cho MRCBF là Rafale M và F/A-18 Super Hornet của Mỹ, đều đã thực hiện các bài tập cất cánh bằng cầu nhảy. Bài tập là cơ sở để đánh giá sự tương thích của các ứng viên với tàu sân bay INS Vikrant, vốn sử dụng thiết kế cầu nhảy và cáp hãm đà.

Chiến cơ Dassault Rafale M của Pháp trên tàu sân bay, ở phía sau là F/A-18 Super Hornet của Mỹ. Ảnh: US Navy

Sau các bài kiểm tra và đánh giá, hải quân Ấn Độ đã đệ trình báo cáo đầy đủ lên Bộ Quốc phòng để đưa ra quyết định mua sắm cuối cùng. Theo báo cáo này, tiêm kích của Pháp "phù hợp hơn" trong việc đáp ứng các yêu cầu và tiêu chí hoạt động so với máy bay của Mỹ.

Hơn 20 tiêm kích Rafale M được coi là một giải pháp tạm thời trong khi Ấn Độ phát triển chương trình máy chiến đấu trên tàu sân bay TEDBF. Một số thông tin được hé lộ cho biết, tiêm kích của Ấn Độ sẽ là máy bay chiến đấu thế hệ 5, có kích thước nhỏ hơn MiG-29K của Nga, bay thử lần đầu năm 2026.

Hệ thống vũ khí của Rafale M. Ảnh: FN

Rafale M là phiên bản hoạt động trên tàu sân bay của tiêm kích thế hệ 4 Rafale. Máy bay có chiều dài 15,27m, sải cánh dài 10,8m, trọng lượng cất cánh tối đa 24,5 tấn. Tiêm kích của Pháp được trang bị 2 động cơ phản lực Smecma M88, tốc độ tối đa lên tới 1.913 km/h.

Rafale M có 13 giá treo vũ khí, có thể sử dụng tên lửa đối không và đối đất, bom dẫn đường, tên lửa chống hạm hay tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Tiêm kích này cũng được trang bị một pháo tự động GIAT 30 DEFA 30 mm để không chiến tầm gần. Dù không phải một tiêm kích tàng hình, Rafale M vẫn có tiết diện phản xạ radar khá nhỏ.

Việt Dũng

>> Đọc thêm tin quân sự thế giới trên báo VietNamNet