Đài RT dẫn lời ông Erdogan hôm 28/2 đánh giá, khi cuộc xung đột Nga – Ukraine hiện đã bước sang năm thứ 3, ngoại giao và đối thoại sẽ tạo cơ hội cho một “giải pháp công bằng và lâu dài”.
“Để đạt mục tiêu này, việc sử dụng các kênh ngoại giao ở cấp cao nhất từ mọi con đường khả thi là rất quan trọng”, ông Erdogan nói trong thông điệp gửi tới Hội nghị thượng đỉnh Ukraine - Đông Nam Âu ở Albania, nơi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang cố gắng vận động sự ủng hộ cho những nỗ lực quân sự chống Moscow của Kiev.
Ông Zelensky đã tiếp cận các quốc gia vùng Balkan tại hội nghị với lời đề nghị bắt đầu sản xuất vũ khí chung. Ukraine quan tâm đến việc hợp tác sản xuất vì nước này hiện gặp vấn đề về nguồn cung đạn dược, khiến tình hình trên tiền tuyến trở nên tồi tệ hơn.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết chưa có đủ nỗ lực để đưa Moscow và Kiev xích lại gần nhau cũng như cố gắng thiết lập một cuộc đối thoại hòa bình. Ông cũng nhắc lại việc Ankara ủng hộ “độc lập, chủ quyền, an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine” và kế hoạch hòa bình 10 điểm của ông Zelensky “về nguyên tắc”.
Nga nhiều lần khẳng định sẵn sàng giải quyết xung đột thông qua đàm phán, đồng thời đổ lỗi cho Ukraine về tình trạng thiếu đột phá ngoại giao. Moscow cũng bác bỏ kế hoạch hòa bình do ông Zelensky đề xuất, vốn đòi hỏi việc Nga rút quân hoàn toàn khỏi Ukraine một cách vô điều kiện và trao trả các vùng lãnh thổ không qua thương lượng.
Nga nói quan hệ với Đức, Pháp “thấp chưa từng thấy”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố với hãng tin Sputnik rằng, việc ký kết thỏa thuận an ninh giữa Đức và Pháp với Ukraine không ảnh hưởng tới các quan hệ song phương với Nga vì chúng đang ở mức “thấp chưa từng thấy”.
Bà Zakharova cáo buộc Đức và Pháp đã vứt bỏ “những thành tựu to lớn của sự hợp tác song phương đôi bên cùng có lợi, được tích lũy qua nhiều thế hệ” với Nga. Theo người phát ngôn, hai nước Tây Âu thuộc NATO này đã đóng đóng vai trò tích cực trong việc chuyển giao các hệ thống sát thương hiện đại, huấn luyện binh lính Ukraine và cung cấp thông tin tình báo cho Kiev trong cuộc xung đột với Moscow.
Bà Zakharova coi đây là các hành động “góp phần làm leo thang xung đột” và khiến Đức, Pháp trở thành “đồng phạm trực tiếp trong các hành động của Ukraine”.
Berlin và Paris hiện chưa lên tiếng bình luận về những phát biểu trên.