“Đây là nỗ lực lớn của công ty với tầm nhìn dài hạn”, CFO Ruth Porat viết trong bức email hiếm hoi gửi tới toàn thể nhân viên tại đây. “Mục tiêu chính của công ty là tiết kiệm bền vững”.
Theo đó, Google đang huỷ bỏ các lớp thể dục, giảm thiểu văn phòng phẩm cũng như tần suất đổi máy tính xách tay cho nhân viên. Trước đó, công ty cũng đã ngừng chi trả chế độ cho nhân viên nghỉ thai sản và y tế.
Gã khổng lồ tìm kiếm mong muốn cắt giảm chi phí tối đa thông qua việc nâng cao tốc độ và hiệu suất công việc. Công ty này đang trải qua kỷ nguyên “thắt lưng buộc bụng” khắc nghiệt nhất trong gần 2 thập kỷ trở lại đây.
Porat cho biết, việc sa thải nhân viên “là quyết định khó khăn nhất công ty từng phải thực hiện” và đây không phải lần đầu tiên Google ở trong tình cảnh ngặt nghèo như vậy.
“Chúng ta đã từng trải qua điều này”, trích bức email. “Năm 2008, chi phí hoạt động của công ty cũng tăng vượt doanh thu. Công ty đã phải sắp xếp lại văn phòng, nâng cao hiệu suất sử dụng máy móc, cắt giảm chi tiêu dành cho đi lại và giải trí, cũng như các hoạt động khác như café, bếp ăn mini, điện thoại di động hay thậm chí là đóng cửa chi nhánh nghiên cứu xe hybrid”.
Tiết kiệm từ laptop đến ghim bấm
Trong số thay đổi về trang thiết bị, Google đang tạm dừng đổi mới laptop, PC và màn hình cho nhân viên. Tần suất cho việc thay mới cũng được điều chỉnh cho phù hợp với tinh thần tiết kiệm.
Theo mặc định, trước đây những nhân viên Google dù không làm trong lĩnh vực kỹ thuật, cũng có thể được đổi máy mới Chromebook, laptop do công ty sản xuất chạy trên hệ điều hành Chrome OS.
Tiếp đó, nhân viên cũng không còn được thanh toán tiền điện thoại di động hàng tháng. Đối với mua sắm bên ngoài, bất kỳ món hàng nào giá trị hơn 1.000 USD đều phải có sự phê duyệt của giám đốc hoặc cấp có thẩm quyền “cao hơn”.
CloudTop, máy trạm ảo nội bộ của công ty, được chuyển thành “máy tính bàn mặc định” cho các nhân viên.
Trước đó, vào tháng 2, CNBC đưa tin gã khổng lồ tìm kiếm đã yêu cầu nhân viên chia sẻ bàn làm việc với đối tác luân phiên để tiết kiệm chi phí văn phòng.
Chưa dừng lại, đồ dùng văn phòng cũng đang bị cắt giảm tối đa trong những tuần gần đây. Bấm dập ghim và băng keo không còn được cung cấp rộng rãi tới tất cả các máy in ở công ty như “một phần của sáng kiến tiết kiệm chi phí”.
“Chúng tôi được yêu cầu thu lại tất cả văn phòng phẩm trong toà nhà. Nếu nhân viên cần bấm dập ghim hay băng dính, họ có thể mượn ở quầy lễ tân”, một chỉ thị nội bộ tại chi nhánh Google Sanfranciso cho biết.
Vòng sa thải mới
Apple, công ty duy nhất chưa công bố kế hoạch sa thải quy mô lớn, bắt đầu có động thái cắt giảm nhân sự trong tuần này. Theo Bloomberg và Business Insider, nhà sản xuất iPhone đã cho nghỉ việc một số nhân viên tại bộ phận xây dựng và bảo trì cửa hàng bán lẻ. Những vị trí bị ảnh hưởng được thông báo có thời hạn đến cuối tuần để ứng tuyển vào vai trò khác tại công ty, trong trường hợp không thành công họ sẽ nhận 4 tháng trợ cấp thôi việc.
Số lượng sa thải chính thức của “Nhà Táo” không được công khai trong bối cảnh các “khủng long” trong ngành khác đã cắt giảm hàng chục ngàn việc làm cho đến nay, chẳng hạn như Google (12.000), Amazon (27.000), Meta (21.000), Microsoft (10.000),…
Mặc dù đây là lần đầu tiên Apple sa thải nhân viên toàn thời gian kể từ khi làn sóng cắt giảm lớn trong lĩnh vực công nghệ diễn ra, nhưng công ty đã tiến hành giảm chi phí hoạt động theo những cách khác.
Tháng trước, Bloomberg thông tin, “Nhà Táo” đã chấm dứt hợp đồng một số nhà thầu, làm chậm quá trình tuyển dụng, trì hoãn chi thưởng, giảm ngân sách công tác phí hay lùi tiến độ các dự án…
Lo ngại về suy thoái kinh tế do lãi suất tăng đã kích hoạt hàng loạt đợt cắt giảm việc làm trên khắp các công ty Mỹ những tháng gần đây, đặc biệt trong ngành công nghệ, lĩnh vực đã tăng trưởng nóng suốt thời gian đại dịch.
Theo CNBC, Bloomberg, Reuters