Tại Hội nghị Internet thế giới ở Chiết Giang (Trung Quốc), nơi quy tụ thường niên của các nhà điều hành Internet hàng đầu của đất nước tỷ dân, cũng như nhiều quan chức chính phủ, Wu khẳng định “Alibaba đang trở thành doanh nghiệp có nền tảng công nghệ mở, cung cấp cơ sở hạ tầng cho sáng tạo và chuyển đổi AI trong nhiều lĩnh vực khác nhau”.

Đây là lần đầu tiên người đồng sáng lập Alibaba, công khai nói về tầm nhìn của gã khổng lồ công nghệ 24 tuổi, vốn đang tiến hành tái cơ cấu sâu rộng lĩnh vực kinh doanh cốt lõi thành sáu đơn vị, trong đó có thương mại điện tử, điện toán đám mây và giải trí.

95c9f0c7 4de3 4390 8fc6 4a6a1f04e0fe a82ee983.jpeg
Hội nghị Internet thế giới tổ chức thường niên là nơi quy tụ các công ty Internet hàng đầu Trung Quốc.

SCMP dẫn lời người đứng đầu công ty Internet lớn nhất Trung Quốc, cho biết hoạt động thương mại điện tử của Alibaba gồm Taobao và Tmall Group vẫn là trụ cột kinh doanh, song tương lai tập đoàn lại phụ thuộc vào AI.

“Trong hai thập kỷ qua, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của Trung Quốc chủ yếu diễn ra đối với lĩnh vực tiêu dùng, đưa quốc gia trở thành một trong những cường quốc Internet tiêu dùng hàng đầu thế giới”, Wu nói. “Trong kỷ nguyên AI, Alibaba muốn trở thành một nền tảng công nghệ phục vụ xã hội đổi mới và chuyển đổi sang công nghệ mới, phù hợp với sứ mệnh ban đầu là giúp công việc kinh doanh ở bất cứ đâu trở nên dễ dàng”.

Với mục tiêu này, gã khổng lồ thương mại điện tử đại lục đặt ra chiến lược xoay quanh hai chủ đề chính, tập trung vào “người dùng” và “động lực AI”.

“Trong tương lai gần, tất cả các sản phẩm mà chúng tôi cung cấp sẽ thay đổi, những thế hệ sản phẩm thông minh hơn sẽ đi vào đời sống con người”, Wu khẳng định. “Tôi tin rằng trợ lý AI sẽ trở thành phổ biến, cả trong học tập và làm việc. Mọi doanh nghiệp sẽ được trang bị trợ lý AI giúp họ thích ứng với thị trường tốt hơn”.

Tuần trước, Chủ tịch Alibaba Joe Tsai cũng nêu bật mục tiêu của đơn vị đám mây là đưa AI trở thành công cụ năng suất hiệu quả dành cho “doanh nghiệp vừa và nhỏ”. Vào tháng 9, Alibaba Cloud đã phát hành Tongyi Qianwen, LLM được thiết kế hỗ trợ các loại ứng dụng và công cụ tương tự như GPT của OpenAI. Hiện các dịch vụ của OpenAI như ChatGPT và GPT-4 Turbo đều không khả dụng ở thị trường đại lục.

Số liệu công khai từ Alibaba cho thấy hơn một nửa số mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) của Trung Quốc đang chạy trên dịch vụ đám mây của tập đoàn này.

Trợ lý ảo cá nhân trên chợ trực tuyến

Sau khi ra mắt, Alibaba đã đưa Tongyi Qianwen lên sàn TMĐT Taobao để hỗ trợ chăm sóc khách hàng cũng như đưa ra gợi ý tìm kiếm phù hợp hơn. Chatbot của nền tảng TMĐT có khả năng tương tác và đưa ra đề xuất trên nhiều định dạng, gồm cả văn bản lẫn video ngắn.

08vkirepfwwrj21xn.jpg
Tongyi Qianwen được coi là giải pháp thay thế cho GPT khi chatbot của OpenAI không khả dụng ở thị trường đại lục.

Không chỉ dừng lại với khả năng tìm kiếm, trợ lý AI còn có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ tạo hành trình du lịch chi tiết cho đến soạn thảo bài đăng tiếp thị sản phẩm. Để sử dụng, người dùng chỉ cần gõ tìm kiếm Tongyi Qianwen trên ứng dụng Taobao và click vào chatbot để tương tác.

Song, mục đích của tập đoàn thương mại điện tử lại nhằm cho phép người dùng xây dựng giải pháp AI sinh tạo của riêng họ xung quanh Tongyi Qianwen, thay vì là một chatbot trợ lý đơn thuần. Alibaba ra mắt Modelscope, nền tảng dịch vụ cung cấp truy cập vào hàng trăm công cụ tạo sinh đã được huấn luyện trước, đặt trên đám mây của hãng.

Nền tảng nguồn mở đồng nghĩa bất kỳ ai cũng có thể tự do thay đổi đoạn mã. Tuy nhiên, đổi lại, mọi người đều có thể nhìn vào bên trong và tìm hiểu chính xác cách thức hệ thống hoạt động - điều không xảy ra với những mô hình GPT mà OpenAI đang cung cấp.

Theo Forbes, một phần lý do khiến Alibaba quyết định đi theo hướng AI nguồn mở có thể là do tuân thủ quy định về AI của Bắc Kinh vừa ban hành. Các quy tắc này được coi là biện pháp tạm thời để quản lý lĩnh vực AI đang bùng nổ, bắt buộc nhà cung cấp AI dành cho công chúng phải “có biện pháp thực hiện hiệu quả cải thiện tính minh bạch các dịch vụ”.